CÁC NGUYÊN TẮC VÀ KỸ NĂNG ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

Để gia đình luôn hòa thuận, mỗi thành viên trong gia đình luôn phải có sự tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Dưới đây là một số nguyên tắc và cách ứng xử để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

1. CÁC NGUYÊN TẮC ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

Tùy theo vai trò, lứa tuổi mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong cuộc sống ứng xử mà các nguyên tắc được vận dụng phù hợp trong đời sống gia đình.

  • Tôn trọng: Giữ nền nếp, trật tự trong gia đình, lắng nghe và dân chủ bàn bạc chung của gia đình, dùng lời ngọt ngào, tử tế để nói với nhau. Hiếu kính với tổ tiên, ông bà cha mẹ, thể hiện sự trân trọng cội nguồn, người sinh thành. Với bạn đời thì tôn trọng, yêu thương, chia sẻ. Với con trẻ phải công bằng, không áp đặt, tránh trừng phạt thân thể hay nhục mạ.
  • Bình đẳng: Không phân biệt đối xử, mọi thành viên gia đình đều có cơ hội để phát triển (học hành, chăm sóc, sức khỏe, lao động phù hợp năng lực,…). Chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái. Phân công hợp lý việc nhà, giáo dục phận sự xây dựng gia đình cho mọi thành viên. Vợ chồng cùng chăm sóc nuôi dạy con cái và có quyền ngang nhau trong việc quyết định chuyện gia đình, không chia đôi số việc mà đảm nhiệm theo thiên chức, năng lực.
  • Yêu thương: Tình yêu thương sẽ là cơ sở hình thành đức hy sinh, tấm lòng thủy chung, trái tim nhân hậu, con người nhờ đó mà sống có tâm, có nghĩa, có tình để thấu cảm, chia sẻ nỗi khó khăn với người thân, sẵn sàng tha thứ cho nhau… Đó là cơ sở để hóa giải những bất đồng trong gia đình, dòng họ.
  • Đoàn kết: là nguyên tắc bảo vệ sự bền vững và phát triển của gia đình, “chị ngã, em nâng”. Cần có sự đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình, thân tộc. Sức mạnh của gia đình, cộng đồng chính là tình đoàn kết. Ngày nay, với chính sách gia điình ít con, càng phải phát huy tình đoàn kết trong gia đình, họ hàng, thân tộc để “Góp gió thành bão”, tương trợ lẫn nhau khi hữu sự, lúc khó khăn: anh em như thể chân tay; lá lành đùm lá rách.
  • Kính trên, nhường dưới: Kính trên là sự trọng vọng, ân cần đối với ông bà, cha mẹ, người cao tuổi trong gia đình, thân tộc được thể hiện qua xưng hô chuẩn mực, chào mời lễ phép. Có khách đến thăm nhà, con trẻ phải chào hỏi lễ phép, giữ gìn tôn ti trật tự, biết gọi dạ, bảo vâng. Nơi công cộng phải tôn trọng người cao tuổi, như đỡ đần việc nặng, nhường ghế trên tàu, xe, nói năng lễ phép. Nhường dưới là sự bao dung, nương nhẹ, vì nghĩa tình của người có thứ bậc, tuổi tác cao hơn đối với người dưới, là cách đối xử, nâng niu, dạy dỗ, chăm sóc đối với con trẻ; là sự nhường nhịn của anh chị với em út trong nhà.

 

Giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử văn hóa, kỹ năng ứng xử cho học sinh
cũng rất được coi trọng ở trường THPT Hưng Yên

 

2. KỸ NĂNG ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

  • Thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ nhau: Trong công việc cũng như đời sống, kinh tế, quan hệ gia đình, xã hội,… nhằm giải tỏa cho nhau những áp lực về tâm lý. Chia sẻ việc nhà để giữ gìn sức khỏe, sự thanh thản ở người bạn đời, nhờ đó gia đình êm ấm, tránh những xung đột, đôi khi dẫn đến bạo lực giữa vợ chồng. Thấu hiểu, cảm thông nhiều bao nhiêu thì phải sẵn lòng tha thứ nếu có những sự cố xảy ra giữa vợ chồng.
  • Phải kiên định, thống nhất ý kiến: Thành ngữ có câu: “Một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình” với ý muốn chỉ ra rằng ai cũng có lý lẽ, tuy nhiên nếu cố chấp dễ dẫn đến đối kháng. Trên hết vẫn là sự thấu hiểu, cảm thông nhau. Vợ chồng nếu lấy sự hòa thuận để đối xử sẽ tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, có những bất đồng cần có thời gian để người kia thuyết phục bạn đời của mình về một vấn đề chính đáng, có ích lợi cho gia đình. Có khi phải khéo léo chứng minh bằng kết quả cụ thể.
  • Hãy biểu lộ tình yêu: Cuộc sống gia đình bộ bề công việc, nỗi lo toan, tuổi tác,… tạo ra rào cản tâm lý để biểu lộ tình yêu giữa vợ chồng. Cho nên biểu lộ tình yêu với nhau là rất cần thiết để đôi bên cảm nhận hạnh phúc mà giữ gìn sự chung thủy với nhau ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Một món quà, một lẵng hoa cho ngày sinh nhật, một ánh mắt, cử chỉ yêu thương hay một không gian, thời gian riêng cho vợ chồng… thể hiện tình yêu của mình với người bạn đời.
  • Tôn trọng cá tính của nhau: Vợ chồng là một đôi nhưng là hai cá thể, có khi rất tâm đầu ý hợp nhưng có khi có những khác biệt về vốn sống, sở thích. Không vì sống chung mà buộc có sự thay đổi hoặc lệ thuộc hoàn toàn, vì như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và dẫn sẽ làm mất mát tình cảm vợ chồng. Hãy dành cho nhau những phút giây, khoảng trời riêng sseer thỏa mãn sở thích, tâm tình riêng.
  • Luôn dành cho nhau những lời ngọt ngào: Ngay cả lúc bất đồng quan điểm cũng phải thận trọng suy nghĩ kỹ trước khi nói. Lời nói cay nghiệt tạo sự tổn thương cho bạn đời và mất mát tình cảm, đôi khi khó nhìn mặt nhau. Nếu có lúc nóng giận, lỡ lời hãy chân thành xin lỗi và đừng bao gời lặp lại lỗi lầm đó. Ngược lại vợ hoặc chồng hãy rộng lòng tha thứ cho người bạn đời của mình vì tình yêu, vì gia đình của mình.
  • Chủ động giải quyết mâu thuẫn: Trong gia đình có nhiều nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng như: Cách nuôi dạy con cái, kinh tế gia đình khó khăn, ứng xử chưa tốt với bạn đời hay cha mẹ hai bên, không hiểu công việc, mối quan hệ xã hội của nhau, … dẫn đến bất đồng quan điểm, ngờ vực, hiểu lầm,…Nếu muốn giữ gìn tình yêu, mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp, gìn giữ mái ấm gia đình mà vợ chồng đã dày công xây dựng và vì con cái thì phải chủ động giải quyết mâu thuẫn.

 

Những điều nên tránh trong ứng xử trong gia đình

  • Lời nói thô tục, chửi thề, dùng tiếng lóng, nói năng hỗn xược với người trên.
  • Cách nói chì trích, trách cứ, áp đặt, chê bai, nói bâng quơ, ám chỉ, “Mượn gió bẻ măng”, nói bỏ lửng, cướp lời, định kiến, áp đặt…
  • Thái độ coi thường, ra lệnh, quá xuề xòa, thiếu nghiêm túc hoặc quá nghiêm nghị khi không cần thiết, lạnh lùng, xa cách, ra vẻ bề trên, hiểu biết mọi điều, kiến thức sâu rộng.
  • Cử chỉ suồng sã quá mức, ánh mắt soi mói, nghi  ngờ…
  • Thông tin sai sự thật, hoặc nói khác đi để né tránh những vấn đề nhạy cảm mà không đủ thông tin chuẩn để diễn đạt.
Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Nguồn:http://hoiphunu.hoabinh.gov.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 331
Hôm qua : 705
Tháng 04 : 27.503
Năm 2024 : 96.139