Từ hoà bình lập lại năm 1954 sau 9 năm kháng chiến chống Pháp cho đến năm 1960 cả nước lại dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm học 1958 - 1959 toàn tỉnh Hưng Yên chưa có Trường phổ thông cấp 3; năm học này toàn tỉnh chỉ được tuyển 50 học sinh trong số ngót 1000 học sinh tốt nghiệp cấp 2 vào học cấp 3. Số học sinh trúng tuyển quê từ huyện Khoái Châu trở lên các huyện phía Bắc sang Trường cấp 3 Hải Dương học, số còn lại sang Trường cấp 3 Thái Bình.

Trong bối cảnh như thế, năm học 1959 - 1960 Trường phổ thông cấp 3 đầu tiên của tỉnh Hưng Yên ra đời đem lại cho thanh niên học sinh toàn tỉnh Hưng Yên nói chung, và thầy trò những lớp đầu tiên của Trường cấp 3 Hưng Yên nói riêng lòng vui sướng tràn ngập đến nhường nào!

Năm học đầu tiên, trường có 1 lớp 9 (hệ 10 năm) và 4 lớp 8 (A - B - C - D), cơ sở trường lớp chưa có, phải học nhờ ở trường cấp 2 thị xã (nằm ở vọng cung, cuối hồ Bán Nguyệt bây giờ).

Tôi trong số các bạn học ở Thái Bình cùng với các bạn ở Hải Dương được về hợp thành 1 lớp 9, tuy buổi đầu bỡ ngỡ thầy mới, bạn mới, song sống trong không khí tràn đầy phấn khởi ấm tình thấy trò, tình bạn bè... Tôi được các bạn bầu làm lớp trưởng lớp 9 bây giờ. Nhớ lại hồi ấy tôi có chút ít năng khiếu về kẻ, vẽ nên hay được các thầy giáo, cô giáo gọi lên bảng để vẽ các hình mô tả thí nghiệm vật lý, hoá học, sinh vật...

Một hôm - tôi nhớ vào đầu năm học kỳ 2 năm 1959, Tôi được thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Động và thầy chủ nhiệm Luyện Minh gọi lên giao nhiệm vụ vẽ mẫu tấm huy hiệu của trường; tôi nhận lời trong sự lúng túng vì ngày ấy ngoài tấm huy hiệu Đoàn ra, chẳng có mẫu nào để tham khảo. Sau một vài tuần suy nghĩ và tranh thủ ý kiến thầy, bạn tôi tập trung vào một số chủ đề chính như sau để làm cơ sở sáng tác mẫu huy hiệu:

1- Ý tưởng đầu tiên là "cuốn sách" - đúng rồi - "sách" không những tiêu biểu cho học đường, mà còn tiêu biểu cho trí thức - kho báu của nhân loại.

2- Ý tưởng thứ hai là "Bánh xe công nông" - Nhà trường đào tạo con em công nông trở thành trí thức công nông phục vụ xây dựng đất nước giàu mạnh.

3- Ý tưởng thứ ba là "ngọn đuốc" - Trí thức trau dồi trong học đường, sẽ trở thành ngọn đuốc thiêng, soi đường cho biết bao thế hệ đi chinh phục những đỉnh cao của khoa học, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Sau khi có được 3 ý tưởng như vậy, tôi đưa ra mẫu huy hiệu đầu tiên là: Cuốn sách bìa màu xanh da trời, gắn với ngọn đuốc lăn trên bánh xe công nông gắn ở góc trái. Khi mẫu được hình thành đưa ra trưng cầu ý kiến toàn trường, có nhiều ý kiến khác nhau, song nhìn chung là chấp nhận nền cơ bản, đặc biệt nổi lên một ý kiến cần được nghiên cứu bổ sung đó là ý tưởng đầu tiên, ý tưởng ban đầu của sự nghiệp... của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Động. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi bổ sung vào góc phải cuốn sách hình "Một góc mặt trời và những tia nắng", thầy Hiệu trưởng rất hài lòng và tâm đắc: Đúng rồi một góc mặt trời ló lên ở góc phải là hướng Đông, mặt trời của buổi bình minh - khởi đầu của một nhà trường, niềm tự hào, niềm khát vọng của thầy, trò. Thế là mẫu huy hiệu chính thức đã được chọn, đặt làm hàng loạt để phát cho học sinh toàn trường nhân dịp khánh thành trường mới, xây dựng ở Ấp Dâu. Sau này do mầu sơn hay bong tróc nên mẫu bìa sách được thay đổi từ nền mầu xanh da trời thành nền trắng mạ kền tồn tại như mẫu hiện nay.

Nhìn lại 45 năm về trước, lớp thế hệ thầy trò ban đầu dạy và học trên những cơ sở vật chất nghèo nàn của học đường thuở ấy đã khẳng định được những triết lý sâu xa của học đường, thổi hồn của mình vào tấm huy hiệu - biểu hiện mục tiêu của nhà trường phổ thông cấp 3 Hưng Yên ngay từ thuở ra đời.

Tuy tôi được coi là tác giả của tấm huy hiệu nhà trường, song cũng chỉ là người có vinh dự được trao nhiệm vụ tập hợp và thể hiện được những ý tưởng cao đẹp của các thầy cô giáo, các bạn học sinh lớp người đầu tiên xây dựng Trường phổ thông cấp 3 Hưng Yên.

Tôi xin phép các thầy, cô giáo, các bạn lớp người đi trước, người còn, người đã khuất. Kính tặng lại mẫu tấm huy hiệu Trường phổ thông cấp 3 Hưng Yên cho các thầy, cô giáo, các em học sinh Trường phổ thông trung học thị xã Hưng Yên - cái nôi đã nuôi dạy chúng tôi khôn lớn tỏa đi muôn phương.

 Thiện Quý – Sưu tầm từ Tập san 45 năm Trường Cấp III Hưng Yên