Trang bị kĩ năng phòng chống đuối nước để an toàn cho bản thân và cộng đồng
Khẩu hiệu Phòng chống đuối nước điểm ngã tư trung tâm Điện Biên - Nguyễn Thiện Thuật
Cách phòng tránh đuối nước
Mỗi khi hè về, học sinh lại được các tổ chức đoàn thể nơi cư trú, cơ quan, gia đình tổ chức cho đi tham quan, nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, scác ối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Hè về, nguy cơ về đuối nước lại xuất hiện như một nỗi lo thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ học sinh đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn hoặc do chính sự thiếu hiểu biết của chính các em về kĩ năng phòng chống đuối nước.
Để giảm thiểu nguy cơ đuối nước, mỗi học sinh ngoài việc học bơi thì quan trọng nhất là phải biết tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về cách phòng tránh đuối nước.
* Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
- Người ta thống kê thấy khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
- Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô.
Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
- Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ nên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… lém xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.
- Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu
- Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
- Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
- Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Những việc cần chú ý trong quá trình cấp cứu đuối nước:
- Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu . v.v... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay
- Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).
- Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.
* Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:
Đối với học sinh và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
- Nếu chưa biết bơi, cần tận dụng thời gian đăng kí học bơi ngay trong dịp hè.
NGUYÊN TẮC AN TOÀN VÀ CÁCH CỨU NGƯỜI CHẾT ĐUỐI
- Khi thấy có người bị rơi xuống nước sâu, hãy gọi người tới giúp, đồng thời tìm mọi cách cứu họ lên.
- Trong trường hợp nạn nhân Ở GẦN BỜ, có thể tận dụng mọi thứ: một chiếc gậy, một cây sào, hoặc một cuộn dây buộc một đầu vào một vật gì đó nổi lên được trên mặt nước như can nhựa, thùng nhựa, chai nước suối, thùng dầu ăn… đều có thể dùng làm phao để cứu người bị nạn. Hãy níu chặt lấy một thân cây, một mô đất hoặc một vật gì chắc chắn gần đó rồi ném hoặc đưa vật hiện có cho nạn nhân nắm lấy và lôi vào bờ.
Nếu có nhiều người, hãy nắm tay nhau, giăng hàng để kéo nạn nhân vào bờ.
- Nếu có thuyền, hãy chèo thuyền đến, ghé mạn thuyền cho nạn nhân bám vào. Cũng có thể đưa tay hoặc mái chèo cho nạn nhân nắm. Trong trường hợp khẩn cấp, buộc dây bám vào người và nhảy xuống nước dìu nạn nhân lên thuyền.
- Khi một đứa bé gặp nguy hiểm ở chỗ nước không sâu lắm, có thể dùng áo của mình, quăng ra để đứa bé bám và kéo vào bờ.
- Nếu BẠN BƠI GIỎI, và nạn nhân ở XA BỜ, không thể dùng gậy hoặc sào cứu, phải cởi quần áo thật nhanh, dùng miệng cắn cái áo (để hai tay không vướng), bơi nhanh về phía nạn nhân. Khi tới gần, cầm chặt tay áo, tung thân áo để nạn nhân nắm lấy, rồi vừa bơi vừa kéo nạn nhân vào bờ. Nếu tự trang bị cho mình phao cứu hộ, hoặc bất kỳ một vật gì có thể nổi được là tốt nhất.
- Nếu có dây dài, hãy cột một đầu vào một điểm nào đó thật chắc trên bờ, đầu kia buộc thật nhanh vào người bằng gút GHẾ ĐƠN (nhớ chừa một đoạn khoảng 2m để cột ngang người nạn nhân), bơi tới chỗ nạn nhân,đưa nạn nhân nắm và kéo vào bờ.
- Trong lúc cứu nạn, tìm cách trấn an để người gặp nạn tin là sẽ được cứu thoát. Thực tế cho thấy, sự trấn an của người cứu hộ rất quan trọng. Trấn an kịp thời sẽ cứu được nạn nhân 50% , vì khi yên tâm được cứu, người bị nạn sẽ bớt uống nước.
LƯU Ý: Giải pháp nhảy xuống nước cứu nạn nhân là giải pháp cuối cùng. Bởi thực tế đã có nhiều trường hợp người cứu nạn do chưa hiểu biết về các phương pháp cấp người bị tai nạn sông nước, nên bị nạn nhân ôm cứng và cả hai cùng chết chìm
Vì Việt Nam là một nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nên nguy cơ gây ra nạn đuối nước là rất cao!
Vậy để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với học sinh - sinh viên, cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
(1). Khuyến cáo các bạn học sinh, sinh viên không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
(2). Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
(3). Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển. Điều này cũng khá nguy hiểm vì bạn sẽ dễ bị cuốn ra xa mà không biết, nhiều khả năng bạn sẽ bị sóng đánh úp, những cơn sóng dồn dập khiến bạn không biết xử lý như thế nào và sẽ bị uống nước nhiều, mất sức.
(4). Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
(5). Tạo hành lang pháp lý phù hợp: Cần chỉ rõ đầu mối chịu tránh nhiệm mỗi khi có tai nạn xảy ra... từ đó có các chế tài hợp lý.
BẠN LÀ NGƯỜI HAY PHẢI ĐI LẠI TRÊN TÀU THUYỀN NHƯNG LẠI KHÔNG CÓ CÁC KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC ĐỂ ĐẢM BẢO TOÀN CHO MÌNH. THÌ HÃY NẮM RÕ CÁC KỸ NĂNG SAU ĐÂY:
- Mặc sẵn áo phao khi đi tàu thủy, đò, thuyền… ( không mặc áo phao bơm hơi, vì loại này dễ bị thủng )
- Chỉ lên thuyền đò khi có đủ chỗ ngồi cho mình
- Không chen lấn, xô đẩy và đùa nghịch khi đi thuyền đò
- Ngồi trật tự tại chỗ của mình , nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ theo những quy định an toàn trên tàu không thò tay, chân ra ngoài cửa sổ, không nghịch các thiết bị trên tàu
-Trong mùa mưa lũ, để an toàn bạn cần nhớ yêu cầu bố, mẹ người lớn đưa mình đi học- Không đi ra lan can tàu thuyền hoặc rìa mép tàu thuyền để tránh nếu có sự cố có thể bị ngã ra khỏi thuyền
- Một lưu ý khác mà bạn cần nhớ là khi tàu di chuyển trên sông hoặc biển sẽ rất chòng chành. Vì vậy, cùng những người đồng hành nên phân bố chỗ ngồi, chia đều sang hai phía và tránh những hoạt động mạnh như nhảy, chạy vì sẽ khiến cho tàu, thuyền mất trọng tâm và có thể bị lật
- Xác định vị trí của tàu, thuyền cứu hộ. Nếu không thấy thì hãy cân nhắc những yếu tố an toàn trước khi đi. Bởi dù chỉ một đoạn vượt sông hay một đêm trên tàu, thuyền cũng có thế đe dọa đến tính mạng nếu không có tàu cứu hộ khi thuyền gặp bất trắc.
- Trước khi lên tàu, thuyền hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ở phao và mặc thử. Kiểm tra xem áo có đảm bảo an toàn hay không. Nếu thấy áo phao có vẫn đề hoặc có câu hỏi thắc mắc, hãy hỏi nhân viên đoàn tàu hoặc nhân viên viên trên thuyền.
- Những thông tin về cứu hộ hết sức quan trọng trước khi tàu khởi hành. Vì vậy, nếu đang ở nước ngoài mà không giao tiếp được với nhân viên đoàn tàu. Hãy tìm người có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích khi có trường hợp xấu xảy ra.
- Luôn để ý đến những tín hiệu bất thường trên tàu, thuyền như tiếng nổ, rung, hay đàn chuột chạy hoảng loạn, đó có thể là dấu hiệu nước tràn vào tàu.
Khẩu hiệu Phòng chống đuối nước điểm ngã tư Phạm Ngũ Lão
dẫn về trường THPT Hưng Yên