Bạo lực học đường: Hậu quả nặng nề nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng

Theo Suckhoedoisong.vn - Bạo lực học đường (BLHĐ) trong học sinh là hiện tượng xã hội xảy ra khá phổ biến trên toàn cầu, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tâm lý tình cảm của học sinh.

Những năm gần đây, BLHĐ trong học sinh ở Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội bởi sự gia tăng về số vụ, sự phức tạp hơn về các hình thức biểu hiện. Các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm truyền hình, báo in và báo điện tử, và các trang mạng xã hội khác, thời gian gần đây đã liên tục phản ánh nhiều vụ việc nghiêm trọng về BLHĐ trong học sinh phổ thông, bao gồm những vụ việc mang tính dã man xảy ra tại trường học và trước cổng trường, xuất phát từ những mâu thuẫn hoặc những mối quan hệ tâm lý tình cảm trong trường học, như học sinh bị đánh hội đồng, hoặc bị bạo lực bằng những hung khí gây nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu…

Nguyên nhân của BLHĐ trong học sinh

BLHĐ trong học sinh xuất phát từ những nguyên nhân rất đa dạng, bao gồm cả những nguyên nhân mang tính sinh học và xã hội.

Nguyên nhân mang tính xã hội của BLHĐ được ghi nhận ở mối liên hệ với sự phổ biến của các hành vi bạo lực trong cộng đồng/xã hội, sự phát triển của internet và các trang mạng xã hội, sự phổ biến của các trò chơi/game trực tuyến mang tính bạo lực, các phim ảnh, sách báo mang tính bạo lực…

Các nghiên cứu hiện có ở Việt Nam về BLHĐ cho thấy, những nguyên nhân phổ biến của BLHĐ thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, đặc biệt là mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm lãng mạn, mong muốn thể hiện cá nhân, ganh tỵ, khó chịu vì cách ăn mặc, kiểu tóc, cách nói chuyện, dáng đi/vẻ mặt của bạn cùng học. Đôi khi, bạo lực cũng xuất phát từ nguyên nhân do bị bắt nạt, bị nói xấu hoặc bị gây hấn rồi phản ứng lại bằng các hình thức bạo lực khác nhau. Bên cạnh đó, đáng lưu ý là những nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của nhóm bạn đồng trang lứa. Các nghiên cứu về nạn bắt nạt ở trường học đã cung cấp các bằng chứng cho thấy nguyên nhân của các hành vi BLHĐ xuất phát từ sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè, và không ít trường hợp đã dẫn đến những vụ học sinh đánh hội đồng rất dã man ngay trước cổng trường.

Bạo lực học đường gây nhiều hệ lụy xấu về thể chất và tinh thần của học sinh.

Các hình thức BLHĐ

Bạo lực thể chất: Các hành vi mang tính bạo lực thể chất/thể xác giữa học sinh với học sinh như đánh, đấm, đá, giật tóc, kéo rách quần/áo; hoặc đánh bằng các công cụ/đồ vật như roi, gậy, các vật cứng (bằng gỗ hoặc kim loại), ném đồ vật vào người, vào mặt... hoặc dùng dao, kéo, mã tấu, côn súng... để gây bạo lực hoặc dọa dẫm nạn nhân/bạn cùng trường/bạn đồng trang lứa.

Bạo lực tinh thần: Bao gồm sự lạm dụng về lời nói như dùng những lời nói châm chọc, giễu cợt, nguyền rủa, dùng từ ngữ cay nghiệt, lời nói thô tục, nói xấu/tung tin đồn nhảm…giữa các học sinh/bạn cùng học/đồng trang lứa với nhau trong môi trường học đường. Đôi khi dạng bạo lực tinh thần này còn được thể hiện bởi các hành vi như xúi giục hay cưỡng ép bạn bè thực hiện những hành vi khiến nạn nhân bị xấu hổ, nhục nhã, hoặc cưỡng ép thực hiện các hành vi lệch chuẩn. Những hành vi bạo lực này gây nên những tổn thương về mặt tinh thần cho nạn nhân/người bị bạo lực, gây nên sự lo lắng, bất an khi đến trường.

 

Bạo lực tình dục: Bao gồm cưỡng hiếp và quấy rối tình dục (đụng chạm vào phần nhạy cảm trên cơ thể, cởi, kéo, giật váy/áo/quần, gạ gẫm quan hệ tình dục, cưỡng hiếp)... nạn nhân. Đây là hình thức bạo lực gây nên những tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với nạn nhân và vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm, nhân quyền của nạn nhân.

Bạo lực kinh tế: Bao gồm các hành vi trấn lột tiền hoặc đồ vật, phá hoại đồ đạc giữa các học sinh với nhau. Đây là hiện tượng khá phổ biến tại các trường học trên thế giới và ở Việt Nam và cũng là hình thức BLHĐ ít được quan tâm nghiên cứu hơn so với các hình thức bạo lực khác.

Bạo lực qua mạng/internet: Sử dụng các thiết bị điện thoại di động/internet, trang mạng xã hội để hăm dọa, nói xấu, dựng chuyện, phát tán các hình ảnh hoặc video nhằm tổn hại danh dự cá nhân của nạn nhân.

Nhiều hậu quả tiêu cực...

Nhiều kết quả của các nghiên cứu về BLHĐ chỉ ra rằng tất cả các hành vi bạo lực học đường đều để lại những hậu quả nhất định đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý: Nghiên cứu dưới góc độ tâm lý thấy rằng, bạo lực học đường ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ của các học sinh là nạn nhân. Nhìn chung, tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh là những trạng thái phổ biến mà hầu hết các em học sinh bị bạo lực đã phải trải qua. Các em học sinh là nạn nhân thường có những biểu hiện rối nhiễu hành vi, mất tự tin, lo sợ khi đến trường dẫn đến lầm lì, ít nói, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người… dẫn đến sức học giảm sút, ngại đến trường, thậm chí phát sinh các vấn đề về thần kinh. Có em trở nên trầm cảm, tự ti, lo sợ và có những trường hợp đã tìm đến cái chết để giải thoát chính mình.

Bản thân các học sinh là chủ thể của bạo lực cũng phải chịu những hậu quả tiêu cực do việc làm của mình gây ra về mặt sức khỏe, tâm lý, sự phát triển nhân cách và vấn đề học tập của các em. Bởi các học sinh gây bạo lực cũng sẽ trở thành đối tượng bị thù hằn và bị ghét bởi các nạn nhân cũng như của các bạn cùng học. Bên cạnh đó còn là nỗi lo lắng bị trả thù từ phía nạn nhân, gia đình và bạn bè của nạn nhân.

Ảnh hưởng tiêu cực đến học tập: Các em học sinh là nạn nhân của bạo lực thường có xu hướng không thể tập trung học, thậm chí các em còn không dám đến lớp, dẫn đến việc học hành chểnh mảng, kết quả học tập sút kém, phải thi lại, lưu ban…

Học sinh gây bạo lực cũng phải đối mặt với việc chịu kỷ luật của nhà trường có thể là đình chỉ học tập tạm thời hoặc bị đuổi học, ở mức độ nghiêm trọng hơn là phải chịu sự truy tố của pháp luật. Không những thế những học sinh gây bạo lực cũng có nguy cơ phải đối mặt với kết quả học tập không tốt bởi vì các em có đặc điểm là luôn nuôi dưỡng niềm tin về “sức mạnh” của mình dẫn đến không còn muốn học, thích sớm ra đời để chứng tỏ bản thân nên lơ là học tập và kết quả học tập sa sút.

Tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường.

Chưa có giải pháp thỏa đáng

Về mặt luật pháp, hiện ở Việt Nam chưa có bất cứ một quy phạm pháp luật nào về BLHĐ trong học sinh, mà mới chỉ có các quy định chung về bạo lực đối với trẻ em và được quy định ở Luật trẻ em. Cụ thể, theo Luật trẻ em 2016, tại Điều 4, Mục 6 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Do đó, để có một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề BLHĐ hiện nay chúng ta đang còn rất vướng mắc.

Vai trò của nhà trường đối với BLHĐ được đánh giá là rất quan trọng, vì các con đi học ở trường thời gian khá nhiều và sự tiếp xúc với nhau cũng là ở trường. Nhưng những biện pháp trong nhà trường nói chung còn rất hạn chế, chưa thể phòng tránh và xử lý tất cả các hành vi BLHĐ. Ví dụ khi có xảy ra BLHĐ, học sinh gây ra bạo lực chỉ bị đình chỉ học 1-2 ngày hoặc mời phụ huynh đến,hoặc viết bản kiểm điểm. Việc làm này khó giải quyết triệt để mà chỉ mang tính tạm thời, và vụ việc có thể lại tiếp tục diễn ra âm thầm.

Vì thế, về phía gia đình, cha mẹ cần chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng hỗ trợ con cái lứa tuổi trung học phổ thông vượt qua các khó khăn về tâm lý xã hội ở giai đoạn phát triển vị thành niên này. Cha mẹ cũng cần đầu tư nhiều thời gian hơn cho con cái, đặc biệt là thời gian chia sẻ, tâm sự với con cái lứa tuổi trung học để có thể biết về các khó khăn của con, đặc biệt là các nguy cơ bị BLHĐ hoặc nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các hành vi bạo lực của con đối với bạn cùng học, để từ đó có thể hỗ trợ con cái giải quyết các khó khăn, các xung đột với bạn đồng trang lứa.

TS.Đặng Bích Thủy

Tác giả: ad. Administrator
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/bao-luc-hoc-duong-hau-qua-nang-ne-nhung-chua-co-giai-phap-thoa-dang-n164147.html Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 936
Hôm qua : 1.104
Tháng 04 : 23.179
Năm 2024 : 91.815