Cận thị học đường và lời khuyên dành cho

Cận thị được chia làm hai loại:
- Cận thị nặng (cận thị bệnh lý, cận thị thoái hoá): là cận thị nặng > -6dp, do di truyền và thường diễn biến không ngừng, có kèm theo thoái hoá hắc võng mạc. Cận thị nặng thường ít gặp, tỷ lệ không cao ở cộng đồng;
- Cận thị đơn thuần hay cận thị học đường <-6dp, thường phát sinh ở lứa tuổi học đường. Tỷ lệ cận thị học đường ngày nay ngày càng gia tăng, cùng với sự tăng của tật khúc xạ.
Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) ngày nay có thể lên đến 50-60% ở các trường phổ thông trung học, thậm chí có những trường chuyên lớp chọn tỷ lệ này có thể lên đến 80% theo một số nghiên cứu.

 

Nguyên nhân của cận thị học đường:
- Do thói quen nhìn gần nhiều: trẻ chơi các trò chơi điện tử, tiếp xúc với điện thoại, vi tính, laptop, ti vi ngay từ bé. Thậm chí ngay từ khi bé mới hai ba tuổi. Nhìn gần nhiều buộc bé điều tiết quá mức và thường xuyên dẫn đến bé bị cận thị.

- Do mất cân đối giữa học tập và nghỉ ngơi thư giãn: học tập làm trẻ phải nhìn gần nhiều, điều tiết nhiều dẫn đến cận thị vì thế học tập cần phải được luân phiên với những thời gian vui chơi ngoài trời, thể dục thể thao hợp lý. Vui chơi ngoài trời giúp trẻ được nhìn xa, không phải điều tiết, không khí trong lành giúp trẻ thư giãn tốt, hồi phục chúc năng thị giác, hết mỏi mệt mắt làm giảm nguy cơ bị cận thị.
- Do phải học tập trong môi trường thiếu ánh sáng, bàn ghế học tập không phù hợp với tầm vóc của trẻ.
- Do thiếu ngủ hoặc ít ngủ: trẻ đang ở lứa tuổi phát triển rất nhanh nên cần thời gian ngủ ngày từ 9-10 tiếng. Đặc biệt là giấc ngủ trưa từ 30’ đến 1 tiếng là vô cùng cần thiết. Nếu thời gian ngủ quá ít dễ gây cận thị.
- Do tư thế ngồi học: trẻ ngồi sai tư thế trong các giờ học, nhất là khi viết bài hay làm bài tập trẻ để mắt gần sát mặt bàn mà không được nhắc nhở.

- Đọc sách, truyện có độ tương phản kém: chữ in quá nhỏ, chữ in mờ nhạt, giấy không đủ độ trắng tạo nên sự tương phản kém làm mắt người đọc nhanh bị mỏi mệt, lâu ngày gây cận thị.

- Chương trình học tập quá tải so với lứa tuổi, đôi khi trẻ như chạy xô giữa các buổi học. Học như vậy vừa kém hiệu quả vì không có thời gian thẩm thấu bài, vừa làm mất sự cân đối giữa học tập và nghỉ ngơi ảnh hưởng đến sức khoẻ toàn thân cũng như đôi mắt.

Cách phòng tránh cận thị học đường:

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trò chơi điện tử trên điện thoại, trên máy vi tính, laptop, xem ti vi.

- Khuyến khích các hoạt động ngoài trời: các hoạt động thể thao ngoài trời, các buổi du lịch, pinic là vô cùng hữu ích cho trẻ, giúp trẻ vận động tiêu hao năng lượng tránh béo phì và giúp cho mắt được thư giãn, nhìn xa phòng chống tật khúc xạ một cách hữu hiệu.

- Cân đối giữa việc học tập chính khoá, học thêm và nghỉ ngơi thư giãn cũng như thể dục thể thao. Tránh cho trẻ một chương trình học tập quá tải so với lứa tuổi.

- Đảm bảo đủ thời gian ngủ cho trẻ tuỳ theo lứa tuổi, ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.

- Cho mắt nghỉ ngơi mỗi khi thấy mắt mệt mỏi: khi nhìn gần lâu khoảng 20 phút nên để mắt nhìn xa 1-2 phút, hoặc nhắm mắt lại 30 giây đến 1 phút. Động tác này đơn giản nhưng rất hữu ích, giúp mắt được thư giãn.

- Giờ ra chơi sau mỗi tiết học là vô cùng hữu ích đối với trẻ: trẻ nên ra sân chơi tham gia các trò chơi, tập thể dục giữa các tiết học, tránh ngồi đọc truyện, chơi game ở trong lớp.

- Ánh sáng: phòng học ở trường và trong các gia đình nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên hoặc bằng hệ thống đèn chiếu sáng ở các góc độ. Tránh việc học, đọc bị khuất bóng do thiếu đèn. Bàn học của trẻ ở nhà nên kê sát cửa sổ để lợi dụng thêm ánh sáng thiên nhiên nếu có thể. Ngoài đèn phòng cần có đèn chiếu sáng trực tiếp lên trang sách của trẻ.

- Khoảng cách đọc và viết: đọc và viết đúng khoảng cách quy định cũng giúp giảm nguy cơ cận thị. Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh là 25-40cm. Việc đọc hoặc viết quá gần sẽ làm hệ thống thị giác phải nỗ lực điều tiết, gia tăng độ cận thị.

- Cần cho mọi đứa trẻ đi khám mắt trước sáu tuổi (tốt nhất là từ 3-5 tuổi với những đứa trẻ bình thường; đối với những đứa trẻ có biểu hiện bất thường cần được đi khám sớm hơn) để phát hiện tật khúc xạ, lác. Tật khúc xạ nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây lác và nhược thị, rất nguy hiểm cho sự phát triển thị giác của trẻ.

- Nên cho trẻ đến khám mắt ở những cơ sở có uy tín để tránh cho trẻ phải đeo kính sai (kính không đúng số hoặc cấp kính sai cho trẻ khi trẻ chưa thực sự cần kính).

- Bổ sung dưỡng chất cho mắt: chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất giúp nuôi dưỡng một đôi mắt khỏe đẹp. Cho trẻ ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, thịt, cá, trứng, sữa giúp trẻ có đôi mắt khoẻ mạnh

10 lời khuyên dành cho mọi người:

1. Tránh cho mắt phải hoạt động quá tải trong suốt ngày dài. Tốt nhất chúng ta nên nhắm mắt trong vòng vài phút mỗi 2-3 tiếng làm việc liên tục để chúng được nghỉ ngơi.

2. Đều đặn massage mắt hàng ngày bằng cách dùng ngón giữa và ngón trỏ xoa thành hình tròn nhẹ nhàng quanh mắt theo thứ tự từ 1-6 trong hình minh họa dưới đây.

3. Trong quá trình hoạt động ngoài trời, hãy cố gắng dành thời gian nhìn vào những vật thể ở xa, thay vì chỉ chăm chăm nhìn xuống chân hay những người ở ngay trước mặt. Thói quen này sẽ giúp mắt bạn được điều tiết từ đó làm giảm nguy cơ cận thị.

4. Hãy tập cho mình thói quen uống nước ép cà rốt bởi đó là một thức uống thiên nhiên cực kỳ tốt cho mắt.Thậm chí, bạn còn có thể nâng cao hiệu quả của nước ép cà rốt hơn nữa bằng cách nhỏ vào đó 2-3 giọt dầu olive.

5. Khi cảm thấy mắt bị mỏi, hãy rửa chúng với nước ấm.

6. Dưới đây là 8 bài tập mắt giúp cải thiện thị lực mà bạn nên thử vài phút mỗi ngày. Việc cần làm đơn giản chỉ là di chuyển mắt theo hướng của mũi tên.

7. Không nên nhìn vào màn hình của các thiết bị điện tử như TV, điện thoại, máy tính bảng… ít nhất hai tiếng trước khi lên giường ngủ.

8. Hãy thử tập luyện với phương pháp Trataka của người Ấn Độ để giúp đôi mắt cũng như thị lực trở nên tập trung hơn. Các bước của bài tập Trataka như sau:


- Ngồi đối diện với một vật cố định nhỏ, chẳng hạn như cây nến, trong một không gian rộng mở.

- Tập trung ánh mắt cũng như suy nghĩ vào vật thể đó, cố gắng không chớp mắt cho đến khi hình ảnh cũng như các chi tiết của vật thể này được in sâu trong đầu bạn.

- Nhắm mắt lại và tập trung tái hiện hình ảnh của vật thể trong tâm trí của bạn, thực hiện điều này trong ít nhất 10 phút.

Sau khi đều đặn thực hiện bài tập này trong khoảng 1 tuần bạn sẽ nhận ra rằng, mình có khả năng nắm bắt cũng như ghi nhớ hình ảnh của mọi vật rất dễ dàng chỉ với một lần lướt mắt qua. Từ đó, giảm thời gian quan sát vật thể và giúp mắt ít bị mỏi hơn.

9. Khi di chuyển bằng xe hơi, tránh để luồng khí từ máy lạnh của xe thổi thẳng vào mặt bởi chúng sẽ làm bạn bị khô mắt.

10. Chú ý luôn nhớ mang theo kính râm khi đi ngoài nắng và kính bơi khi tắm biển hoặc xuống hồ bơi, để bảo vệ mắt khỏi những tác nhân gây hại như: tia tử ngoại, bụi bẩn, clo, muối…

                                                                         

Administrator: Theo BS

Tác giả: ad. Administrator
Nguồn:BS Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 13
Hôm qua : 270
Tháng 12 : 3.283
Năm 2024 : 236.324