Lười đọc sách khiến tâm hồn giới trẻ dần khô cứng, vô cảm
Theo (PLVN) - Đọc sách, một mặt là phương thức học tập rất hữu hiệu, mặt khác cũng là cách giải trí rất nhẹ nhàng. Nhưng hiện nay, đọc sách gần như là khái niệm khá xa xỉ với giới trẻ. Lười đọc sách, giới trẻ dần bị khô cứng tâm hồn, vô cảm hóa.
Lười đọc sách khiến giới trẻ dần khô cứng tâm hồn, thiếu hụt kiến thức
Đọc sách thì ít, “chém gió” thì nhiều
Theo thống kê, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Báo cáo Vụ Thư Viện, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số.
Con số thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: Singapore: 14 cuốn/năm, Malaysia: 10 cuốn/năm, Nhật là 20 cuốn… Những dân tộc hàng đầu thế giới như: Đức, Pháp, Isreal, một người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm.
Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn” cho biết về một cuộc khảo sát cá nhân khác: “Năm 2011 tôi khảo sát 530 phiếu phỏng vấn, trong đó 253 phiếu dành cho nông dân thì câu trả lời về số lượng sách đọc là 0. Với trẻ em, số liệu chênh lệch đọc với thị trấn đến mức tệ hại. Ở các trường vùng thuần nông, các em đọc 0,2- 0,8 cuốn/năm (ngoài SGK), ở thị trấn, con số này là 5 cuốn/năm”.
Không ngại chi 63 nghìn tỷ đồng uống rượu bia mỗi năm, nhưng người Việt Nam lại chỉ dám bỏ 2 nghìn tỷ đồng mua sách, không bằng số lẻ. Giáo sư Lê Văn Lan cho hay: “Người ta vẫn ví sách là nguồn tri thức vô giá của nhân loại, nhưng phần nhiều giới trẻ không đọc để lĩnh hội tinh hoa đó, mà lại mê “chém gió” ở hàng bia”.
Khảo sát tại thư viện các trường ĐH lớn của Hà Nội như: ĐH Sư phạm 1, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… có thể nhận thấy ngay tình trạng thưa vắng người đọc. Thư viện rộng rãi, khang trang, sách thì nhiều mà người đọc thì ít.
Theo khảo sát 100 SV của Trường ĐH Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội thì chỉ có khoảng 30% SV tiếp cận thông tin từ sách, số còn lại chủ yếu sử dụng mạng internet. Tương tự ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ có khoảng 25% SV thường xuyên đọc sách. Và có lẽ không đến 1% số sinh viên biết Thư viện Quốc gia ở đâu. Có một thực tế là nơi đây cũng chung số phận như thư viện ở các trường đại học.
Một thực tế là, nếu có đọc sách thì loại sách được giới trẻ đọc nhiều nhất là: truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%). Lướt qua con phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) có thể thấy hàng loạt các tác giả như Tào Đình, Tiên Chanh, Cỏ Mạn, Trang Trang… được các bạn trẻ săn đón khi sách của họ được xuất bản.
Rất hiếm người để tâm tới: “Thép đã tôi thế đấy”, “Những người khốn khổ”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”... từng là sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ. Với họ, những quyển sách “gối đầu giường” đọc nhức đầu, mất nhiều tư duy, “hại não”, mất thời gian trong khi những tiểu thuyết dễ “tiêu hóa” hơn.
Trong một chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” của VTV3 có chủ đề “Văn học thế giới”, bốn tên sách thuộc loại kinh điển được đưa ra để đố là Tây Du Ký, Ông già và biển cả, Người mẹ và Thần thoại Hy Lạp, khi người dẫn chương trình hỏi bạn đã đọc cuốn sách ấy chưa, thì những người chơi đều trả lời rằng... chưa có điều kiện đọc? Hỏi tên tác giả cũng chịu. Ở chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, trong phần “vượt chướng ngại vật” có câu hỏi: Tác giả Bỉ Vỏ là ai? Thì các học sinh dự thi cũng không trả lời được.
Người Việt hiện dành khoảng 2,5 tiếng mỗi ngày trên Facebook, nhiều hơn 1 giờ so với các mạng xã hội khác, gấp đôi thời gian dành để xem tivi và gấp nhiều lần thời gian dành để đọc sách. Sẽ không đáng lo nếu người dân dùng facebook để kết nối, lĩnh hội thông tin.
Các cuốn sách đang chờ người đọc |
Nhưng điều đáng buồn là cư dân mạng dùng công cụ này để học hỏi, tìm kiếm thông tin thì ít, mà để cổ súy phong trào “ném đá”, từ trong nhà ra thế giới, tung tin nhảm, thậm chí làm những trò “trẻ trâu” như thách đố cả IS chỉ nhằm mục đích câu like... thì nhiều. Rất nhiều câu chuyện đau lòng từ thế giới ảo nhưng hậu quả thật đã xảy ra. Đánh nhau vì thách nhau trên facebook, tự tử vì bị bôi nhọ, xúc phạm trên face, bị phạt tiền, thậm chí vướng vào lao lý vì tung tin nhảm.
“Lớp trẻ bây giờ hẫng hụt về kiến thức”
Giảng viên, TS Ngô Văn Giá (ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết: Sinh viên của ông là dân văn hóa, báo chí, văn học chuyên ngành, nhưng phần lớn cũng rất lười đọc sách. Một trong những điều thầy thường phải nhắc nhở học trò là đọc, đọc thật nhiều và đọc có lựa chọn. Th.s Phan Quốc Hải (ĐH Khoa học Huế) cho rằng: “Sinh viên hiện nay rất ít đọc sách, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không biết đến khái niệm đọc sách là gì.
Một bộ phận lớn sinh viên hiện nay đọc sách rất thụ động, nghĩa là họ chỉ đọc khi có yêu cầu của giảng viên để thuyết trình, làm bài tập nhóm, thảo luận, kiểm tra... hoặc đọc theo kiểu phong trào, nói chung là để đối phó và phục vụ cho việc học một cách tức thời, họ chưa xem đọc sách như là công việc chính của việc học tập theo hệ tín chỉ như hiện nay”.
Nhà thơ Thái Thăng Long phiền lòng: “Văn hóa đọc bị phân tán là do nhiều kênh thông tin lấn át... Lớp trẻ bây giờ hẫng hụt về kiến thức do quá lười đọc. Cũng rất hiếm những người đi tìm những cuốn sách cũ, cổ về nghiên cứu, ngay cả sử nước nhà họ cũng tậm tịt.
Chính một phần tôi cho rằng công tác giáo dục thẩm mỹ ở các trường đại học còn rất kém trong lĩnh vực văn học, mỹ thuật và âm nhạc. Một khi cảm thụ về văn học kém sẽ dẫn đến nhận thức kém, ứng xử kém. Chúng ta không thể đòi hỏi hơn ở con cháu mình, cũng không thể trách móc chúng, mà cần trách giáo dục trong nhà trường hiện nay mang tính thực dụng quá”.
Sách là những tác phẩm trí tuệ của con người được tổng kết, đúc rút qua thời gian và sự phát triển của nhân loại. Việc lười đọc, ít đọc sách sẽ dẫn đến sự thiếu hụt tri thức đối với tầng lớp học sinh, sinh viên. Việc dành thời gian quá ít cho việc đọc đã khiến họ không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu năng lực nghiên cứu tìm tòi, đây là một hiểm họa cản trở sự phát triển của xã hội tri thức. Lười đọc, lười nghiên cứu dẫn tới một số cán bộ, công chức mất dần sự sáng tạo, ngại đổi mới, năng lực chuyên môn, khả năng lý luận hạn chế không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Lười đọc sách nên vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, tố chất văn chương ngày càng kém. Nhiều câu văn ngô nghê, cẩu thả, trích dẫn tác phẩm sai lệch, râu ông nọ cắm cằm bà kia... Ngay cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, các em cũng nói chuyện cộc lốc, “đệm” tiếng Anh, tiếng Việt tùy tiện.
Đối với sinh viên, họ thường xuyên mắc lỗi bởi việc liên tục cập nhật các thông tin trên mạng xã hội sẽ khiến đa số giới trẻ thành thạo với ngôn ngữ mạng. Vốn là văn nói thậm chí bị bẻ cong đi so với từ ngữ chuẩn. Ngôn ngữ này sẽ rất đa dạng và xâm nhập vào văn viết với vô vàn lỗi ngữ pháp cũng như lỗi diễn đạt trong học tập và công việc.
Lười đọc sách khiến cho tâm hồn con người trơ cứng, vô cảm, kiêu ngạo và tự mãn… được bắt nguồn từ sự khô cằn tâm hồn con người. Mà sách chính là cơn mưa tưới vào sự khô cằn ấy. “Không có sách thì không có tri thức...”, câu ấy luôn luôn đúng với mọi thời đại.
Để tạo văn hóa đọc, cha mẹ biết định hướng cho con cái mình ngoài việc học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động xã hội thì cần hướng dẫn con đọc gì, xem gì, nghe gì. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng từng bước giúp đứa trẻ hình thành nhân cách sống của chúng. Các gia đình tạo 1 tủ sách trong nhà, mỗi ngày kể 1 câu chuyện hay từ sách cho con trẻ.
Mỗi tuần 1 thành viên trong nhà nói về 1 cuốn sách mình tâm đắc. Dắt trẻ đi nhà sách ít nhất 1 tháng 1 lần. Tặng “sách hay” mỗi tháng khi con trẻ làm được điều tốt. Tạo môi trường tốt cho việc đọc, khuyến khích đọc, bắt đầu từ 1 giá sách, tạo thành góc đọc sách, 1 tủ sách gia đình, phòng đọc sách.
Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng chính là nhà trường. Ở mỗi lớp học, cấp học, các thầy, cô giáo biết chỉ cho mỗi học sinh của mình phải tìm đọc các tác phẩm kinh điển ấy. Từ đó, tạo thành “phong trào”, phát triển thành một giá trị cho những ai đã tìm đọc các cuốn sách ấy. Đồng thời, ông bà, bố mẹ phải làm gương cho con cháu về việc đọc, nghiên cứu tại gia đình.