Báo động tình trạng đuối nước ở học sinh trong dịp hè
Có thể nói, chưa năm nào, nhất là khi bước vào mùa hè tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh lại không trở thành vấn đề “nóng” trong dư luận, xã hội. Mặc dù trong những năm qua, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, kể cả từ việc nâng cao nhận thức, ý thức đến công tác tập huấn, trang bị kỹ năng ở trong các nhà trường và ngoài xã hội, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Thực trạng này đã trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của nhiều gia đình, các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng. Đuối nước giờ đây dường như xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước và đối tượng chủ yếu rơi vào trẻ em, học sinh...
Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 7 ngàn trẻ em bị tử vong do đuối nước (chiếm khoảng 22,6% các vụ tai nạn thương tích), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (26,7%).
Thực tế tai nạn đuối nước là hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mọi người đều có ý thức. Phân tích nguyên nhân từ những nơi thường để xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em cho thấy, vấn đề gốc rễ là do các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em, để môi trường sống và môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ em tử vong do không may sa chân xuống hố, cống của một số công trình xây dựng, rồi đuối nước ở các bãi tắm tự phát, hay những nơi không được cảnh báo, không có rào chắn. Đây rõ ràng thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và của người lớn.
Với đặc điểm, tính chất ở trẻ em là trí tuệ phát triển chưa hoàn thiện, thiếu các kỹ năng, kinh nghiệm sống, sự hiểu biết về các nguy cơ và cách phòng tránh còn non nớt, hạn chế nên chưa biết cách ứng xử trước các tình huống nguy hiểm, tai nạn và ít có khả năng phòng tránh các hiểm họa.
Bên cạnh đó cũng cần phải nói đến trách nhiệm rất quan trọng của các bậc phụ huynh, người thân trong việc phòng vệ, ngăn chặn các em trước những nguy cơ tai nạn, hiểm họa. Nhiều gia đình hiện nay chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề này. Không ít bậc phụ huynh, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước cho con em mình. Vì vậy đã dẫn đến các trường hợp tử vong thương tâm.
Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đuối nước ở trẻ em khi mùa hè mới chỉ bắt đầu và mang lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và sự chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò của các gia đình, phụ huynh là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, ngành giáo dục, các nhà trường cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục, dạy kỹ năng sống cho học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm đến kỹ năng phòng tránh đuối nước cho các em, như việc dạy bơi cho trẻ. Và một điều cũng không kém phần quan trọng là chính quyền các địa phương cần chú trọng điều tra, rà soát các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn đuối nước đối với trẻ em để có các biện pháp cảnh báo, giải pháp khắc phục kịp thời, nhất là ở các khu vực tắm biển, tắm sông tự phát. Với các bãi tắm đã được cấp phép cũng cần tăng cường và nâng cao trách nhiệm của lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn; đầu tư, trang bị các phương tiện, công cụ cứu hộ đảm bảo chất lượng, cơ động nhanh, để có thể ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống...
(Theo Thanh Tùng)