Cá nhân với tập thể từ thực tiễn cuộc sống

 “Cá nhân và tập thể như giọt nước và biển cả” (Người xưa)

Phật dạy: “Giọt nước chỉ hòa vào giữa biển cả mới không cạn mà thôi”
 

Trong mối quan hệ giữa con người với con người ở phạm vi gia đình, trong một lớp học, ở một cơ quan, đơn vị đều có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Một cá nhân là thành viên của gia đình, mỗi gia đình là thành viên trong cộng đồng cho nên mỗi cá nhân phải có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tập thể mà mình đang sống, không làm điều xấu ảnh hưởng đến danh dự của tập thể. Đây là nội dung chưa bao giờ cũ trong thực tiễn cuộc sống. Tại sao một cá nhân lại có ảnh hưởng đến tập thể như vậy? Bởi lẽ cá nhân là thành viên của tập thể, góp phần tạo nên tập thể. Ngược lại, tập thể là tổ ấm, là môi trường sinh sống của cá nhân, cá nhân được trưởng thành cũng là do tập thể nuôi dưỡng. Do vậy, là một thành viên trong tập thể thì ta phải góp phần xây dựng tập thể tốt hơn.

 

Tục ngữ Việt Nam có câu:

                                        “Một cây làm chẳng nên non

                                       Ba cây chụm lại lên hòn núi cao[1]

Đã từ rất lâu, ông cha ta đã khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Chỉ cần tận tâm, tận lực, chỉ cần đồng lòng, đồng sức thì việc gì cũng có thể làm được. Câu tục ngữ nhằm răn dạy con cháu phải sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ngày nay, lời răn dạy đó vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần đoàn kết hiểu một cách sâu sắc hơn, đó chính là biểu hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Vì vây, trong xã hội ngày nay, người ta đề cao tinh thần tự lực, khả năng chủ động học tập cũng như làm việc của từng cá nhân. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất đi sức mạnh và giá trị của tập thể. Bởi mỗi cá nhân không tồn tại độc lập mà luôn gắn với tập thể, với cộng đồng. Giữa cá nhân và tập thể có mối quan hệ hữu cơ, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau, vừa thống nhất, vừa đối lập với nhau.

            Cá nhân và tập thể có mối quan hệ qua lại, bổ trợ cho nhau. Mỗi một cá nhân tốt sẽ tạo dựng nên một tập thể tốt. Một tập thể tốt là khi các cá nhân trong tập thể tôn trọng, bình đẳng và cùng quan tâm đến một mục đích. Hơn nữa, trên thực tế không một cá nhân đơn lẻ nào hoàn toàn tồn tại và phát triển một cách độc lập, mỗi cá nhân đều cần đến và có nhu cầu tập thể để tập thể tạo điều kiện cho các cá nhân cùng tham gia các hoạt động chung và hướng tới sự phát triển. Cá nhân là tiền đề tạo nên sự vững mạnh của một tập thể và ngược lại.

Trong bất kì hoàn cảnh nào, vai trò của các cá nhân và tập thể đều là như nhau. Ví dụ như trong nhà trường, một lớp học được coi là xuất sắc khi sinh viên trong lớp đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và lao động. Không phải sinh viên nào trong lớp cũng tài giỏi như nhau. Việc những em sinh viên giỏi ngồi kèm những sinh viên yếu kém; những sinh viên khỏe mạnh làm những công việc xóa bảng, vệ sinh lớp học giúp những bạn sinh viên có thể chất yếu, từ đó sẽ giúp cho lớp học thêm khăng khít, có sự giúp đỡ qua lại để cùng nhau phát triển hơn. Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều cá nhân có ảnh hưởng xấu đến tập thể. Một bạn quay cóp, gian lận trong thi cử,… sẽ có sức lan tỏa làm cho nhiều sinh viên trong lớp muốn làm theo. Mặt khác, tập thể có thể không tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển đồng đều, thậm chí còn lấy đi nhu cầu lợi ích cá nhân cũng là mặt trái cần bị phê phán và loại bỏ. Vì thế, để phát triển cá nhân tốt, mỗi chúng ta cần biết chủ động tìm những tập thể lành mạnh để gia nhập. Đồng thời, nếu trong tập thể có những cá nhân tiêu cực, bản thân phải tự rèn luyện ý chí, tư tưởng vững vàng để không bị lây nhiễm.

Trong thực tế cuộc sống, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể rất chặt chẽ .Bởi cá nhân là thành viên của tập thể và luôn có quan hệ qua lại với nhau. Nhiều cá nhân mới hình thành nên tập thể và có tập thể  mới tạo điều kiện để cho cá nhân được trưởng thành. Vì vậy, khi làm điều gì ta phải có ý thức, phải nghĩ đến tập thể. Do đó, là một thành viên trong tập thể thì phải góp phần xây dựng tập thể tốt hơn. Ngoài ra, không thể nhìn vào cái sai của một người mà đánh giá cả tập thể cũng như không thể nhìn cái tốt của một người mà kết luận tốt đẹp cho cả tập thể, bởi tục ngữ có câu “Mía  sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Bao giờ cũng vậy, trong một tập thể tất nhiên sẽ có kẻ xấu, người tốt, người có tài năng, kẻ thiếu bản lĩnh. Cho nên khi xem xét, đánh giá mội tập thể thì chúng ta không nên nhìn vài cá nhân nào đó để đánh giá mà hãy nhìn vào cái chung, nhìn tổng thể xem xét, nhận định để có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn. Ở trong một lớp học, không thể chỉ vì một em sinh viên cá biệt mà ta lại phủ nhận mọi công sức phấn đấu của cả tập thể ấy được. Chúng ta cần phải xử lý nghiêm minh và vạch mặt chỉ tên những cá nhân có khuyết điểm và luôn trân trọng thành quả của tập thể. Nếu có được cái nhìn đúng đắn như vậy, ta sẽ tạo được niềm tin cho mọi người, nhất là sẽ động viên được những cá nhân lầm lỗi có điều kiện sửa sai. Từ đó giúp mỗi cá nhân có cái nhìn tiến bộ, rộng lượng hơn, đem lại niềm tin cho con người trong cuộc sống.

         Sự thống nhất giữa cá nhân và tập thể xuất phát từ bản chất của xã hội là các quan hệ giữa các con người với nhau trong quá trình phát triển. Đây là quan hệ khách quan giữa cá nhân và tập thể, giữa bộ phận và chỉnh thể, giữa cái riêng và cái chung. Cá nhân là số ít, là cá thể với những suy nghĩ và cuộc sống riêng.

Tập thể gồm nhiều cá nhân, cá nhân nào cũng tồn tại trong tập thể nhất định và phát huy tính độc lập, đa dạng của mình trong tập thể đó. Trong tập thể, mỗi cá nhân có nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau, họ cống hiến năng lực, tâm huyết, sức lực làm việc vì tập thể, trong đó cũng là vì mình. Tập thể nào cũng hình thành bởi các cá nhân và được phát triển bền vững khi mọi cá nhân được cống hiến hết mình vì mục đích chung của tập thể. Giữa cá nhân và tập thể có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Cá nhân luôn gắn với tập thể, trong tập thể có cá nhân. Một tập thể mạnh khi có nhiều cá nhân xuất sắc, một tổ chức ổn định thì đời sống cá nhân càng vững vàng. Khi lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn. Mỗi tập thể lớn mạnh sẽ góp phần xây dựng xã hội phát triển toàn diện.

Sự đối lập giữa cá nhân và tập thể xuất phát từ bản chất của cá nhân có tính độc lập, tự do, đơn nhất của mình. Khuynh hướng khách quan của cá nhân là đối lập với những gì có tính ràng buộc, tính quy định của tập thể. Trong tập thể, mỗi thành viên đều có mong muốn cống hiến sức khoẻ, năng lực, tâm huyết để dựng xây tổ chức mình. Tập thể đó vì vậy mà không ngừng đoàn kết, phát triển, hoàn thành nhiều công việc được giao.

Tuy nhiên, trước những tác động không ngừng của nền kinh tế thị trường, nhu cầu cuộc sống cá nhân đòi hỏi trước hết phải vì cuộc sống của chính mình, vì lợi ích của riêng mình. Từ đó, cá nhân thường tìm cách vụ lợi, hưởng thụ, có sự vô cảm, thờ ơ trước những thay đổi của tập thể hay của người khác. Một số cá nhân ngại va chạm vì sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, khen thưởng, thu nhập nên dễ dẫn đến nể nang, né tránh, không muốn đấu tranh trước những cái sai, cái xấu, cái thấp hèn.

Từ thực tế trên cần nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cần phải giải quyết thoả đáng giữa cống hiến và hưởng thụ, kết hợp hài hoà lợi ích và địa vị cá nhân và tập thể. Để tôn trọng cá nhân, tập thể phải bảo vệ quyền lợi, bênh vực, quan tâm đến cá nhân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, năng khiếu, sức khoẻ; động viên, khích lệ cá nhân vượt lên mọi hoàn cảnh để đóng góp vì tập thể.

Nếu chỉ nhấn mạnh cá nhân sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa lợi mình, hại người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Miễn là mình béo mặc thiên hạ gầy”[2] (biểu hiện làm gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình, ngại khổ, ngại khó, tham nhũng, lãng phí, xa hoa; tham danh, thích địa vị, quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; quan liêu, mệnh lệnh...). Mỗi cá nhân phải có ý thức và tinh thần tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là cội nguồn của những thói hư tật xấu, của những vi phạm tập thể và xã hội, là “giặc nội xâm” của chủ nghĩa xã hội. Cá nhân phải tôn trọng tập thể, có ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ vì tập thể, có mối quan hệ bình đẳng, thân ái, giúp đỡ giữa các cá nhân trong tập thể.

Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Không có cá nhân nào ham chuộng khổ hạnh và bần cùng mà ai cũng muốn xây dựng xã hội no ấm, tự do, sung sướng. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là xoá bỏ lợi ích cá nhân nhưng lợi ích cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của tập thể, lợi ích của bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nếu chỉ đề cao tập thể sẽ làm cho cá nhân mất đi động lực và bị “hoà tan”. Sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người là điều kiện phát triển của tất cả mọi người. Cá nhân cần tôn trọng các quyết định đúng đắn của tập thể. Cá nhân cần có ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ trước tập thể, có tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, quan hệ thân ái với mọi người trong tập thể.

Mối quan hệ cá nhân, tập thể nảy sinh và phát triển tất yếu do chính các quan hệ kinh tế chuyển hoá thành. Quan hệ kinh tế tạo nên động cơ thúc đẩy con người hành động nhằm thoả mãn nhu cầu. Nhu cầu lợi ích càng lớn thì càng hấp dẫn, càng cuốn hút cá nhân hành động. Không có hành vi nào của cá nhân hoàn toàn thoát khỏi sự thúc đẩy của lợi ích. Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là mối quan hệ biện chứng, trong đó cá nhân như là một bộ phận của cái toàn thể. Cá nhân thể hiện bản sắc riêng biệt của mình thông qua tập thể nhưng không hòa tan vào tập thể.

Bản chất của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ lợi ích. Đó là yếu tố móc nối, liên kết hoặc ngược lại là chia rẽ các thành viên trong tập thể. Tập thể có bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân và tập thể được biểu hiện ra ở nhu cầu về vật chất và nhu cầu về văn hóa tinh thần. Trong sự tác động biện chứng, mỗi cá nhân không tồn tại độc lập, cô lập hoàn toàn với những cá nhân khác và với tập thể. Đây cũng chính là cơ sở để hình thành nên tính tập thể, tính cộng đồng, tính nhân loại của nhân cách. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể còn được hiểu rộng ra trên phạm vi quốc tế là quan hệ giữa độc lập tự chủ của quốc gia với quá trình hội nhập quốc tế, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để “hòa nhập” chứ không thể “hoà tan”.

            Đối với học sinh, sinh viên, khi nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể sẽ giúp các em có thêm hiểu biết để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, từ đó rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tính tích cực, chủ động của các nhân trong quá trình hợp tác với bạn bè khi ngồi trên ghế Nhà trường; với đồng nghiệp khi đi làm. Từ đó sẽ hiểu được thông điệp về giáo dục của UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization) đã đưa ra “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để chung sống với nhau”. Đây được coi là nội dung triết lý về giáo dục của thế kỷ XXI.

         Có thể nói rằng, từ việc tìm hiểu mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể nhắc nhở mỗi cá nhân cần tự rèn luyện mình: Phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đối với tập thể; phải khách quan khi xem xét, đánh giá những người xung quang một cách công bằng để mỗi cá nhân trong cộng đồng tránh xa cái xấu, vươn tới cái đẹp, nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với mọi người. Đó chính là nét đẹp văn hóa đáng quý trong tâm hồn con người Việt Nam./.

[1] Mã Giang Lân, Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5).

 

[2] Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, 24-3-1961, t10, tr 306

                                                                                                                                                       Theo cdkttctn.liluanchinhrti

Nguồn:http://cdkttctn.edu.vn/khoaliluanchinhtri Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 37
Hôm qua : 286
Tháng 11 : 8.590
Năm 2024 : 231.085