TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG TRONG MÔN NGỮ VĂN THEO HƯỚNG DẠY HỌC TÍCH CỰC

 

Tài liệu đính kèm: Tải về

       Ban quản trị trân trọng giới thiệu tham luận của trường THPT Kim Động trong buổi Hội thảo Hội thảo chuyên đề: "Vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực vào môn Ngữ văn" tại trường THPT Trần Hưng Đạo. 

 Toàn văn tham luận: kèm cả file PowerPoint (tải về) và video minh họa

 

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG THEO HƯỚNG DẠY HỌC TÍCH CỰC

  1. Vai trò của hoạt động khởi động

           Hoạt động khởi động bài học thường chỉ chiếm một vài phút đầu giờ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kích hoạt sự tích cực của người học.

            - Trước hết, hoạt động khởi động có vai trò tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Một khởi động bài học hiệu quả trước hết phải tạo được hứng thú cho học sinh. “Hứng thú là một thái độ đặc biệt của cá nhân đối với một hiện tượng nào đó vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình học tập”. Không phải bất cứ học sinh nào đều có sẵn niềm say mê, yêu thích đối với môn học. Vì vậy, nhiệm vụ của hoạt động khởi động là khơi gợi hứng thú đối với bài học và hơn thế nữa còn khơi dậy niềm đam mê, gây dựng, bồi đắp tình yêu lâu bền đối với môn học. Dạy học trò không có hứng thú cũng chỉ như “đập búa trên sắt nguội” mà thôi. Bởi vậy, người thầy trước hết phải là người “thắp lửa đam mê”. Đặc biệt đối với môn học Ngữ văn, chỉ có niềm đam mê mới đưa các e khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của những tác phẩm văn chương.  

           - Vai trò thứ hai của hoạt động khởi động là huy động vốn tri thức, kĩ năng nền tảng của học sinh. Bởi dạy học là một quá trình kiến tạo. Nếu ví tri thức, kĩ năng học sinh tiếp nhận được ví như ngôi nhà, thì nền móng sẽ xuất phát từ những tri thức, kĩ năng vốn có, nền tảng của người học. Quan điểm dạy học kiến tạo đặc biệt chú ý đến việc huy động kiến thức, kĩ năng, hệ giá trị nền tảng của cá nhân người học tạo tiền đề cho việc tiếp nhận kiến thức mới. Vì vậy, một khởi động bài học hiệu quả nên tạo ra cơ hội cho các em tự làm sống lại những kiến thức nền đã có, cần thiết cho việc học bài mới. Việc thiết kế chương trình Ngữ văn theo các cấp thực chất là một vòng tròn đồng tâm, cấp học sau là sự mở rộng, nâng cao, đào sâu hơn những tri thức đã được trang bị từ cấp học trước. Đó là một tiền đề để thầy cô thiết kế hoạt động khởi động.

            Ví dụ học sinh lớp 10 đến với ca dao, truyện cổ tích bằng những kí ức tuổi thơ, cùng những tri thức về văn học dân gian từ bậc THCS. Trước khi đến với truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, các em đã được biết đến nhà văn Nam Cao với truyện ngắn “Lão Hạc”. Đến với “Tây Tiến” của Quang Dũng, đề tài người lính đã để lại dấu ấn sâu sắc trong các em với bài thơ “Đồng chí”- Chính Hữu, “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật… Khi thiết kế hoạt động khởi động, giáo viên cần kết nối và khơi gợi lại trong học sinh những tri thức nền tảng ấy.

           - Vai trò thứ ba của hoạt động khởi động là tạo ra mâu thuẫn nhận thức cho người học.

            Học tập là một quá trình khám phá. Quá trình ấy bắt đầu bằng sự tò mò, nhu cầu cần được hiểu biết và giải quyết mâu thuẫn giữa điều đã biết và điều muốn biết. Một khởi động bài học thành công cần khơi gợi trong học trò mong muốn được tìm hiểu, khám phá bằng những hoạt động tiếp theo trong giờ học, thậm chí là sau giờ học. Muốn như vậy, hoạt động khởi động cần tạo ra mâu thuẫn trong nhận thức cho học trò. Đây là tiền đề để thực hiện một loạt các hoạt động tìm tòi, giải quyết vấn đề. Muốn như vậy, giáo viên phải là người có ý tưởng, biết gieo vấn đề để kích thích trí tò mò của người học.

  1. Những hạn chế của hoạt động khởi động trong phương pháp dạy học truyền thống

     Trong phương pháp dạy học truyền thống, chúng ta thường thấy những lời vào bài mượt mà, trơn tru với câu từ bay bổng, trau chuốt của giáo viên. Để có được lời vào bài đầy tính nghệ thuật như vậy đòi hỏi giáo viên phải có sự am hiểu sâu sắc tác giả, tác phẩm, nội dung bài học cùng những vấn đề có liên quan rồi chuyển hóa thành câu từ kết hợp với giọng đọc hay nói diễn cảm, thuyết phục.

     Tuy nhiên, lời vào bài có hay đến đâu cũng chỉ là hoạt động khởi động cho giáo viên là chủ yếu. Bởi học sinh vẫn đóng vai trò thụ động lắng nghe, được “ru vỗ” bằng những lời có cánh. Còn cảm xúc, hứng thú chỉ là sự “lây lan” từ giáo viên sang học sinh chứ không phải được khơi dậy, hình thành từ sự hoạt động của học sinh.

  1. Một số biện pháp tăng cường hiệu quả cho hoạt động khởi động

          Trên cơ sở đó, trong bài tham luận này, tôi xin đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động khởi động nhằm phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và đảm bảo những yêu cầu của hoạt động khởi động.

          - Giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo, trong việc tổ chức hoạt động khởi động bài học. Tránh tình trạng hoạt động đơn điệu, nhàm chán, hoặc không tổ chức hoạt động khởi động mà để nó diễn ra một cách tuần tự, cứng nhắc.

          + Phương pháp phổ biến nhất là tổ chức dưới dạng trò chơi như: Đuổi hình bắt chữ, Giải ô chữ, Ngôi sao may mắn, Vòng quay kì diệu… Trò chơi giúp cho hoạt động dạy học trở nên sôi nổi, cuốn hút, giúp HS rèn luyện sự mạnh dạn, tự tin, khả năng phản xạ nhanh, sự sáng tạo, nâng cao tinh thần đoàn kết và sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên... Trước khi chơi, cần chuẩn bị đồ dùng, phương tiện cần thiết, tạo hiệu ứng, hệ thống câu hỏi liên quan đến bài mới, dự kiến tình huống xảy ra và cách xử lí tình huống, kết quả đạt được qua trò chơi. Để có những trò chơi hấp dẫn,  giáo viên phải sang tạo không ngừng đồng thời khuyến khích các em tham gia nhiệt tình, chơi hết mình.

          + Sử dụng tranh ảnh, video có liên quan đến bài học để phần khởi động thêm sinh động, hấp dẫn.

          + Hay khởi động bằng các bài tập hay câu hỏi tạo sự kết nối giữa nội dung bài học và sự trải nghiệm thực tế của học sinh.

          + Ngoài ra, giáo viên có thể chuẩn bị thêm lời dẫn nếu cần thiết để kết nối giữa phần khởi động và hoạt động hình thành kiến thức.

          - Tránh tình trạng khởi động quá nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến quá trình chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng. Hoặc khởi động rất công phu, bài bản nhưng lại không ăn nhập gì với bài học.

          - Khởi động quá phấn kích cũng làm cho học sinh khó tập trung trở lại bài học.

  1. Thiết kế minh họa một số hoạt động khởi động trong bài học

    - Khởi động bài “Thực hành thành ngữ, điển cố”.

    - Khởi động bài “Chí Phèo”

    - Khởi động bài “Uy- lít- xơ trở về”

 

 

 

 

Tác giả: Nguyễn Đắc Hậu
Nguồn:https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5756 Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 42
Hôm qua : 1.104
Tháng 04 : 22.285
Năm 2024 : 90.921