Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên

Vào hạ tuần tháng Tám âm lịch, nhân dân cả nước lại nhắc nhau câu "Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ". Cha ở đây chính là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc vĩ đại (còn "Mẹ" ở đây là Mẫu Liễu Hạnh).

 

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên

Mô hình tượng Đức Thánh Trần. Ảnh: Trithucvn

 

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên - Ảnh 2.

Không chỉ có công đức để người dân đất Việt tôn thờ, uy danh của Hưng Đạo Đại vương còn khiến giặc phương Bắc phải kính sợ, đến nỗi không chỉ trong lời ăn tiếng nói, cả trong văn tịch, các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng phải kính cẩn gọi ông là An Nam Hưng Đạo vương, chứ không dám gọi thẳng tên.

Là vị anh hùng chống xâm lược vĩ đại của dân tộc, Hưng Đạo Đại vương được rất nhiều địa phương trên cả nước lập đền thờ phụng. Vào ngày 20 tháng Tám âm lịch hằng năm, ngày kỵ của ngài, nhân dân các miền trên cả nước lại tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ công ơn của ngài. Lễ to nhất diễn ra ở Đền Trần, Nam Định và đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương. Ngoài ra, hàng trăm nơi khác xây dựng đền thờ hay tượng đài của ngài đều tổ chức lễ dâng hương thành kính.

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên - Ảnh 3.

Trong ba lần quân và dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Mông Cổ (sau đó là Đại Nguyên) ở thế kỷ 13, có hai lần Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương là người tổng chỉ huy, chỉ dưới Thượng hoàng và nhà vua. Những chiến công oanh liệt ở Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Tây Kết ở cuộc kháng chiến lần thứ hai, và những chiến thắng Vân Đồn, rồi trận địa giăng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng lừng lẫy ở cuộc kháng chiến lần thứ ba, đều ghi dấu ấn nổi bật về tài năng quân sự của Hưng Đạo vương.

Chúng ta đều biết Đại Việt chỉ là một nước nhỏ trên bản đồ thế giới, trong khi quân Nguyên lúc đó khí thế mạnh mẽ ngút trời, đã tung vó ngựa chinh phục khắp các quốc gia từ Tiểu Á, Trung Âu, Đông Âu cho đến tận bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Đương đầu với đội quân xâm lược hùng mạnh này, vua tôi nhà Trần đã lựa chọn chiến thuật hết sức linh hoạt, tránh đối đầu trực tiếp, dần rút lui né tránh chờ đến lúc quân địch chủ quan, suy yếu, thiệt hại về bệnh dịch và hết lương thảo mới tung ra các đòn tấn công quyết định để đuổi chúng về nước.

Trong khi nhiều vị vương thất như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Lộng sợ hãi sức mạnh của quân giặc dẫn gia quyến, thuộc hạ ra hàng, thì bên cạnh các vua Trần, vẫn còn Hưng Đạo vương cùng nhiều vị tướng tài khác như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão cùng ra sức chống giặc. 

Tuy phải rút lui phân tán khắp nơi, né tránh giặc mạnh, nhưng tất cả các đạo quân, dù là quân chính quy của triều đình hay hương binh, gia nô của các vương hầu đều nhất nhất tuân theo ngọn cờ tiết chế của Hưng Đạo vương.

Những lần phò hai vua vượt qua vòng vây từ ven biển Thiên Trường, Yên Quảng, vòng vào Thanh Hóa rồi trở ra Ngọc Sơn, đều ghi những dấu ấn về sự tận tụy của Hưng Đạo vương. Ông đã thể hiện rõ rệt tư tưởng "xã tắc trên hết", gạt bỏ hoàn toàn những hiềm khích và lời dặn của người cha - An Sinh vương Trần Liễu trăn trối trước khi nhắm mắt - để hết lòng phò vua, giúp nước.

Hành động vứt bỏ đầu mũi sắt nhọn trên cây gậy cầm tay của Hưng Đạo vương khi có người nghi ngờ lúc ông ở cùng thuyền phò tá hai vua Trần bôn tẩu đã chứng minh lòng trung trinh hết mực của ông. Câu nói "Bệ hạ chém đầu tôi đi rồi hãy hàng" của ông cũng giúp các vua Trần hết lòng tin tưởng, để luôn sát cánh cùng ông đi đến các thắng lợi cuối cùng.

Hưng Đạo vương cũng thể hiện tài năng đoàn kết tuyệt vời, khi nối lại tình cảm thắm thiết giữa hai dòng trưởng - thứ của nhà Trần qua mối quan hệ tốt đẹp với Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, thể hiện rõ nét trong sự kiện Thượng tướng và Thái sư tắm nước thơm cho nhau trên thuyền ở bến sông Hồng. Trước đó, khi Trần Quang Khải theo Thượng hoàng đi đánh giặc, mà có sứ nhà Nguyên sang, nhà vua muốn cho Hưng Đạo vương thay chức Tư đồ (Tể tướng) để tiếp sứ, ông đã khéo léo chỉ xin nhận nhiệm vụ tiếp sứ, còn không nhận chức Tư đồ để tránh mối nghi kỵ của Trần Quang Khải.

Sau sự kiện "tắm nước thơm", tình nghĩa của hai vị vương ngày càng sâu đậm, nhờ đó trở thành tấm gương cho các vương hầu kết đoàn chống giặc. Hưng Đạo vương cũng không để bụng những hành động của Trần Khánh Dư, vẫn sử dụng vị tướng có tài nhưng nhiều tật này khi đất nước lâm nguy, nhờ đó mới dẫn đến chiến thắng Vân Đồn lịch sử cuối năm 1287.

Không chỉ vậy, Hưng Đạo vương còn hết lòng tiến cử nhân tài giúp vua, giúp nước. Các võ tướng như Nguyễn Địa Lô, Phạm Ngũ Lão, văn thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Thế Trực, Trần Thì Kiến, vốn là môn khách của ông, ông đều tiến cử lên triều đình, trở thành những bậc lương thần giúp đời.

Công lao to lớn với triều đình, với đất nước như vậy, nên Hưng Đạo vương được các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông hết sức kính trọng, phong ông tước Đại vương, ban cho quyền phong tước cho bất kỳ ai có công, nhưng ông chưa bao giờ lạm dùng quyền này một lần. Sợ uy danh và tài đánh trận của ông, đến người Nguyên cũng không bao giờ dám gọi thẳng tên ông, chỉ kính cẩn gọi là An Nam Hưng Đạo vương. 

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên - Ảnh 5.

Là người con được An Sinh vương Trần Liễu đặt vào hết mọi hy vọng, Hưng Đạo vương từ nhỏ đã được cha mời những người thầy tài giỏi nhất nước về dạy dỗ. Nhờ trí tuệ kiệt xuất, Hưng Đạo vương đã tiếp thu được tất cả những tinh hoa đó, trở thành một người toàn tài, sau này có dịp sẽ phát lộ ra từ trong võ công, với những chiến công hiển hách trong hai lần chiến thắng quân Nguyên. Không những vậy, ông còn soạn ra những bộ binh thư quý giá như Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh gia diệu lý yếu lược.

Về văn tài, ông cũng bộc lộ tài năng vĩ đại qua bản Dụ chư tì tướng hịch văn nổi tiếng, được viết ra cổ vũ tướng sĩ dưới trướng hết lòng vì nước trong cuộc kháng chiến lần thứ hai.

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên - Ảnh 6.

Tranh minh họa Hưng Đạo Đại vương viết Hịch tướng sĩ

Đặc biệt, Hưng Đạo vương có tài năng và cốt cách của một nhà ngoại giao thiên bẩm, nên khi có sứ nhà Nguyên sang, triều đình phải vời gọi ông ra tiếp. Gặp khi tên sứ giả ngông cuồng là Sài Thung gây khó dễ cho triều đình, Tể tướng Trần Quang Khải đến hắn cũng không tiếp, nhưng Hưng Đạo vương vẫn có cách khiến hắn phải nể phục, mời vào sứ quán, đích thân tiếp trà nói chuyện, rồi tiễn ra tận cửa khi ra về.

Tài năng điều binh khiển tướng của Hưng Đạo vương thể hiện rõ nhất ở việc dùng người, khi ông biết tận dụng thế mạnh, sở trường của từng viên tướng, bộ tướng. Ông cũng có được sự trung thành tuyệt đối của các môn khách, gia nô, như Yết Kiêu dù nguy cấp thế nào vẫn cắm thuyền chờ khi ông đến mới rời bến sang sông.

Cách đánh trận của Hưng Đạo vương rất linh hoạt và đa dạng, cả bằng bộ binh và thủy binh, lúc tiến lúc lùi, đều rất linh hoạt, hợp lý, dẫn đến những chiến thắng quyết định như trận Thăng Long năm 1285, trận Bạch Đằng năm 1288, để đuổi sạch quân Nguyên về nước.

Tài năng của Hưng Đạo vương thể hiện ở tư duy chiến thuật sắc bén. Ông từng nói: "Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?".

Ông cũng có cái nhìn chiến lược rất xa, khi có thể dễ dàng quả quyết với vua Trần trước cuộc kháng chiến lần thứ ba là "Năm nay đánh giặc nhàn", khiến người môn khách Trương Hán Siêu ca ngợi trong bài Bạch Đằng giang phú nổi tiếng:

Khi trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Tiếng thơm còn mãi,
Bia miệng không mòn.

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên - Ảnh 7.

Hậu thế tôn Hưng Đạo Đại vương lên hàng Thánh, thờ tự tại các ngôi chùa, đền khắp cả nước

Ngay cả đến những giây phút cuối đời, tài năng của Hưng Đạo vương vẫn dành để nghĩ cho dân, cho nước, qua lời trăn trối hết sức quý báu của ông với vua Trần Anh Tông: "Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Là một vị anh hùng có võ công vĩ đại nổi bật nhất của thời Trần và của lịch sử dân tộc, một thiên tài quân sự có tầm chiến lược, nhưng Hưng Đạo đại vương chọn cho mình lối sống khiêm nhường, giản dị. Khi ông qua đời, ông không cho xây lăng, đắp mộ, chỉ để lại lời dặn "khoan thư sức dân" còn văng vẳng đến ngày nay.

Lòng yêu dân của ông, cùng với những công lao hiển hách, đã khiến nhân dân tôn thờ ông lên hàng Thánh. Và cứ đến dịp kỵ húy ông vào 20 tháng Tám, dân chúng khắp nơi lại nhắc nhớ nhau rằng: "Tháng Tám giỗ cha…" để sắp mâm lễ vật, đốt nén nhang thơm...

Tháng Tám giỗ cha - Anh hùng dân tộc vĩ đại, khiến giặc phương Bắc không dám gọi tên - Ảnh 8.

Di tích Bạch Đằng Giang sừng sững tượng 3 vị anh hùng dân tộc: Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo (từ trái qua)

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Nguồn:https://soha.vn/ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 705
Hôm qua : 633
Tháng 05 : 17.351
Năm 2024 : 113.847