Kẻ sĩ là ai?

Nguyễn Trường Tộ - Kẻ sĩ tiêu biểu của xứ Nghệ thế kỉ XIX

KẺ SĨ LÀ AI? 

Đây là câu hỏi không hề mới bởi mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử đề có những bối cảnh, đặc điểm, điều kiện khác nhau quy định các hệ thống gía trị khác nhau, trong đó có giá trị, hay là phẩm chất,  của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội.  Tầng lớp trí thức ngày càng đông đảo, vị trí của họ ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội. Trí thức có phải là kẻ sĩ? Đây cũng là một câu hỏi không dễ trả lời. Và một loạt câu hỏi khác xung quanh lịch sử và vai trò của trí thức, của tầng lớp kẻ sĩ được đặt ra vì không bao giờ như bây giờ, vai trò của tri thức, của trí thức gần như đang có ý nghĩ quyết định đối với sự phát triển, đặc biệt, các kẻ sĩ, những người tiêu biểu của giới trí thức về phương diện xã hội lại vô cùng quan trọng trong bối cảnh tìm nhận con đường phát triển. Văn hóa Nghệ an đã có cuộc trao đổi với giáo sư Trần Ngọc Vương đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội để có thêm một câu trả lời cho câu hỏi trên.

Ở nước ta, bên cạnh khái niệm trí thức còn có các khái niệm danh sĩ, kẻ sĩ.Khái niệm kẻ sĩ xuất hiện từ lúc nào?

GS Trần Ngọc Vương:“Sĩ” là một danh từ chỉ người. Có thể, đó là một danh từ chung, để chỉ một nhóm xã hội, một cộng đồng người phân biệt với nhóm xã hội hay cộng đồng người khác bởi những thuộc tính đặc trưng. “Sĩ” cũng có thể là một danh từ riêng khi chỉ một cá nhân cụ thể trong sự phân biệt với một hay những cá nhân khác trong một tập hợp người nhất định.

“Sĩ” là một từ gốc Hán, xuất hiện từ rất sớm. Theo chỗ tôi biết, thì từ “giáp cốt, kim văn” (chữ trên mai rùa, xương thú, trên các di văn khảo cổ bằng kim loại như chuông khánh..) đã có chữ này. Hàng trăm năm nay các nhà Cổ Hán ngữ học vẫn còn tiếp tục phát hiện và luận giải nghĩa gốc của từ này trên các văn bản khảo cổ có niên đại sớm nhất. Các nghiên cứu cho thấy ở thời kỳ đầu nghĩa của chữ “sĩ” này chưa hoàn toàn định hình…

Về đại thể, có thể khẳng định rằng, nghĩa từ nguyên sớm nhất của chữ (cũng là “từ”) “sĩ” là người có hiểu biết, gần tương đương với nghĩa “người có chữ, người biết chữ”. Trong xã hội cổ đại khi phân hóa đẳng cấp và giai cấp chưa cao, bộ phận những người đóng vai trò lãnh đạo, nắm quyền trong cộng đồng còn là một nhóm nhỏ, đã có thể xác định vài ba mẫu người “không thể thiếu” , đó là người thủ lĩnh và những  người hỗ trợ thủ lĩnh. Những người hỗ trợ có thể có hai loại: loại thứ nhất là hỗ trợ bằng sức mạnh, dùng sức mạnh để chống lại “thù trong giặc ngoài” trực tiếp, trước mắt của thủ lĩnh và / hoặc của cộng đồng, loại thứ hai, hỗ trợ bằng tri thức và kinh nghiệm, bằng “mưu mẹo”, thủ đọan để ổn định quyền lực của thủ lĩnh và qua đó, ổn định trật tự và an ninh cộng đồng. Thoạt đầu, tất cả những người hỗ trợ thủ lĩnh này đều được gọi là “sĩ”. Khi nhóm cai trị phát triển dần thành nhà nước, thì người thủ lĩnh thành vua mà một bộ phận lớn “sĩ” trở thành “quan”…Đến đây thì đã ổn định nghĩa mới của từ “sĩ”, nghĩa là ông quan, người làm quan. “Dĩ văn thủ sĩ” là châm ngôn của các triều đại đã phát triển, nghĩa là dùng “văn” làm phương tiện chọn người làm quan.

Bạn có thể hình dung nghĩa của từ “sĩ” trong chặng này như là con “sĩ” trong bàn cờ tướng ấy.  Hai con Sĩ  đứng hai bên, làm nhiệm vụ bảo vệ, che chắn, giúp đỡ cho con “Tướng”!

Nhưng tri thức và sức mạnh trong một cộng đồng, một xã hội càng phát triển thì càng cần thiết và được sử dụng trên mọi bình diện của tồn tại xã hội chứ không chỉ dùng để phục vụ giới cầm quyền. Từ phía khác, muốn có sức mạnh thì không thể chỉ sử dụng thứ sức mạnh “trời cho” cũng như muốn có tri thức thì không thể chỉ khai thác trí thông minh cũng của “trời cho”, mà phải học tập, phải rèn luyện! Trong các cộng đồng kém phát triển, khi năng suất lao động còn thấp hoặc quá thấp, “cung” không đủ “cầu”, thì ai cũng phải “tay làm” để “hàm nhai”! Đến một thời điểm nhất định, sự phân công lao động xã hội từng bước tách một bộ phận, và thường xuyên nhất là bộ phận nằm trong tầng lớp cai trị nhưng lại không phải thực hành việc cai trị trực tiếp, thành những người “lao động trí óc” …

Đó chính là sự hình thành tầng lớp trí thức?

GS Trần Ngọc Vương:Đúng vậy. Chính ở công đọan này cung cấp những dữ kiện quan trọng hàng đầu cho phép bàn về những điều kiện chủ yếu nhất để hình thành đội ngũ hay “tầng lớp trí thức”. Theo tôi, trí thức chỉ có thể trở nên là trí thức khi được xã hội , cộng đồng “cho phép, tạo điều kiện”, hay trong những trường hợp cực hạn, tự mình tạo ra cho mình những điều kiện và hoàn cảnh để có thể được giải phóng ra khỏi nhiệm vụ sản xuất, nghĩa là thoát ra khỏi yêu cầu phải trực tiếp tạo ra của cải vật chất. “Sản phẩm” mà họ có nghĩa vụ “hoàn trả” cho cộng đồng sẽ là những sáng tạo phẩm mang tính tinh thần và tri thức thực thụ.Cùng với tầng lớp cai trị, họ được cộng đồng “nuôi”, vì vậy họ phải có bổn phận “phục vụ” lại xã hội bằng kết quả của dạng lao động đặc thù của họ. Mạnh Tử đã nói khái quát: “Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân” (Người “lao tâm” thì “trị người”, người lao lực thì được / bị “người trị”), mà Nguyễn Trãi cũng cùng quan điểm: “Nếu khỏi (tức không có – TNV) tiểu nhân – quân tử nhọc; Dầu chăng quân tử: tiểu nhân loàn”, là thế!

Vị trí của tầng lớp trí thức trong tương quan xã hội, giữa người cai trị và người bị cai trị?

GS Trần Ngọc Vương:Trên thực tế, trong xã hội Trung Quốc và rồi cả khu vực các quốc gia “đồng văn” truyền thống (về đại thể cho tới cuối thế kỷ XIX), “sĩ” là từ chỉ một đẳng cấp và những cá nhân thuộc về một đẳng cấp xã hội đặc thù, đóng vai trò trung gian giữa các tầng lớp, giai cấp lao động và giai cấp thống trị. Khi được tuyển dụng, họ trở thành những thành viên của giai cấp thống trị, mà khi không được “nhà nước” tuyển dụng, họ làm các nghề “lao động phi sản xuất” – các thứ “thầy” và các thứ “sĩ” :văn nghệ sĩ cũng nằm trong quỹ đạo đó!

Cần lưu ý rằng, dẫu có sự “phân hóa, tan đàn” như vậy, nhưng tất cả những ai từng là “sĩ” đều bảo lưu một số những “giá trị cốt lõi” chung, cả từ thế giới quan, xã hội quan, nhân sinh quan, hệ thống tri thức đến cả những tín niệm văn hóa, tôn giáo hay đạo đức, những thứ “đủ” để làm nên những nét khu biệt những người thuộc đẳng cấp “sĩ” với những thành phần khác trong xã hội.

Những phẩm chất nổi bật phải có của kẻ sĩ là gì? “Trí thức” và “kẻ sĩ” có là một ?

GS Trần Ngọc Vương:Theo tôi, “kẻ sĩ” là “tên ngày xưa”, còn “trí thức” là “tên ngày nay”. Có thể nói khác rằng đó là hai danh xưng thuộc về hai thời đại lịch sử của một tầng lớp người. Đó là những người mà hoạt động sống chủ yếu là lao động sáng tạo và bảo lưu những sản phẩm, những sáng tạo phẩm tri thức và tinh thần. Phẩm chất hàng đầu của họ là tạo ra và bảo lưu được những sản phẩm tri thức và tinh thần có giá trị. Cần nói rõ hơn rằng do cách hình dung thay đổi theo thời gian, “sản phẩm tri thức và tinh thần” ngày nay tiệm cận với “sản phẩm vật chất”, nhưng không vì thế mà đồng nhất. “Bắng phát minh sáng chế”, “những kỹ năng và sáng kiến” cho dẫu gần gũi với “sản phẩm vật chất” cách mấy, thì vẫn thuộc về phạm vi “sáng tạo tinh thần”.

Theo ông, ở Việt Nam xuất hiện mẫu người kẻ sĩ từ lúc nào?

GS Trần Ngọc Vương:Những người thuộc tầng lớp “sĩ” với những bằng chứng khả tín đã sống ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Trong số họ, có những người gốc Hán hoặc gốc Bách Việt (thuôc Trung Quốc ngày nay) hoặc làm quan cai trị đến sống rồi định cư ở Giao Châu, hoặc chạy loạn, hoặc đến làm ăn, buôn bán. Một bộ phận khác là trí thức bản địa. Thời đó, vì là nội thuộc, chưa có sự phân biệt thật mạch lạc giữa kẻ sĩ “gốc Trung Quốc” với kẻ sĩ “gốc Giao Châu” như sau này…Tuy nhiên, với thời gian, khi ý thức dân tộc đã phát triển thành các phong trào chính trị, thành đấu tranh vũ trang, đến đỉnh cao nhất là giành lại chủ quyền và độc lập về bộ máy cai trị, các nhà cai trị cũng là các nhà lãnh đạo quốc gia dân tộc đã khá nhanh chóng quan tâm đến việc gây dựng đội ngũ trí thức quốc gia.

Ở Trung Quốc xưa, trước thời Hán, kẻ sĩ là một tầng lớp đã phát triển đông đảo và có sự phân hóa khá phức tạp. Tất cả những người có học đều được coi là kẻ sĩ, bất luận họ là tín đồ của tôn giáo hay học thuyết nào. Các học phái hay tôn giáo đều được gọi là “sĩ” , phân biệt nhau bởi cái định ngữ đặt trước: tín đồ của Nho là nho sĩ, tín đồ Đạo giáo là đạo sĩ, tín đồ của tung hoành gia là “biện sĩ”, tín đồ Mặc gia là hiệp sĩ , tín đồ Âm Dương gia là thuật sĩ v.v. Nhưng từ sau vụ “phần thư khanh nho” (đốt sách chôn Nho” nổi tiếng tàn bạo của vua tôi Tần Thủy Hoàng, tầng lớp “sĩ” bị khủng bố đến tan tác. Nhưng cũng chính họ lại đã trở thành tác nhân hàng đầu phát động lên lòng căm thù đối với nền chuyên chế Pháp trị hà khắc của Tần Thủy Hoàng, dẫn đến việc lập nên liên minh chống Tần. Hán sơ, nhà nho là nhóm kẻ sĩ tăng trưởng nhanh chóng về số lượng , càng ngày càng có vai trò quan trọng bên cạnh ngai vàng, và đến Hán Vũ Dế Lưu Triệt, thì Nho gia đã đạt được địa vị độc tôn bởi một đạo đặc chiếu của chính vị Hoàng đế này. Về đại thể tuy trong hơn hai ngàn năm tiếp theo, không diễn ra thêm một vụ tiêu diệt tầng lớp trí thức nào ở quy mô lớn nhưng các học phái khác phát triển linh tán và “lẫn vào trong nhau”, chỉ có nhà Nho với số lượng đông đảo nhất và được các triều đại “tạo điều kiện” để nảy nở rườm rà nhất. Đội ngũ trí thức có số lượng đông đảo thứ hai trong suốt từ thời Hán Minh đế cho tới tận Cách mạng Tân Hợi (1911) là nhà sư, nhưng dẫu vậy không thể so sánh về số lượng với nhà nho. Vậy nên suốt hai ngàn năm đó, trong ngữ dụng đời thường, nói “sĩ nhân” “thức giả” ở Trung Quốc gần như đồng nghĩa với “Nho sĩ” hay kẻ sĩ nói chung!

 

Vậy thì các trí thức Phật giáo cũng có thể là “kẻ sĩ”?

GS Trần Ngọc Vương:Các nhà tu hành Phật giáo không tự gọi và cũng không “được” gọi là sĩ. Bởi họ đã có một danh xưng đặc định, là “sư” hay “tăng”, tuy nhiên trong ngôn ngữ quan phương nhiều lúc họ cũng được gọi là “tăng sĩ”!

Đó có phải là một phiên bản của văn hóa Trung Hoa hay không?

GS Trần Ngọc Vương:Đội ngũ trí thức đông đảo nhất ở Việt Nam từ năm 939 đến giữa thế kỷ XIII là nhà sư. Nhưng do nhiều nguyên nhân, mà trước hết chủ yếu là do bản chất của học thuyết trong mối quan hệ với mục đích chính trị (là xây dựng củng cố một mô hình nhà nước chuyên chế),  Nho giáo dần dần chiếm ưu thế, nhà nho dần dần tăng trưởng về số lượng, bởi nhà nước chuyên chế đã sử dụng nó làm công cụ ý thức hệ thống trị. Hơn hai thế kỷ sau, vào nửa sau thế kỷ XV, Nho giáo đã được Lê Thánh Tông “chuẩn thuận” – cũng bằng một đạo đặc chiếu – để trở nên độc tôn trong đời sống tri thức – tinh thần của xã hội Việt Nam.

Đã được coi là học thuyết chính trị - đạo đức tiêu biểu cho cả khu vực văn hóa Đông Á truyền thống (trong đó có Việt Nam), dĩ nhiên Nho giáo có những yếu tố phổ quát tồn tại trong cả các quốc gia từng vận dụng nó, nhưng trong thực tế ở mỗi quốc gia, Nho giáo cũng tồn tại với những điểm mang tính đặc thù dân tộc. Tầng lớp kẻ sĩ cũng vậy, kẻ sĩ Việt Nam có những đặc điểm khác với kẻ sĩ Trung Quốc, kẻ sĩ Hàn Quốc hay khác với tầng lớp samurai Nhật Bản./.

Vĩnh Khánhthực hiện

BOX 1:

“Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: Tiếp thu và truyền bá tri thức hoặc/và văn hóa; Sáng tạo các giá trị mới của tri thức hoặc/và văn hóa; Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hội”.

“Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo. Tuy nhiên mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng”.

Chu Hảo

 

BOX 2:

 “Kẻ sĩ” là những người có học vấn, có khí tiết, có thể bị giết chứ không chịu nhục, dẫu có lâm vào cảnh hàn vi, oan trái vẫn không nguôi hướng tới những sự nghiệp cứu dân, giúp đời. Dù là “intellectuel” ở phương Tây hay là “kẻ sĩ” ở phương Đông, người trí thức ở đâu, thời điểm nào cũng là người có học vấn cao và có ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ của xã hội mà mình đang sống”.

Phan Đình Diệu

Ảnh: Nguồn Internet 

Tác giả: Administrator 2
Nguồn:http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/12362-ke-si-la-ai Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 159
Hôm qua : 350
Tháng 12 : 3.779
Năm 2024 : 236.820