HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA BÀI THƠ NỔI TIẾNG BÁC HỒ DÀNH TẶNG THANH NIÊN VIỆT NAM

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Bài thơ ra đời trong một đêm lửa trại ở rừng Nà Tu (Bắc Cạn) vào tháng 3/1951, khi Bác Hồ đến thăm liên phân đội thanh niên xung phong 321. Đây là Đội thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên, được thành lập theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tich Hồ Chí Minh.

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/7/1950 tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã thành lập đơn vị Thanh niên xung phong 321. Đây chính là Liên đội thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên với 225 đội viên nhằm phục vụ chiến dịch Biên giời thu - đông năm 1950.

Mục đích thành lập đội Thanh niên xung phong là nhằm “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội tương lai”.

Sau khi phục vụ chiến dịch biên giới, Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng: Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên. Đội đã tổ chức thành nhiền Liên phân đội rải rác quân dọc tuyến đường và nhận nhiệm vụ bám trụ những nơi hiểm yếu.

Đầu tháng 3 năm 1951, Liên đội Thanh niên Xung phong 312 được điều động đến sửa chữa cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), nằm trên tuyến đường từ thị xã Bắc Kạn đi Cao Bằng. Cầu Nà Cù lúc này không những đã trở thành mục tiêu ném bom bắn phá của máy bay địch, mà còn có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi.

Tại đây, tối ngày 28/3/1951, Đoàn nhận được tin đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục Trưởng Cục Hậu cần sẽ đến thăm đơn vị. Đồng chí Việt Thi, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền và văn hoá được giao nhiệm vụ tổ chức một đêm lửa trại để đón khách.

Theo lời kể của đồng chí Việt Thi: vào đêm ngày 28/03/1951, chúng tôi tổ chức lửa trại trong rừng Nà Tu để đón khách. Vừa trông thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ ngoài cửa rừng đi vào, đoán là khách đã đến, tôi cho anh chị em vỗ tay hoan hô. Khách vào tới nơi, tất cả chúng tôi đều sững sờ trước niềm hạnh phúc thật bất ngờ: Bác Hồ đến thăm. Hàng ngũ của chúng tôi trở nên xáo động và reo khe khẽ: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Rõ ràng Bác đang ở trước mắt mà chúng tôi cứ ngỡ như một giấc chiêm bao! Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc khăn quàng cổ che kín cả chòm râu. Đi bên cạnh Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh. Bác tươi cười nhìn chúng tôi và giơ tay ra hiệu:

- Các cháu ngồi cả xuống.

Chúng tôi đều răm rắp nghe theo lời Bác, im lặng ngồi xuống. Những câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là những lời hỏi thăm ân cần về tình hình đời sống của đơn vị.

Bác hỏi:

- Các cháu ăn uống có đủ no không?

- Thưa Bác có ạ!

- Các cháu có đủ muối ăn không?

- Thưa Bác đủ ạ!

- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh chữa bệnh có đủ không?

- Thưa Bác đủ ạ!

Qua nụ cười hiền hậu trên nét mặt của Bác, chúng tôi thấy Bác biết thừa là chúng tôi nói dối để Bác vui lòng. Bác đã được đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp báo cáo đầy đủ về chế độ cấp phát lương thực, thuốc men, quân trang cho thanh niên xung phong còn thiếu thốn. Bác lại hỏi:

- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?

- Thưa Bác có ạ!

Sau đó Bác lại hỏi tiếp:

- Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Cộng sản Đông Dương khác nhau ở điểm nào?

Một số người trong chúng tôi được Bác kiểm tra trực tiếp toát mồ hôi, nên trả lời rất lúng túng. Sau đó bằng những câu ngắn gọn, Bác đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II vừa mới họp về việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Tiếp đó Bác nhắc nhở:

- Lần sau cái gì không biết các cháu phải nói không biết, không biết mà nói biết là giấu dốt.

Rồi Bác đột ngột hỏi tiếp:

- Đào núi có khó không?

Chúng tôi ai cũng dè dặt không dám trả lời ào ào như trước nữa. Thế là Người trả lời: khó, người sợ nói khó bị cho là tư tưởng ngại khó nên trả lời không khó. Trả lời xong mà cứ nơm nớp sợ Bác hỏi thêm.

Bác chưa kết luận mà hỏi thêm chúng tôi:

- Có ai dám đào núi không? Và chỉ định một đội viên gái ngồi ngay trước mặt Bác, đồng chí này mạnh dạn đứng lên thưa:

- Thưa Bác có ạ! thanh niên xung phong chúng cháu ngày ngày vẫn đang đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ

Nghe xong, Bác cười:

- Đào núi không khó là không đúng, nhưng khó mà con người vẫn dám làm và làm được. Chỉ cần cái gì?

Chúng tôi đã bình tĩnh, lấy lại được tinh thần và mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay lên phát biểu, có người trả lời “cần quyết tâm cao”, có người “cần kiên gan bền chí”, “cần vượt khó vượt khổ”, có người “cần xung phong dũng cảm”, toàn là những khẩu hiệu hành động của thanh niên xung phong chúng tôi hồi đó. Bác động viên chúng tôi:

- Các cháu trả lời đều đúng cả: Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ ta có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác cháu ta hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Đọc xong mỗi câu thơ, Bác lại bảo chúng tôi đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng Bác chỉ định nhắc lại cả bài thơ cho tất cả đơn vị nghe. Thật may mắn, tôi đã nhắc trôi chảy không sai chữ nào.

Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó. Rất mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Bài thơ đã là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên xung phong chúng tôi lao vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Sau này mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Bác lại được tái hiện trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vượt qua.

Bài thơ ngắn gọn và súc tích không chỉ là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên mà còn là lời dạy đối với tất cả các tầng lớp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Việt Nam về vai trò và sức mạnh của ý chí con người trong mọi công việc, từ sự nghiệp cách mạng đến sự nghiệp xây dựng đất nước. Có sức mạnh cộng với ý chí và lòng quyết tâm, mỗi người sẽ vượt qua được những khó khăn tưởng chừng to lớn và nan giải để đi đến thắng lợi và thành công.

Bài thơ của Bác không phải là là một lời khuyên lý thuyết, mà đã được chứng minh qua thực tiễn thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

Tác giả: Bùi Huy Hoàng
Nguồn:www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn và vienkiemsathaiphong.gov.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 560
Hôm qua : 624
Tháng 04 : 26.315
Năm 2024 : 94.951