Đất và người xứ nhãn: HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC - MỘT ĐẠI DANH Y TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Danh y Lê Hữu Trác, còn được biết tới với biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông, được mệnh danh là vị Đại danh y trong bầu trời y học Việt Nam. Những thành tựu của ông đã góp phần cho sự phát triển của nền y học Việt Nam. Dù trải qua hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên giá trị và tính ứng dụng. 

 

danh y Lê Hữu Trác

Danh y Lê Hữu Trác còn được biết tới với đại danh Hải Thượng Lãn Ông

(1) Tiểu sử Danh y Lê Hữu Trác

Danh y Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ). Ông sinh nhằm ngày 12 tháng 11 năm 1720 (tức năm Canh Ngọ). Theo nhiều tài liệu cổ ghi chép lại, ông có tên gọi khác là Lê Hữu Huân (theo “Hải Dương phong vật chí”) nhưng đến nay, người đời vẫn quen thuộc gọi ông với cái tên Hải Thượng Lãn Ông.

Nhiều người cho rằng, đại danh Hải Thượng Lãn Ông (có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng) là do sự kết hợp giữa hai chữ cái đầu tiên của tên tỉnh và tên phủ (Tỉnh Hải Dương, Phủ Thượng Hồng). Cũng có tài liệu cho rằng, chữ “lười” ám chỉ sự chán ghét công danh, không màng mưu lợi, quyền chức của vị danh y này.

danh y Lê Hữu Trác

Tượng đài của Danh y tại Hoa viên Nghĩa trang Chánh Phú Hoà

Danh y Lê Hữu Trác là người con út trong gia đình có 7 anh em. Chính vì vậy, người trong gia đình thường gọi ông là Cậu Chiêu Bảy. Gia đình ông vốn nổi tiếng bởi truyền thống đỗ đạt khoa bảng, rất nhiều người làm quan to trong triều đình. Trong đó cả 6 người anh của ông đều thi đỗ khoa cử, tiến sĩ. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, thuở trẻ đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, được nhà vua phong chức Ngự sử, tước Bá. Chú là Lê Hữu Kiều cũng là Đại triều thần của nhà Lê.

Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc học hành, tinh thông sách sử nên được cha cho lên Kinh kỳ theo học. Tại đây ông nổi tiếng với trí tuệ hơn người thi đậu liền Tam trường. Ông còn cùng các bạn học lập hội “Thi xã” bên Hồ Tây để hằng ngày đối thơ, xướng họa. Tính cách ông hào sảng, thích giao du nên không chỉ được bạn đồng niên mà cả chúa Trịnh cũng hết lòng yêu quý. Tuy nhiên, không lâu sau đó vào năm ông 19 tuổi, cha ông mất (năm 1739) nên phải về nhà chịu tang, vừa lo kế nghiệp gia đình vừa lo hậu sự cho cha. 

Một năm sau đó (tức 1740), giữa thời buổi loạn lạc, Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn tranh giành quyền lực, muôn dân lầm than, bạo loạn xảy ra khắp nơi ông đã quyết định gác lại sách vở, luyện tập võ thuật và binh thư, xung phong vào quân ngũ. Chỉ ít lâu sau, ông nhanh chóng nhận ra đây không phải là lẽ sống mà mình theo đuổi nên dù đã được đề bạt nhiều lần, ông kiên quyết từ chối. Cho tới năm 1746, sau khi người anh cả mất tại quê mẹ là huyện Hương Sơn, Nghệ An (nay là Hà Tĩnh) ông đã viện cớ xin rời khỏi quân ngũ về chăm mẹ già và các cháu nhỏ mồ côi.

Bước ngoặt của cuộc đời danh y Lê Hữu Trác xảy đến khi ông mắc trận ốm nặng. Dù đã được người nhà săn sóc và đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng đến 2, 3 năm vẫn không có tiến triển. Sau đó có người mách, ông nhờ người đưa tới nơi của thầy thuốc tên Trần Độc ở xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An). Trần Độc vốn thi đỗ cử nhân, xong từ chối vinh hoa chốn quan trường để về quê chữa bệnh. Tiếng lành đồn xa nên ông được rất nhiều người trong vùng tín nhiệm.

Trong suốt 1 năm chữa bệnh tại đây, Lê Hữu Trác thường hay nghiên cứu sách y học “Phùng thị cẩm nang” của Trung Hoa. Với trí thông minh và khả năng hiểu sâu sắc vấn đề, ông nhanh chóng nắm bắt được chân lý trong sách và nhen nhóm đam mê học về y thuật. Trần Độc nhận thấy sự tinh thông và quyết tâm của ông, nên bày tỏ mong muốn truyền nghề.

(2) Sự nghiệp của danh y Lê Hữu Trác

Ở tuổi 30, danh y Lê Hữu Trác trở lại quê mẹ ở Hương Sơn, khước từ lời mời của chúa Trịnh quyết ở lại đây chuyên tâm chữa bệnh cứu người, lấy tên Hải Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên tại đây neo người bầu bạn, lại không có nhiều thầy giỏi để ông học hỏi, Lê Hữu Trác quyết định lên kinh đô học tập, mong tìm kiếm thêm kiến thức y học mênh mông. 

Sau khoảng thời gian học tập, ông trở lại quê mẹ để chữa bệnh cứu người. Với tài năng học rộng, chẩn bệnh giỏi, bốc thuốc hay, lại không màng tới tiền tài danh lợi, ông đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người dân. Có người bệnh nhiều năm không khỏi ông cũng chữa được. Chỉ qua một thập kỷ miệt mài cống hiến, tên tuổi của ông nhanh chóng vang danh khắp vùng Hương Sơn và đến tận kinh thành. 

Không dừng lại ở đó, Hải Thượng Lãn Ông còn mở thêm Hội y nhằm quy tụ các danh y từ khắp nơi đến để bầu bạn, tâm sự và chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau. Ông cũng mở các lớp dạy y, đào tạo thế hệ thầy thuốc trẻ. Các lớp học của ông thu hút rất đông học viên tới theo học. Là một người thầy thuốc đồng thời cũng là một người thầy giáo, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn căn dặn với học trò như với chính mình về nhân cách của người thầy thuốc chân chính. Trước hết, ông đề cao tính y đức, sau là tuân thủ 8 chữ “Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Thành – Khiêm – Cần” (nhân ái – sáng suốt – đức độ – tốt bụng – chân thành – khiêm tốn – cần cù). Bên cạnh đó, đặc biệt tránh lười nhác, keo kiệt, vụ lợi, dối trá, ngu si, bất nhân, sân si, thất đức.

Năm 1782, khi đã 62 tuổi, ông nhận lệnh Chúa Trịnh hồi kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Vốn được lòng Trịnh Sâm, ông bị không ít ngự y trong thành ghen ghét. Hải Thượng Lãn Ông vốn không hề nảy sinh thù ghét, chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và mau chóng thoát khỏi chốn kinh thành. Tuy nhiên không lâu sau đó, Trịnh Sâm lâm bệnh, Trịnh Cán ốm yếu dai dẳng. Ông đành miễn cưỡng lên chữa bệnh. Dù đã được chữa khỏi nhưng do tuổi cao sức yếu, chỉ ít lâu sau Trịnh Sâm băng hà, con trai là Trịnh Cán lên kế vị. Nhân lúc triều đình đang có người tiến cử thái y mới, Hải Thượng Lãn Ông viện cớ tuổi già thoái lui về quê.

(3) Di sản y học của Danh y Hải Thượng Lãn ông

Trong suốt những năm làm thầy thuốc và đào tạo học trò, Danh y Lê Hữu Trác vẫn luôn mong muốn truyền lại y lý cho thế hệ sau thông qua những cuốn sách. Bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” được ông dày công biên soạn, ghi chép và chắt lọc lại những chân lý ông đã lĩnh hội được từ các đại danh y đời trước và mất gần 10 năm (1760 – 1770) để hoàn thành. Đây là cuốn sách chứa đựng những gì tinh túy nhất trong sự nghiệp của người thầy thuốc vĩ đại này và là tài sản vô giá của nền y học Việt Nam. 

danh y Lê Hữu Trác

Bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” được ông dày công biên soạn suốt hàng chục năm

Toàn bộ cuốn sách bao gồm 28 tập, 66 quyển về các chuyên ngành nội khoa, sản khoa, phụ khoa, da liễu, nhãn khoa. Đồng thời ông còn phê phán và chỉ ra những điểm không phù hợp khi áp dụng trong điều trị cho người Việt Nam. Trong gần 20 năm sau đó, ông vẫn tiếp tục biên soạn và cho ra đời nhiều tập sách quý giá nữa như “Y hải cầu nguyên” (1782), “Thượng kinh ký sự” (1783) trong đó phê phán nhiều thói quen xa hoa, những điều “mắt thấy tai nghe” khi ông lên kinh khám bệnh cho Thái tử, “Vận khí bí điển” (1786).

Hải Thượng Lãn Ông qua đời hưởng thọ 71 tuổi vào ngày 15 tháng 1 âm năm 1791. Để tưởng nhớ và tri ân công lao của ông, cứ vào ngày này hằng năm, người dân và người làm nghề y lại cùng nhau tề tựu tại Nhà tưởng niệm Đại danh y ở Liêu Xá dâng hương.

danh y Lê Hữu Trác

Dâng hương tưởng niệm danh y Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác chính là người thầy vĩ đại truyền cảm hứng không nhỏ tới các thế hệ trong tương lai. Đồng thời để lại kho tàng y học vô giá, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của y học nước nhà. 

(4) Tư tưởng y học của Lãn Ông

Lãn Ông từng tự thuật như sau: “Tôi bỏ Nho học thuốc trên 20 năm. Nằm gai nếm mật, đóng cửa đọc sách, bắt đầu bằng bộ Hoàng Đế Nội Kinh. Ngày đêm nghiên cứu, mắt xem miệng đọc, đi thì mang theo, gối thì suy nghĩ, tự hỏi tự trả lời. Sách thuốc của đời xưa, không bộ nào là không xem đến. Sách thuốc càng ra nhiều, người đọc như mông mênh qua bể tìm bến”. Và “Đọc sách xưa biết được ý nghĩa đã là khó, biết được ý ngoài lời càng khó hơn. Học một suy ra đến muôn, khó mà lường được”.

Với những cuốn sách y học như “đánh đố” người đời như vậy, Lãn Ông thực sự vất vả khi tìm tòi kiến thức cho mình. Nhưng ở tình cảnh lúc bấy giờ thì có được sách đã là quý lắm. Ông vừa tự học vừa tự làm thầy mình. Kết cục đã tạo được nền móng cho y học dân tộc Việt Nam. 

Các cổ thư Á Đông, viết thường bí hiểm. Người không chính tâm, thành ý, nhẫn nại suy ngẫm thì mãi cũng như người đứng ngoài cửa không vào được bên trong. Lãn Ông tự học tự hỏi, suy tư đến cùng để tìm ra được những chân lý ẩn trong những câu văn mung lung mơ hồ. Đồng thời loại ra những lời dạy chủ quan, cảm tính, không có cơ sở vững vàng, thường có nhiều ở Trung y và cứ truyền đi đời nọ sang đời kia. Đây là một tinh thần tự chủ và sáng suốt, nhất là vào thời xưa. Sau đó, mang lý luận vào thực tiễn, tri hành phải hợp nhất, y lý phải giản đơn và rõ ràng, dược liệu phải chính xác và công hiệu.

Bên cạnh đó, qua kinh nghiệm trị bệnh, Lãn Ông đúc rút những phương thức trị bệnh riêng. Và điều đặc biệt, Lãn Ông còn ghi chép chu đáo hồ sơ bệnh nhân để làm tài liệu hướng dẫn các môn sinh.

Y Đức của Lãn Ông đã vượt xa thời đại, vươn tới hôm nay. Ông quan niệm: “Nếu không mở một lối đi thì lấy gì mà làm thềm cho người đời sau”; “Tôi vâng lời trên của người anh, chú thích những câu của tiên hiền làm khuôn phép giúp cho đời sau tìm đến được bến bờ của y dược”; “Sao bằng ghi chép lại (kinh nghiệm, tìm tòi, khám phá), khiến sau trăm đời, người đọc hiểu được những lời mà đời trước chưa hoàn bị, để dìu dắt các thầy thuốc sau này, há chẳng nên sao”.

Trân trọng đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh thời Trần. Lãn Ông đã tiếp nối hai công trình của Tuệ Tĩnh là “Nam dược thần hiệu”, “Hồng nghĩa giác tư y thư” và hoàn thiện công trình này. Và Lãn Ông nhắn nhủ hậu thế qua những vần thơ nhẹ nhàng, thấm thía trong Lĩnh Nam bản thảo: “Thuốc thang sẵn có khắp nơi; Trong vườn, ngoài ruộng, trên đồi, dưới sông; Hàng ngàn thảo, mộc, thú, trùng; Thiếu gì thuốc bổ thuốc công quanh mình”.

Tư tưởng tự tôn dân tộc trong y thuật được Lãn Ông đề cao. Những dược liệu làm thuốc của Việt Nam được đề cao, thậm chí hợp với người Nam hơn người phương Bắc như quế Thanh Hóa, sâm Quảng Nam. Hay gừng là 1 dược liệu quý báu được dân gian sử dụng từ rất xa xưa được ông đúc kết là để chống nhiễm trùng thương tích và che trở khỏi lam sơn chướng khí. 

Trong tác phẩm của mình, ngoài phần “dương án” ghi lại những ca bệnh chữa trị thành công, Lãn Ông còn ghi lại phần “âm án” là những ca chữa thất bại. Trong “âm án” ông viết: “Nghề thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là tốt, chứ cứu được một mạng người thì khoa chân múa tay để khoe khoang cho mọi người biết. Nhỡ có thất bại thì lại giấu nhẹm đi. Mấy ai không giấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác”.

Năm 1782, Lãn Ông được triệu vào Thăng Long chữa bịnh cho thế tử Trịnh Cán. Công việc chữa trị thất bại không rõ nguyên nhân do Lãn Ông hay do bệnh đã quá nặng vì các ngự y nuôi bệnh? Nhưng qua chuyến đi này, Lãn Ông đã để lại một tác phẩm văn chương y học bất hủ “Thượng Kinh ký sự”. Cũng tại kinh đô, Lãn Ông đã khắc in được bộ “Y tông tâm lĩnh” truyền lại cho đời.

Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang. Hải Thượng Lãn Ông luôn là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.

Sau khi Lãn Ông mất, ông được người dân lập đền thờ. Năm 1985, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2016, Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là  một danh y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quí báu để chúng ta học tập và noi theo.

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (Tổng hợp)
Nguồn:www.tapchidongy.org; doingoaihungyen.vn; quehuongonline.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 35
Hôm qua : 270
Tháng 12 : 3.305
Năm 2024 : 236.346