Phác họa tương lai đáng sợ của người nghiện game
Người nghiện game có thể gặp bệnh béo phì do lười vận động và viêm da cơ địa vì thiếu vitamin D, B12.
Những nhà khoa học đã tạo ra một mô hình dựa trên nghiên cứu từ các tổ chức như Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), Hội Địa lý Quốc gia (National Geographic) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho thấy hình ảnh người nghiện game trong năm 2040.
Năm ngoái, WHO chính thức công nhận nghiện game là một loại bệnh tâm thần khi người chơi không thể kiểm soát được hành động của mình, ưu tiên trò chơi điện tử hơn các sở thích và hoạt động hàng ngày khác bất chấp tác hại của nó. Một số chuyên gia còn cho rằng bệnh này có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu.
Mô hình có tên Michael cho thấy những thay đổi về thể chất mà một người nghiện game có thể gặp phải nếu vẫn giữ thói quen chơi liên tục sau 20 năm.
Michael mô phỏng những tác động tiêu cực lên cơ thể của người nghiện game. Ảnh: buzzfeed.com. |
Chúng ta có thể thấy những vết lõm của hộp sọ do áp lực đến từ việc sử dụng tai nghe trong thời gian dài. Những vùng hói trên đầu vì thiếu vitamin D và ánh sáng mặt trời. Nhìn màn hình quá nhiều gây ra quầng thâm và mắt đỏ. Tai có lông là hậu quả của thiếu lưu thông không khí. Ngồi sai tư thế cũng như ít vận động khiến lưng gù và vai tròn.
Những vùng hói trên đầu do thiếu vitamin D cũng như ánh sáng mặt trời và nhìn màn hình quá nhiều gây ra mắt thâm quầng. Ảnh: buzzfeed.com. |
Mô hình cũng cho thấy những biến đổi như mắt cá chân bị sưng và giãn tĩnh mạch do ngồi một chỗ quá lâu khiến máu lưu thông kém. Tay cũng có thể gặp chấn thương do sử dụng chuột, bàn phím và bộ điều khiển quá nhiều.
Hình ảnh bàn tay biến dạng do sử dụng chuột, bàn phím và bộ điều khiển quá nhiều. Ảnh: buzzfeed.com. |
Cuối cùng, người nghiện game có thể mắc bệnh béo phì do lười vận động và viêm da cơ địa vì thiếu vitamin D, B12.
Việc ngồi quá nhiều, ít hoạt động có thể gây ra béo phì. Ảnh: buzzfeed.com. |
Theo thống kê của WHO, đối tượng nghiện game chủ yếu tập trung ở trẻ vị thành niên. Trên thế giới có 70-80% trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10-15%.
Còn tại Việt Nam, theo báo cáo Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên lần thứ 2 (SAVY 2), số người chơi game online đã tăng hơn 1.000 lần trong vòng 10 năm qua, trong khi các nước khác tăng không quá 100 lần. Nhóm nghiên cứu khuyên game thủ nên chú ý tư thế ngồi, thường xuyên vươn vai hoặc vận động, ăn uống hợp lý và uống nhiều nước. Đây cũng là mô hình tương tự cho những người phải làm việc với máy tính trong thời gian dài.
(Theo: Ann)