Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV, năm học 2021 - 2022

THỂ LỆ
Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV, năm học 2021 - 2022
Dành cho học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáp dục thường xuyên
--------

I. NỘI DUNG CÁC VÒNG THI
1. Vòng thi tuần
Diễn ra trong 08 tuần, từ 13/12/2021 đến 27/02/2022. Tuần thi bắt đầu từ 09h00 ngày thứ hai và kết thúc vào 24h00 ngày Chủ nhật hàng tuần.
Cách thức tham gia: Các thí sinh đăng ký dự thi và làm bài thi trắc nghiệm trực tuyến trên ứng dụng “Thanh niên Việt Nam”. Tài khoản hợp lệ để xét trao giải thưởng là tài khoản đăng ký chính xác, đầy đủ các thông tin cá nhân gắn với thí sinh. Mỗi tài khoản được dự thi tối đa 03 lần/tuần. Căn cứ để xếp hạng và trao giải trong tuần dựa vào điểm số và thời gian thực hiện bài thi.
- Bài thi gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm về các nội dung của Cuộc thi, mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai hoặc không đưa ra được phương án trả lời được 0 điểm. Mỗi thí sinh có 900 giây (15 phút) để hoàn thành bài thi. Kết quả cao nhất và thời gian thi ngắn nhất trong 03 lần thi là căn cứ để trao giải thưởng.
Điểm số tối đa thí sinh có thể đạt được là 300 điểm. Người chơi có thể dừng cuộc thi bất kỳ lúc nào. Điểm số và thời gian ở thời điểm dừng cuộc chơi là kết quả xếp hạng cuối cùng.
2. Vòng thi chung kết cấp tỉnh, thành phố
Vòng thi chung kết cấp tỉnh, thành phố được tổ chức thi trực tuyến, đồng loạt trên ứng dụng “Thanh niên Việt Nam” vào 09h00 ngày 12/3/2022 (Thứ Bảy). Mỗi tỉnh, thành phố có tối đa 20 thí sinh được tham gia vòng thi này, trong đó 16 thí sinh có điểm số cao nhất trong thời gian ngắn nhất mỗi tuần (02 thí sinh cao điểm nhất mỗi tuần), và 04 thí sinh có tổng điểm số cao nhất, thời gian ngắn nhất của cả 08 tuần. Thí sinh sẽ trải qua 02 phần thi:
- Phần 1: Thí sinh sẽ thực hiện các vòng thi với thể lệ tương tự ở vòng loại.
- Phần 2: Thí sinh sẽ viết 01 bài luận trong thời gian 60 phút về một vấn đề do Ban Tổ chức cuộc thi cấp Trung ương đưa ra. Các tỉnh, thành đoàn sẽ thành lập Ban Giám giám khảo, chấm điểm đánh giá các bài thi của thí sinh theo thang điểm 200. Điểm số cuối cùng của thí sinh là tổng điểm của cả 2 phần thi.
Kết thúc vòng thi cấp tỉnh, thành phố, tối đa 65 thí sinh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố sẽ được tham gia vòng chung kết xếp hạng toàn quốc, trong đó: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị có 02 đại diện là thí sinh cao điểm nhất, thời gian ngắn nhất; các tỉnh, thành phố còn lại có 01 đại diện là thí sinh cao điểm nhất, thời gian ngắn nhất.
3. Vòng thi chung kết xếp hạng toàn quốc
* Vòng 1: “Ngàn năm văn hiến”
- Số lượng thí sinh tham gia: 75 thí sinh (65 thí sinh đại diện các tỉnh, thành phố và 10 thí sinh đạt giải tại chương trình “Đồng hành cùng cuộc thi Tự hào Việt Nam”).
- Vòng thi gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 phương án trả lời (A, B, C, D) về sự kiện lịch sử. Câu hỏi sẽ hiển thị trên màn hình của thí sinh. Thời gian đọc và đưa ra phương án trả lời cho mỗi câu hỏi tối đa là 30 giây. Mỗi câu trả lời đúng được 05 điểm, trả lời sai hoặc không đưa ra phương án trả lời không có điểm.
Điểm tối đa của phần thi này là 100 điểm.
- Kết thúc 20 câu hỏi, 32 thí sinh có điểm số cao nhất và thời gian dự thi ngắn nhất sẽ bước vào Vòng 2.
* Vòng 2: “Sử sách lưu danh”
- Số lượng thí sinh tham gia: 32 thí sinh.
- Vòng thi gồm 10 câu hỏi dạng trắc nghiệm 4 phương án trả lời (A, B, C, D) về những danh nhân lịch sử, văn hóa, những người Việt Nam nổi tiếng đương thời. Câu hỏi sẽ hiển thị trên màn hình của thí sinh. Thời gian đọc và đưa ra phương án trả lời cho mỗi câu hỏi tối đa là 20 giây.
Thí sinh có câu trả lời đúng ở giây thứ bao nhiêu thì có được số điểm tương ứng với số giây còn lại, trả lời sai hoặc không đưa ra phương án trả lời không có điểm.
Điểm thi tối đa của phần thi này là 200 điểm.
- Kết thúc phần thi này, 08 thí sinh có điểm số cao nhất, thời gian dự thi ngắn nhất sẽ giành quyền vào vòng 3.
* Vòng 3: “Mật mã lịch sử”
Vòng thi gồm 10 câu hỏi dạng hỏi đáp về lịch sử, văn hóa dân tộc, mỗi đáp án là một gợi ý liên quan đến “từ khóa”. Câu hỏi sẽ hiển thị trên màn hình của thí sinh. Thời gian đọc và đưa ra phương án trả lời cho mỗi câu hỏi tối đa là 30 giây. Thí sinh trả lời câu hỏi bằng cách gõ tiếng Việt có dấu vào chỗ trống mặc định trên màn hình bằng kiểu gõ Telex, bảng mã Unicode. Trong một số tình huống cụ thể, Ban Giám khảo có vai trò trong việc quyết định cho điểm thí sinh. Thí sinh có câu trả lời đúng ở giây thứ bao nhiêu thì có được số điểm tương ứng với số giây còn lại, trả lời sai hoặc không đưa ra phương án trả lời không có điểm. Điểm thi tối đa của phần thi này là 200 điểm.
- Kết thúc phần thi này, 04 thí sinh có điểm số cao nhất, thời gian dự thi ngắn nhất sẽ giành quyền vào vòng 4.
* Vòng 4: “Khát vọng Việt Nam”
- Số lượng thí sinh tham gia: 04 thí sinh
- Nội dung thi: 04 thí sinh sẽ thi đấu vòng tròn (các cặp theo thứ tự 1-2, 2-3, 3-4, 4-1) thuyết trình và phản biện về 1 chủ đề mà Ban Tổ chức đưa ra. Sau khi bốc thăm chủ đề thí sinh thuyết trình có 03 phút chuẩn bị và 05 phút để thuyết trình về chủ đề đó. Sau khi kết thúc, thí sinh phản biện có 03 phút để phản biện và đặt câu hỏi làm rõ hơn các vấn đề. Kết thúc phần trao đổi của 02 thí sinh, Ban Giám khảo sẽ đặt 01 câu hỏi, thí sinh thuyết trình sẽ có 03 phút suy nghĩ và trả lời.
Điểm số tối đa của mỗi thí sinh là 100 điểm (80 điểm thuyết trình và 20 điểm phản biện). Kết thúc phần thi, Ban Giám khảo sẽ căn cứ kết quả của các thí sinh để xếp hạng chung cuộc. Kết quả của thí sinh là điểm tổng cộng của 04 vòng thi.
- Trong trường hợp kết thúc 04 vòng thi, nếu các thí sinh có điểm số bằng nhau sẽ phân định bằng 05 câu hỏi phụ, là các câu hỏi trắc nghiệm 4 phương án trả lời (A, B, C, D). Thí sinh nào có điểm số cao nhất, thời gian ngắn nhất sẽ giành chiến thắng chung cuộc.
II. GIẢI THƯỞNG
Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ trao giải thưởng cho các thí sinh (có thông tin cá nhân chính xác) trong nhóm điểm số cao nhất có thời gian hoàn thành bài thi ngắn nhất tính theo hệ thống, cụ thể như sau:
1.1. Giải thưởng vòng thi tuần: trong 08 tuần tổ chức vòng loại, hàng tuần, Ban Tổ chức trao phần thưởng cho 04 thí sinh điểm số cao nhất có thời gian hoàn thành bài thi ngắn nhất:
- 01 giải Nhất: 1.000.000đ
- 03 giải Khuyến khích: 500.000đ/giải
1.2. Giải thưởng vòng thi Chung kết cấp tỉnh, thành phố:
Giải thưởng Vòng chung kết cấp tỉnh, thành phố do các tỉnh, thành đoàn quyết định và trao tặng theo quy chế thi đua khen thưởng của tỉnh, thành đoàn.
1.3. Giải thưởng vòng thi Chung kết xếp hạng toàn quốc:
Trao giải cho 04 thí sinh tổng điểm cao nhất:
- 01 giải Nhất: 15.000.000đ
- 01 giải Nhì: 10.000.000đ
- 01 giải Ba: 05.000.000đ/giải
- 01 giải Khuyến khích: 3.000.000đ/giải
Cá nhân đạt giải Nhất được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn và đề xuất tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thưởng; các cá nhân đạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, tiền thưởng.
1.4. Giải thưởng dành cho tỉnh, thành đoàn:
- 01 giải cho tỉnh, thành đoàn có số lượng học sinh tham dự Cuộc thi cao nhất.
- 01 giải cho tỉnh, thành đoàn có tỉ lệ học sinh tham dự Cuộc thi cao nhất.
III. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Trong quá trình tổ chức Cuộc thi, nếu gặp những vấn đề phát sinh ngoài quy định của Thể lệ này, Ban Tổ chức sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ban Tổ chức Cuộc thi không chịu trách nhiệm về đường truyền tín hiệu, ngắt kết nối tại các điểm cầu.

Tác giả: Bùi Thiện Quý
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 478
Hôm qua : 824
Tháng 05 : 14.399
Năm 2024 : 110.895