"Cần, Kiệm, Liêm, Chính" theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chữ "Cần" trong tác phẩm "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" của Chủ tịch Hồ Chí Minh  - Học tập bác Hồ - Cổng thông tin điện tử huyện Krông Bông

"Cần" theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

Cần tức là siêng nǎng, chǎm chỉ, cố gắng dẻo dai.

Người Tàu có câu: không có việc gì khó. Chỉ e ta không siêng.

Tục ngữ ta có câu: Nước chảy mãi, đá cũng mòn. Kiến tha lâu, cũng đầy tổ.

Nghĩa là CẦN thì việc gì, dù khó khǎn mấy, cũng làm được.

Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu.

Siêng học tập thì mau biết.

Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến.

Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ.

Chữ CẦN chẳng những có nghĩa hẹp, như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải CẦN, cả nước đều phải CẦN.

Người siêng nǎng thì mau tiến bộ.

Cả nhà siêng nǎng thì chắc ấm no.

Cả làng siêng nǎng thì làng phồn thịnh.

Cả nước siêng nǎng thì nước mạnh giàu.

Muốn cho chữ CẦN có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng.

Cây gỗ bất kỳ to nhỏ, đều có gốc và ngọn.

Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà để lại sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít.

Cụ Mạnh Tử có nói: “Người thợ muốn làm khéo, thì trước phải sắp sẵn công cụ của mình”.

Một thí dụ:

Người thợ mộc muốn đóng một cái tủ. Trước hết, anh ta mài sẵn cưa, bào, tràng, đục, v.v. và làm sao xếp có thứ tự hẳn hoi. Rồi anh lấy gỗ vừa đủ làm cái tủ. Khi các thứ đều sẵn sàng, anh ta bèn bắt tay vào việc đóng tủ.

Như thế là anh thợ mộc ấy làm việc có kế hoạch. Như thế là anh ấy sẽ không hao thì giờ, tốn lực lượng, mà việc lại mau thành.

Trái lại, nếu anh ấy không sắp đặt sẵn sàng trước, khi CẦN đến cưa mới chạy đi lấy cưa, khi CẦN đến đục thì phải chạy đi tìm đục. Như vậy thì mất thì giờ chạy lǎng xǎng cả ngày, mà công việc được ít.

Việc to, việc nhỏ, muôn việc đều như vậy.

Vì vậy, siêng nǎng và kế hoạch phải đi đôi với nhau.

Kế hoạch lại đi đôi với phân công.

Trong một gia đình, một xưởng máy, một cơ quan, v.v. đã phải có kế hoạch, lại phải phân công cho khéo.

Phân công phải nhằm vào 2 điều:

1. Công việc: Việc gì gấp thì làm trước. Việc gì hoãn thì làm sau.

2. Nhân tài: Người nào có nǎng lực làm việc gì, thì đặt vào việc ấy.

Nếu dùng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai.

CẦN và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày CẦN mà mười ngày không CẦN, thì cũng vô ích. Như thế chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt.

CẦN không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần, hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là CẦN.

CẦN là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chǎm chỉ, cả nǎm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.

Lười biếng là kẻ địch của chữ CẦN.

Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc.

Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn hàng vạn người khác.

Một thí dụ:

Trong thời kỳ kháng chiến của dân tộc ta, các vị kỹ sư thì chǎm lo phát minh những thứ khí giới mới. Đồng bào thì chǎm lo cung cấp các thứ nguyên liệu. Những người vận tải thì chǎm lo đưa những nguyên liệu ấy đến các xưởng máy. Anh em công nhân thì chǎm lo rèn đúc ra những thứ khí giới mới. Các chiến sĩ chǎm lo luyện tập dùng những vũ khí ấy để giết cho nhiều giặc.

Tất cả mọi người đó như kết thành một sợi dây chuyền, quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Mọi người đều CẦN, thì dây chuyền ấy chạy rất thuận lợi và nhanh chóng. Kết quả là địch mau thua, ta mau thắng.

Nếu trong những người đó mà có người lười biếng, thì công việc của những người khác ắt chậm lại, khác nào sợi dây chuyền có một khúc hỏng. Kết quả sẽ tai hại thế nào, rất là dễ hiểu.

Lại một thí dụ nữa: Toàn dân tộc ta đoàn kết thành một khối. Công việc của mọi người, mọi địa phương, mọi ngành đều phối hợp với nhau, như một chuyến xe lửa. Tất cả mọi người, mọi địa phương, mọi ngành đều cố gắng, đều siêng nǎng, thì nước ta sẽ tiến bộ rất nhanh chóng. Cũng như chuyến xe lửa chạy đều, chạy nhanh, mau đến ga. Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe.

Vì vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc.

Kết quả chữ CẦN là thế nào?

Kết quả chữ CẦN rất là to lớn. Một thí dụ:

Trong 20 triệu đồng bào ta, cho 10 triệu là thanh niên và thành nhân có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì:

Mỗi tháng sẽ thêm lên 300 triệu giờ.

Mỗi nǎm thêm lên 3.600 triệu giờ.

Chỉ những giờ ấy đã bằng động viên 400 triệu người làm trong một ngày 9 giờ.

Cứ tính một giờ làm là đáng giá một đồng bạc, thì mỗi nǎm nước ta đã thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công.

Đó là kết quả rõ ràng của chữ CẦN.

Trích từ tác phẩm "Cần, Kiệm, Liêm Chính"

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Nguồn:https://www.tuyengiao.vn/ và https://krongbong.daklak.gov.vn/ Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 78
Hôm qua : 350
Tháng 12 : 3.698
Năm 2024 : 236.739