QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TỈNH HƯNG YÊN

Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Đây là mảnh đất phù sa màu mỡ, đậm nét truyền thống văn hiến của nước ta.
Ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Bằng chứng là các di chỉ, di tích còn lại đã được khai quật như mộ cũi ở An Viên (huyện Tiên Lữ), mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động) cùng truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung…
Về hành chính, vùng đất này vốn thuộc bộ Dương Tuyền thời Hùng Vương; huyện Chu Diên thời Bắc thuộc; phủ Thái Bình thời Ngô, Đinh và Tiền Lê; Khoái Lộ và Đằng Lộ rồi Khoái Châu và Đằng Châu thời Lý; lộ Long Hưng và lộ Khoái Châu thời Trần; dưới thời thuộc Minh, Hưng Yên thuộc phủ Kiến Xương.
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), trong nước chia làm 12 đạo Thừa Tuyên, Hưng Yên thuộc Thừa Tuyên Thiên Trường.
Năm Hồng Đức thứ 21, tháng 4 năm 1490 cả nước chia thành 13 xứ, Hưng Yên thuộc xứ Sơn Nam.
Đặc biệt từ thế kỷ XVI - XVII, Phố Hiến được hình thành, đây là nơi hội tụ của các tàu thuyền nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài. Các tàu của người Xiêm, Mã Lai, Manila ở Đông Nam Á; của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp ở châu Âu đến buôn bán và lập thương điếm.

Thương cảng Phố Hiến lúc đó nhộn nhịp tàu thuyền chở hàng đến và chở hàng đi. Hàng nhập vào chủ yếu là vũ khí, vật liệu chế thuốc súng, đồng, vàng, bạc, đồ sứ, thuốc bắc, hàng dệt... Từ Phố Hiến đã xuất đi hương liệu, tơ sống, tơ tằm, đồ gốm sứ, đồ gỗ sơn... Thương cảng Phố Hiến thực sự đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đối với nước ta lúc đó. Hơn 50 cơ sở từ các điểm ở trong nước đã hội tụ về Phố Hiến để buôn bán, làm ăn. Hàng hóa ở Phố Hiến lúc đó đa dạng, chỉ tính một đường xuất đi Nhật đã có tới 14 mặt hàng: lụa, lĩnh, tơ, đũi, sa, nhung, xạ hương, sa nhân, quế, cau, hồ tiêu, đường phèn, chiếu cói, đặc biệt là nhãn Phố Hiến đã được xuất đi Nhật với số lượng lớn.
Ở thế kỷ XVII, Phố Hiến đã thực sự trở thành một đô thị sầm uất “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, các hoạt động của nền kinh tế hàng hóa đã tạo cho Phố Hiến một cảnh nhộn nhịp đông vui của cư dân địa phương cùng thương nhân nước ngoài. Thời đó Kinh thành Thăng Long có 36 phường, thì Phố Hiến có 20 phường, trong đó có tới 8 phường thủ công, đó là nét đặc sắc của Phố Hiến, làm cho Phố Hiến khác với đô thị đương thời. Sự xuất hiện của các phường thủ công đã thể hiện tính hoàn chỉnh của một đô thị trung đại. Phố Hiến thực sự là một “Tiểu Tràng An”.
Sau nhiều lần thay đổi, đến cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, phủ Khoái Châu thuộc trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên, Thái Bình), còn phủ Tiên Hưng thuộc trấn Sơn Nam Hạ (Nam Định).

Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử, tên tỉnh Hưng Yên xuất hiện. Đó là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hưng Yên, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đến mức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương. Khi thành lập, Hưng Yên gồm có hai phủ: phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ của trấn Sơn Nam) và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Tiên Lữ, Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định). Như vậy, trước khi thực dân Pháp xâm lược, Hưng Yên là một tỉnh nằm ở cả hai phía sông Luộc.
Ngày 25/2/1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy, là một đơn vị hành chính mang tính chất quân quản để đối phó với cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Đạo Bãi Sậy gồm 4 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Cẩm Lương, Văn Lâm, Thủ phủ của đạo Bãi Sậy đặt tại Yên Nhân (Mỹ Hào):
- Yên Mỹ được thành lập từ một số tổng thuộc huyện Đông Yên, Ân Thi của tỉnh Hưng Yên; một số tổng thuộc huyện Mỹ Hào của tỉnh Hải Dương và một số tổng thuộc huyện Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh.
- Mỹ Hào gồm các tổng còn lại sau khi cắt sang huyện Yên Mỹ.
- Cẩm Lương gồm một số tổng thuộc huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương, một số tổng thuộc huyện Lương Tài và Siêu Loại của tỉnh Bắc Ninh.
- Văn Lâm gồm một số tổng thuộc 3 huyện Văn Giang, Gia Lâm và Siêu Loại của tỉnh Bắc Ninh.
Chưa đầy một tháng sau khi thành lập đạo Bãi Sậy, ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định
 thành lập tỉnh Thái Bình. Huyện Thần Khê của Hưng Yên, cùng hai phủ Thái Bình, Kiến Xương của Nam Định về với tỉnh Thái Bình.
Sau khi đánh chiếm và áp đặt bộ máy cai trị trên địa phận tỉnh Hưng Yên, thực dân Pháp đã nhiều lần tiến hành thay đổi đơn vị hành chính. Trong năm 1891, hai lần Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định (12-4) và Quyết định (32-11) để bãi bỏ đạo Bãi Sậy, nhập các huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm vào tỉnh Hưng Yên. Riêng huyện Cẩm Lương, phần thuộc Cẩm Giàng trả về nơi cũ, phần thuộc Lương Tài - Siêu Loại đưa vào Văn Lâm, Mỹ Hào.
Ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển huyện Tiên Lữ từ phủ Tiên Hưng sang phủ Khoái Châu; hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà sáp nhập vào tỉnh Thái Bình. Kể từ đây sông Luộc trở thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Ngoài đất của vùng Sơn Nam cũ, Hưng Yên có thêm một phần đất của Hải Dương và Bắc Ninh. Giai đoạn này kéo dài suốt thời kỳ thống trị của thực dân Pháp cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hưng Yên là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Uỷ ban hành chính Bắc Bộ.
Ngày 15/8/1946, thị xã Hưng Yên được thành lập gồm có hai khu phố (Đầu Lĩnh và Đằng Giang).
Để phù hợp với điều kiện mới, ngày 6/6/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng đã ra Nghị định số 79-NĐ/NV-QP chỉ rõ "Về phương diện kháng chiến và hành chính, huyện Văn Giang trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, Khu XII, nay thuộc Khu III; huyện Văn Lâm trước thuộc Khu III, nay thuộc Khu XII”.
Ngày 20/10/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 167-NĐ/NV-QP đưa huyện Văn Lâm thuộc Khu XII về Hưng Yên (thuộc Khu III).
Ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ra Sắc Lệnh số 263-SL đưa huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Hưng Yên.
Ngày 7/11/1949, Chủ tịch nước ra Sắc Lệnh số 131-SL, đưa huyện Gia Lâm trở về Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên lúc này chính thức gồm 117 xã, gồm 9 huyện (Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ) và thị xã Hưng Yên; Hưng Yên thuộc Liên khu III.
Hoà bình lập lại, các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hưng Yên vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi địa giới hành chính của một số xã.
Ngày 26/01/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.
Với yêu cầu của tình hình mới, một số huyện được hợp nhất lại với quy mô lớn hơn. Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP: hợp nhất hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ thành huyện Văn Yên; huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ; huyện Tiên Lữ và Phù Cừ thành huyện Phù Tiên. Ngày 24/2/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70-CP hợp nhất hai huyện Kim Động và Ân Thi thành huyện Kim Thi; huyện Văn Mỹ và huyện Văn Yên (trừ 9 xã của Văn Giang cũ và 5 xã của Yên Mỹ cũ) thành huyện Mỹ Văn; huyện Khoái Châu cùng 9 xã của Văn Giang và 5 xã của Yên Mỹ thành huyện Châu Giang.
Để phù hợp với cơ chế quản lý mới, tỉnh và các huyện được tái lập theo địa giới hành chính như trước khi hợp nhất. Ngày 27/1/1996, Chính phủ ra Nghị định số 5-NĐ/CP tách huyện Kim Thi thành hai huyện Kim Động và Ân Thi.
 Ngày 06/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Sau khi tỉnh được tái lập, ngày 24/2/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17-NĐ/CP tách huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, thành lập và điều chỉnh các phường thuộc thị xã Hưng Yên.
 Ngày 24/7/1999, Chính phủ ra Nghị định số 60- NĐ/CP tách hai huyện Mỹ Văn và Châu Giang thành 5 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Khoái Châu. Riêng huyện Văn Giang gồm 9 xã của Châu Giang và 2 xã của Mỹ Văn, huyện Yên Mỹ gồm 12 xã của Mỹ Văn và 5 xã của Châu Giang.
Ngày 23/9/2003, Chính phủ ra Nghị định số 108/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Hưng Yên, thành lập phường, điều chỉnh địa giới hành chính giữa các phường của thị xã Hưng Yên. Thị xã Hưng Yên tiếp nhận 4 xã thuộc huyện Tiên Lữ là: Trung Nghĩa, Liên Phương, Hồng Nam, Quảng Châu và 1 xã thuộc huyện Kim Động là Bảo Khê; lập thêm phường mới là phường An Tảo trên cơ sở tách phường Hiến Nam làm 2 phường. Lúc này, sau khi điều chỉnh địa giới, thị xã Hưng Yên có 7 phường và 5 xã.
Ngày 19/01/2009, Chính phủ ra Nghị định số 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Ngày 06/8/2013, Chính phủ ra Nghị quyết số 95/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Hưng Yên; tiếp nhận 3 xã Hoàng Hanh, Phương Chiểu, Tân Hưng (thuộc huyện Tiên Lữ) và 2 xã Hùng Cường, Phú Cường (thuộc huyện Kim Động) về thành phố Hưng Yên. Đến nay, thành phố Hưng Yên có diện tích tự nhiên 73,86 km2, dân số 111.637 người, mật độ dân số là 1.511 người/km2; có 17 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 10 xã.
([3])
Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, hiện nay Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; 161 xã, phường, thị trấn, với diện tích 930,22 km2, dân số 1.164.368 người, mật độ dân số 1.252 người/km2([4]).
II- MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI HƯNG YÊN
Hưng Yên nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với địa hình nghiêng chênh chếch từ tây bắc xuống đông nam và không bằng phẳng. Là tỉnh có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 4m, nơi cao nhất là xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) +8m80, nơi thấp nhất là xã Hạ Lễ (Ân Thi) +2m40. Địa hình trên ảnh hưởng rõ rệt đến việc canh tác. Trước kia thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập. Vùng cao không giữ được nước, trong khi vùng thấp lại tiêu nước không kịp trong mùa mưa. Hiện nay, Hưng Yên đã xây dựng một mạng lưới thủy lợi dày đặc để kịp thời giải quyết những khó khăn do địa hình gây ra, bảo đảm cho việc sản xuất quanh năm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và úng lụt.
Toàn tỉnh có 54.452,09 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 58,54% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất trồng cây hàng năm 41.498,01 ha, đất trồng lúa 37.540,62 ha, đất trồng cây lâu năm 12.954,08 ha; đất nuôi trồng thủy sản 5.081,06 ha
([5]). Quỹ đất nông nghiệp Hưng Yên còn nhiều tiềm năng để khai thác, tăng vụ.
Cũng như các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng và có mùa đông lạnh. Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt.  Hưng Yên thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm 2015 là 24,90C, nhiệt độ cao nhất 30,70C, thấp nhất 17,60C. Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.514,8 mm. Số giờ nắng trung bình năm khoảng 1.444,3 giờ (120,35 giờ/tháng)
([6]).
Về đường bộ, Quốc lộ 5A (đoạn dài 23 km), 5B (đường cao tốc) chạy qua địa phận Hưng Yên. Đường 39A từ Phố Nối qua Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động tới thành phố Hưng Yên, qua cầu Triều Dương sang Thái Bình. Đường 38B từ phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) đi qua Tiên Lữ, Phù Cừ tới cầu Tràng sang Hải Dương. Đường 38 từ thành phố Bắc Ninh đến Quán Gỏi (Hải Dương) qua thị trấn Ân Thi đến Trương Xá (Kim Động) nối với đường 39A, đi thành phố Hưng Yên qua cầu Yên Lệnh đến Đồng Văn (Hà Nam) thông Quốc lộ 1A (tuyến Bắc - Nam quan trọng nhất của cả nước). Đường 200 từ Giai Phạm (Yên Mỹ) qua thị trấn Ân Thi đến thị trấn Vương tới Hải Triều (Tiên Lữ) gặp đê sông Luộc và đường 39A. Tuyến đường liên tỉnh Dân Tiến - Khoái Châu đi Thanh Trì - Hà Nội. Đó là chưa kể các đường: 99, 179, 195, 199, 201, 202, 204, 205, 206 và hàng trăm km đường đê đã liên kết các xã, các huyện trong tỉnh và hình thành tuyến đường ngắn nhất qua địa bàn Hưng Yên, nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 5A ra thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, tạo sự giao lưu kinh tế giữa Hưng Yên với các tỉnh, đồng thời giải toả mật độ giao thông cao cho Thủ đô Hà Nội.
Về đường sông, sông Hồng và sông Luộc là những đường sông chính của Hưng Yên. Từ thành phố Hưng Yên, tàu thuyền có thể ngược sông Hồng lên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hoặc xuôi Thái Bình, Nam Định rồi ra biển. Trên sông Luộc, tàu thuyền có thể đi Hải Dương, Hải Phòng. Các sông nhỏ khác trong tỉnh, đặc biệt là công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải đều là những đường giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, lúa, ngô, vật liệu xây dựng...
Giao thông thủy và bộ của Hưng Yên vừa là điều kiện thuận lợi vừa là tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hưng Yên được bao bọc bởi sông Hồng và sông Luộc, nên có nguồn nước ngọt rất dồi dào. Nguồn nước mặt phong phú, nước ngầm của Hưng Yên có trữ lượng lớn, ở dọc khu vực Quốc lộ 5A từ Như Quỳnh (Văn Lâm) đến Quán Gỏi (Hải Dương) có những túi nước ngầm với dung tích hàng triệu mét khối, không chỉ cung cấp nước cho phát triển công nghiệp và đô thị mà còn có thể cung cấp khối lượng lớn cho các khu vực lân cận.
Hưng Yên có mỏ than nâu (thuộc bể than vùng đồng bằng sông Hồng) trữ lượng lớn (khoảng hơn 30 tỷ tấn) chưa được khai thác, đây là một tiềm năng lớn cho phát triển ngành công nghiệp than, phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
 Đối với dân cư, ngoài trồng trọt là nghề chính, người dân Hưng Yên còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng dâu nuôi tằm, làm các nghề thủ công và nghề truyền thống khác. Hiện nay, công nghiệp và dịch vụ phát triển, một bộ phận dân cư lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
 Về thành phần dân tộc, ở Hưng Yên hầu hết là người Kinh, số đông theo đạo Phật thờ cúng tổ tiên, một số ít theo đạo Thiên Chúa, phân bố rải rác, không tập trung.
 Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Tỉnh có 8 trạng nguyên trên tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 228 người thi đỗ đại khoa được ghi danh ở bia Văn Miếu (thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên). Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Nghị, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Lê Hữu Trác, Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu... Đặc biệt trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên có nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương,... các chiến sĩ anh hùng cách mạng như: Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Đó là những người con ưu tú của Hưng Yên, đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Hưng Yên là tỉnh có mật độ di tích dày đặc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với 1.210 di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 164 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 193 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh
([7]). Hưng Yên là tỉnh thứ 3 trong cả nước (sau thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh) có nhiều di tích cấp quốc gia. Các di tích đã và đang được quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hoá. Đặc biệt, ngày 27/5/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch, đây là những di sản văn hóa mà chúng ta cần phải giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị của di tích, nhất là gắn với phát triển du lịch tâm linh.
 Hưng Yên còn có Nhà lưu niệm Bác Hồ, Nhà tưởng niệm các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, cụ Hoàng Hoa Thám,  Đền thờ bà Hoàng thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đền, chùa nổi tiếng khác như: Đền thờ Tống Trân, Đền Trần, Đền Phù Ủng, Đền Chử Đồng Tử...; chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Nễ Châu... Mỗi đền, chùa là một kho tàng mỹ thuật sống động, với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đó là những không gian văn hóa truyền thống, không gian tâm linh hiện hữu nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể và đặc biệt hấp dẫn du khách bởi sự hài hòa cảnh trí thiên nhiên và hình khối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi.
Hưng Yên còn là địa phương có nhiều lễ hội đặc sắc. Toàn tỉnh có 364 lễ hội các loại, trong đó có 326 lễ hội dân gian, 22 lễ hội tôn giáo, 13 lễ hội tín ngưỡng, 3 lễ hội được bảo tồn theo dự án văn hóa phi vật thể, đó là lễ hội đền Đậu An xã An Viên (Tiên Lữ), lễ hội rước nước tại đền Đa Hòa xã Bình Minh, đền Hóa xã Dạ Trạch (Khoái Châu) và lễ hội Cầu mưa xã Lạc Hồng (Văn Lâm)... Hệ thống lễ hội này đã giới thiệu và chứng minh sinh động về vùng đất, con người Hưng Yên trong quá khứ và hiện tại, với những nét đặc trưng, những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của Hưng Yên nói riêng, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung.

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 15
Hôm qua : 366
Tháng 11 : 8.282
Năm 2024 : 230.777