BÀI HỌC THÂM THÚY TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI DO THÁI
Hãy đọc, suy ngẫm và liên tưởng đến thực tế cuộc sống để bản thân có thể lĩnh hội được bài học vô cùng sâu sắc của người Do Thái. Các câu chuyện này cho thấy, hầu hết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống hay công việc hàng ngày đều có thể giải quyết bằng một giải pháp đơn giản, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề mà thôi.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Hai người cùng chui ra khỏi ống khói, ai sẽ là người đi rửa mặt?
Có một anh sinh viên thành tích học tập rất tốt, không có môn nào bị dưới điểm A. Anh lại vô cùng ham học hỏi, thấy gì hay là muốn học liền. Một ngày nọ, anh đọc được vài trang trong cuốn sách Talmud – Trí tuệ của người Do Thái thấy hay quá, bèn quyết định đến tìm một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng ở thành phố nơi anh ta sống để xin được giảng dạy thêm.
Trước khi giúp anh sinh viên, giáo sĩ nói đây là quyển sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái, do đó ông sẽ thử kiểm tra trí thông minh của anh chàng bằng một câu hỏi, rồi mới quyết định có giúp anh nghiên cứu cuốn sách hay không.
Anh sinh viên đồng ý và giáo sĩ đặt câu hỏi:
– Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, một người mặt mũi sạch sẽ còn một người lại nhem nhuốc, dính đầy muội than. Ai sẽ là người đi rửa mặt?
Anh sinh viên nhanh nhảu đáp:
– Người mặt bẩn sẽ đi rửa mặt! Đây mà cũng được gọi là một câu hỏi ư?
Giáo sĩ thủng thẳng trả lời:
Anh sinh viên há miệng ngạc nhiên, xin thêm một cơ hội nữa. Giáo sĩ vẫn đưa ra câu hỏi y hệt ban đầu: “Có hai người đàn ông chui ra từ ống khói. Một người với khuôn mặt sạch sẽ, một người với khuôn mặt lấm lem. Hỏi ai sẽ là người đi rửa mặt trước?”.
Lần này, anh sinh viên trả lời: “Không phải vừa mới nói người mặt sạch đi rửa mặt đấy sao!”
Giáo sĩ chỉ cười rồi đáp:
– Cả hai cùng đi rửa mặt. Người mặt sạch nhìn thấy người mặt bẩn, nghĩ mặt mình cũng bẩn nên đi rửa mặt. Sau đó người mặt bẩn thấy người mặt sạch đi, cũng liền đi theo.
Anh sinh viên không biết nói năng ra làm sao nữa, bèn năn nỉ xin một câu hỏi khác. Vị giáo sĩ vẫn chỉ hỏi lại câu hỏi ban đầu.
– Trời ơi, rõ ràng nói hai người cùng đi rửa mặt mà!
Giáo sĩ lại lắc đầu, đáp:
– Vẫn chưa đúng. Chẳng ai trong số họ đi rửa mặt cả. Người mặt bẩn nhìn thấy người mặt sạch nên anh ta cũng nghĩ mình không bị nhem nhuốc, nên không đi rửa mặt. Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn không rửa mặt thế thì mình cũng cần gì phải rửa nữa.
Anh sinh viên không còn tin vào tai mình nữa. Tất cả câu trả lời của anh đều sai, anh cố đấm ăn xôi, năn nỉ giáo sĩ cho anh ta thêm một cơ hội cuối cùng. Giáo sĩ đồng ý và vẫn chỉ hỏi câu hỏi y: “Hai người đàn ông chui ra từ ống khói…”
Anh sinh viên tuyệt vọng gào lên:
– Sẽ không có ai trong số họ đi rửa mặt cả! Thầy vừa nói thế rồi mà!
Vị giáo sĩ cười ha hả đáp lời:
– Đây là một câu hỏi vô nghĩa, chẳng có lý gì khi hai người cùng chui ra từ một ống khói lại có người dính bẩn, người sạch sẽ cả!
Bài học: Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra bài học rằng: dù cho bạn có là người thông minh, tài giỏi đến mấy nhưng nếu cứ mãi mù quáng đi giải đáp những câu hỏi vốn đã sai hay bám đuổi theo những ảo tưởng, viễn vong thì chắc rằng sẽ chẳng có câu trả lời đúng hay đích đến nào dành cho bạn cả!
Hãy sống thực tế, thông minh, tài năng thôi chưa đủ, bạn còn cần phải có sự tỉnh táo trong cuộc sống. Hãy suy xét vấn đề một cách thấu đáo, đừng bị ý chí của người khác dẫn dụ vào cạm bẫy. Bạn nên hiểu rằng suy nghĩ đa chiều (critical thinking) luôn là một trong những kỹ năng rất quan trọng để quyết định sự trưởng thành và thành công của một con người.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI: Tên trưởng giả tham lam và cách xử lý tài tình của cô thôn nữ
Trong ngôi làng nọ của người Do Thái, một người nông dân do hoàn cảnh khó khăn đã mắc nợ món tiền lớn của tên trưởng giả trong làng.
Tên trưởng giả, dù rất già và xấu xí, lại luôn mơ tưởng về cô con gái trẻ đẹp của người nông dân. Vì vậy, hắn ta đề nghị một cuộc trao đổi.
Hắn nói rằng sẽ sẵn sàng từ bỏ khoản nợ kia nếu cưới được cô con gái. Hắn sẽ đặt một viên sỏi màu đen và một viên sỏi màu trắng vào một túi tiền rỗng. Sau đó, cô gái sẽ phải chọn một viên sỏi, có 3 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Nếu cô chọn phải viên sỏi màu đen, cô sẽ trở thành vợ hắn và nợ của cha cô sẽ được xóa hết.
Trường hợp 2: Nếu cô chọn phải viên sỏi trắng, cô không cần phải kết hôn với hắn và nợ của cha cô vẫn sẽ được xóa hết.
Trường hợp 3: Nếu cô từ chối chọn một trong hai viên sỏi, cha cô sẽ bị ném vào tù.
Khi đó, họ đang đứng trên một con đường rải đầy sỏi cạnh khu vườn của người nông dân. Khi nói chuyện, tên trưởng giả cúi xuống nhặt hai viên sỏi, và cô gái tinh mắt nhận thấy rằng hắn ta đã bỏ vào túi cả hai viên sỏi màu đen. Sau đó, hắn yêu cầu cô gái chọn một viên từ chiếc túi này.
Đứng trước lựa chọn khó khăn đó, cô gái Do Thái đã tìm ra cách xử lý tuyệt vời vừa cứu cha mình, vừa tự giải cứu chính bản thân khỏi tên trưởng giả xảo quyệt.
Và đây là cách mà cô ấy làm:
Cô đưa tay vào chiếc túi và rút ra một viên sỏi. Không để cho mọi người kịp nhìn thấy, cô lóng ngóng làm rơi nó xuống con đường vốn rải đầy sỏi và nó ngay lập tức bị lẫn mất giữa vô số các viên sỏi khác. "Ồ, làm thế nào bây giờ, tôi vụng về quá", cô nói.
"Nhưng không sao, nếu ngài nhìn vào viên sỏi còn lại trong túi, ngài sẽ biết màu của viên sỏi mà tôi đã chọn".
Tất nhiên, viên sỏi còn lại là màu đen, như vậy mặc nhiên viên sỏi cô gái đã chọn phải là màu trắng. Và khi đó, tên trưởng giả không thể nào thừa nhận sự ăn gian của mình và buộc phải xóa nợ cho gia đình người nông dân một cách vô điều kiện như đã hứa. Cô gái đã rất thông minh và linh hoạt xoay chuyển tình huống éo le, biến nó thành lợi thế của mình.
Bài học: Hầu hết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống hay công việc hàng ngày đều có thể giải quyết bằng một giải pháp đơn giản, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ và cách tiếp cận vấn đề mà thôi!
CÂU CHUYỆN THỨ BA: Cách tìm ra kẻ trộm tài tình của nhà thông thái Solomon
Có 3 người bạn đến Jerusalem, dọc đường họ cảm thấy do mang quá nhiều tiền, nên tốc độ bị chậm và sợ bọn cướp, nên tất cả cùng nhất trí chôn toàn bộ tiền của cả 3 cùng một chỗ, đợi kiếm được xe thì qua lấy lại sau.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, bọn họ phát hiện số tiền đã "không cánh mà bay", và chắc chắn thủ phạm chỉ có thể là 1 trong 3 người họ, vì chỉ họ mới biết chỗ chôn tiền.
Cãi nhau hồi lâu, tất nhiên là không ai chịu nhận đã lấy cắp tiền, tất cả cùng mang "vụ án" tới gặp Solomon, người thông thái nhất thành Jerusalem xin giúp đỡ.
Solomon ngay sau khi nghe xong câu chuyện, trả lời :
"Ta cũng đang có 1 vấn đề nan giải, phiền 3 vị nghe câu chuyện của ta trước, góp ý giúp ta rồi sau đó ta sẽ giải quyết giúp chuyện kia của các vị".
Và ngay sau đó, ông kể 1 câu chuyện cho 3 vị khách :
"Một cô gái được hứa gả cho một chàng trai và đã đính hôn ước. Nhưng không lâu sau, cô lại yêu một người khác. Thế là, cô đề nghị hủy hôn với vị hôn phu, đồng thời bằng lòng bồi thường cho anh một khoản tiền. Nhưng vì hạnh phúc của người mình yêu, chàng trai đã đồng ý hủy hôn mà không cần tiền bồi thường. Rồi chẳng bao lâu sau, cô gái bị một ông lão lừa và bắt làm con tin để đòi tiền chuộc. Vì muốn thoát thân, cô gái nói với ông lão:
"Vị hôn phu trước đây chẳng cần tiền bồi thường và đồng ý hủy hôn rồi, vì vậy, xin ông cũng nên làm thế với tôi". Vậy là ông lão cũng đồng ý để cô đi mà không lấy đồng nào."
Kể chuyện xong, Solomon hỏi: "Theo các vị, cô gái, chàng trai và ông lão, hành vi của ai là đáng khen nhất?".
Người đầu tiên nói: "Chàng trai hôn phu đáng khen nhất, vì đã trân trọng tình yêu với cô gái mà không cần tiền bồi thường".
Người thứ hai thì bảo: "Đó phải là cô gái, vì cô gái sẵn sàng vì tình yêu mà bất chấp tất cả, không ngại bồi thường tiền cho vị hôn phu".
Còn người thứ ba suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: "Câu chuyện thật vớ vẩn, tại sao ông lão bắt cóc cô gái để đòi tiền mà sau đó lại thả đi một cách vô lý như vậy chứ ?".
Ngay sau khi người thứ ba dứt lời, Solomon đã chỉ thẳng vào mặt hắn nói rằng: "Ngươi chính là kẻ trộm!", và hô người bắt anh ta lại.
Khi mọi người hỏi lý do, Solomon trả lời: "Đó là đòn tâm lý, trong câu chuyện tôi vừa kể, 2 người đầu tiên chỉ quan tâm tới tình tiết, nhân vật mà coi nhẹ đồng tiền, còn kẻ kia chỉ nghĩ đến chuyện tại sao ông lão lại phải thả cô gái mà không lấy tiền, chứng tỏ hắn có tâm hồn đồi bại".
Nghe xong tất cả đều cúi đầu thán phục ông lão, còn tên kẻ trộm sau đó cũng phải cúi đầu nhận tội.
Bài học: Đa phần chúng ta thường xét đoán mọi người dựa trên sự thật trước mắt, nhưng ông lão Do Thái kia đã dạy chúng ta rằng, nhiều khi những hành động, thái độ dù rất nhỏ cũng nói lên được bản chất con người.
Nguồn:https://tintuconline.com.vn và Https://Soha.vn
Sao chép liên kết