Tổng tuyển cử- Dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa - Bài 1: 1946, tại sao? (Báo điện tử: Tác phẩm đoạt giải A - Thanh Hà và nhóm phóng viên)
Tổng tuyển cử- Dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa - Bài 1: 1946, tại sao? (Báo điện tử: Tác phẩm đoạt giải A - Thanh Hà và nhóm phóng viên)
07.01.2016
Có những thời khắc lịch sử là sự kết tinh của cách mạng, chấm dứt đêm trường nô lệ của người dân mất nước, là thời khắc đầu tiên nhân dân thực hiện quyền dân chủ xây nên Nhà nước của mình, bắt đầu bình minh mới khi Việt Nam Rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Thời khắc ấy, tháng Giêng, năm 1946 khi toàn dân Việt Nam theo lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Chính phủ liên hiệp lâm thời Hồ Chí Minh.
“ Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta trên con đường mới mẻ. Ngày mai là ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta hưởng dụng quyền dân chủ của mình…
Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập…”.
Số đặc biệt của báo Quốc hội ra trong ngày Tổng tuyển cử (6.1.1946)
Thế hệ chúng tôi, những người sinh ra sau hai cuộc chiến tranh, khi đất nước phát triển trong hòa bình nhưng mỗi lần lật giở trang sử vàng dân tộc, ngày 6.1.1946 vẫn mãi là sử liệu quý giá, thấm đượm bản hùng ca của dân tộc anh hùng dựng nước và giữ nước.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới tiến hành trên cả nước trong điều kiện thù trong, giặc ngoài cấu kết ra sức phá hoại. Tổng tuyển cử thành công là chiến thắng của lòng dũng cảm, của một dân tộc kiên quyết đứng lên tự quyết định lấy vận mệnh đất nước mình; chiến thắng cho độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tổng tuyển cử là bước đi quyết định, là sự tiếp nối của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, ban hành Hiến pháp của một Nhà nước thực sự độc lập.
Trở lại với những mốc son lịch sử, ngay từ buổi bình minh đi tìm đường cứu nước, trong dòng chảy tư tưởng của mình về hình thành một Nhà nước pháp quyền cho Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Bây giờ nhìn lại chặng đường vẻ vang của dân tộc, chặng đường đi đến Nhà nước pháp quyền, thế hệ chúng tôi không khỏi xúc động, khâm phục và còn biết bao điều chưa thể tường tỏ… Trong nghiên cứu của mình, Bộ trưởng Bộ tư pháp (1946 - 1960) GS. Vũ Đình Hòe viết Đại hội Tân Trào: Hiến chính dân tộc dân chủ đã điểm lại những sự kiện lịch sử thể hiện tư tưởng Hiến chính về nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh… Ông còn nói rõ, tư tưởng Hiến chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã hình thành như thế nào suốt 30 năm Người bôn ba hải ngoại? Tư tưởng ấy mang những yếu tố cấu thành gì? Đó là vấn đề lớn vượt khả năng nghiên cứu của cá nhân…
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa I (6.1.1946) |
Bầu cử 1946 là bước đi đầu tiên của đất nước độc lập mà nhân dân tham gia quyền quyết định xây dựng nhà nước của mình. Gặp gỡ các vị lão thành cách mạng, khi trao đổi, phỏng vấn, chúng tôi luôn nhận được những tình cảm tri ân của thế hệ đi trước sẻ chia, dặn dò về những bài học lịch sử. Nguyên Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão xúc động khi nói về 70 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên:
“Tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất rõ ràng, sâu sắc. Ngay từ khi còn rất trẻ, Người đã khao khát được sống trong một đất nước độc lập tự chủ, một Nhà nước có nền dân chủ pháp quyền. Có thể nói cái đau đáu trong tư tưởng, trong trái tim của người là luôn luôn khao khát về một nền độc lập và xây dựng một Nhà nước pháp quyền cho dân tộc mình”.
Sẽ là thiếu sót khi thế hệ chúng tôi suy nghĩ, sẻ chia những tình cảm của mình về những bài học lịch sử từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên mà chưa có dịp tìm hiểu cặn kẽ hơn tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền mà Hồ Chí Minh dày công vun đắp.
Không phải là những triết lý sâu xa mà là cách nói, cách viết rất giản dị, gần gũi với đồng bào mình, dân tộc mình, nhưng đanh thép với kẻ thù và đặt trọn niềm tin về một chính quyền của dân. Thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo khi đề cập đến bản chất Nhà nước của nhân dân được hình thành và xây dựng. Điều mà sau này khi chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền Bác căn dặn:
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Tư tưởng vì dân là tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng ấy thống nhất trong lời nói việc làm và là mục tiêu xuyên suốt sự nghiệp chiến đấu vì nhân dân mình và công hiến cho nhân loại. Và ngay trong những ngày đầu đấu tranh giành chính quyền, Bác đã chỉ rõ trong Sắc lệnh xác lập thể chế đất nước:
“ … Nước Việt Nam sẽ theo thể chế dân chủ cộng hòa - và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân Đại hội bầu theo lối phổ thông, đầu phiếu cử lên".
Các báo rầm rộ đưa tin Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên |
Trong bộn bề của nhịp sống hiện đại, sâu thẳm trong lòng mình, câu hỏi lớn cho lớp trẻ chúng tôi khi trăn trở về giá trị sống cho mình, cho nhân dân mình và sức mạnh của dân tộc mình. Điều gì làm nên thắng lợi tổng tuyển cử để xây dựng nhà nước của nhân dân thực sự bắt đầu bằng cuộc Tổng tuyển cử lịch sử 6.1.1946? Khởi đầu sức mạnh đấu tranh chính trị pháp lý xây dựng chính quyền nằm ở đâu? Chúng tôi lại nhớ những lời căn dặn của Bác: “Nước lấy dân làm gốc” và "Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”… “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết”.
Trò truyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về tuyên ngôn của một nhà nước non trẻ bước ra từ cuộc cách mạng giành độc lập, giải phóng dân tộc bị áp bức, bóc lột, Ông cho biết:
“Theo tôi, khát vọng độc lập gắn với dân chủ ở đây, được Bác Hồ gắn với ba chữ, mà ba chữ ấy nó trở thành tuyên ngôn của Nhà nước “ độc lập - tự do - hạnh phúc”. Độc lập là đối với dân tộc mình; tự do - hạnh phúc là đối với nhân dân. Vì thế, mà Bác còn giải thích rất rõ qua câu nói: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.
Trong bài viết Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôn lại: “Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với bao khó khăn chồng chất, lại giám tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ như nước Việt Nam ta hồi ấy. Thấy một số đồng chí tỏ vẻ lo lắng cuộc tổng tuyển cử sẽ không kết quả, do trình độ nhân dân ta lúc bấy giờ quá thấp, Bác Hồ với lòng tin tuyết đối vào lòng yêu nước của nhân dân, đã khẳng định: Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công”.
Cuộc tổng tuyển cử bầu ra QH là cơ quan quyền lực cao nhất, đó là bước phát triển cao của cách mạng trong thời gian 1945 - 1946. Cơ quan QH đấy có quyền lực tối cao quyết định Chính phủ, quyết định Hiến pháp và các điều cơ bản khác... - GS Lê Mậu Hãn chia sẻ.
Năm 1946, thời cơ, thời điểm cho cuộc đấu tranh chính trị pháp lý không khoan nhượng đã mang lại thắng lợi vinh quang cho nhân dân Việt Nam. Và rõ ràng, Cánh mạng tháng Tám giành chính quyền, Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2.9 là những bước đi quyết định cho tiến hành thắng lợi tổng tuyển cử đầu tiên. Cuộc tổng tuyển cử khơi nguồn sức mạnh đại đoàn đoàn kết dân tộc, cho lòng dũng cảm, sáng tạo, kiên cường xây dựng, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh toàn tập T1, T4.
- Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960
- Báo Đại biểu nhân dân số 258 - 260
Thanh Hà và nhóm Phóng viên
Nguồn: Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân