Tìm hiểu về "Đạo đức, lối sống và vai trò của đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội"

(tuyengiaohungyen.vn)

I. Đạo đức, lối sống

1. Khái niệm

1.1.Đạo đức

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đạo đức được hiểu “Là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù họp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”[1].

Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức dần biến đổi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là các giá trị đạo đức cũ hoàn toàn mất đi, thay vào đó là các giá trị đạo đức mới. Các giá trị đạo đức ở Việt Nam hiện nay là sự kết hợp sâu sắc truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với xu hướng tiến bộ của thời đại, của nhân loại. Đó là tinh thần cần cù, sáng tạo, yêu lao động; tình yêu quê hương, đất nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, có lối sống văn minh, lành mạnh; có tinh thần nhân đạo và tinh thần quốc tế cao cả.

1.2. Lối sống

Theo Phạm Hồng Tung: “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”[2].

Như vậy, lối sống là một thói quen có định hướng, là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hóa, đặc trưng văn hóa của con người hay cộng đồng. Lối sống phụ thuộc vào thời đại con người đang sống, với các điều kiện vật chất, kinh tế, các quan hệ xã hội, các thói quen, tập quán, tục lệ của thời đại đó.

Bên cạnh khái niệm lối sống, hiện nay chúng ta cũng bàn nhiều đến khái niệm lối sống mới. “Lối sống mới là phương thức sống của con người thể hiện ở sự lựa chọn các hoạt động và cách thức thực hiện các hoạt động đó mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện trên các lĩnh vực đức, trí, thể, mỹ”[3].

2. Cấu trúc của đạo đức

Đạo đức là một hiện tượng xã hội có cấu trúc phức tạp, bao gồm: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.

Ý thức đạo đức: “Là ý thức về hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực hành vi phù hợp với những quan hệ đạo đức đã và đang tồn tại. Mặt khác, nó còn bao hàm cả những cảm xúc, những tình cảm đạo đức của con người”[4]. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, ý thức đạo đức là sự thể hiện thái độ nhận thức của con người trước hành vi của mình trong sự đối chiếu với hệ thống chuẩn mực hành vi và những quy tắc đạo đức xã hội đặt ra; qua đó giúp con người tự giác điều chỉnh hành vi và hoàn thành một cách tự giác, tự nguyện những nghĩa vụ đạo đức. Về mặt cấu trúc, ý thức đạo đức gồm tình cảm đạo đức, tri thức đạo đức, lý tưởng đạo đức, ý chí đạo đức. Trong đó, tình cảm thể hiện cảm xúc của con người trước hiện tượng đạo đức, tri thức đạo đức giúp con người lựa chọn cái gì nên làm và cái gì không nên làm; lý tưởng đạo đức quyết định phương hướng, mục đích hoạt động của con người và ý thức đạo đức là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn, trở ngại để thực hiện hành vi đạo đức.

Hành vi đạo đức: “Là một hành động tự giác được thúc đẩy bởi một động cơ có ý nghĩa về mặt đạo đức”[5]. Cụ thể hơn, hành vi đạo đức là những cử chỉ, những việc làm của con người trong các mối quan hệ xã hội phù hợp với ý thức đạo đức, với các chuẩn mực và các giá trị đạo đức.

Để phân biệt một hành vi đạo đức hay phi đạo đức, không chỉ căn cứ vào kết quả của hành vi mà còn phải căn cứ vào động cơ của hành vi. Hành vi đạo đức phải có nguyên nhân vì lợi ích của người khác, của xã hội và mục đích cũng là mang lại lợi ích cho người khác, cho xã hội.

Quan hệ đạo đức: Là hệ thống những quan hệ xã hội, tác động qua lại giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội xét về mặt đạo đức. Quan hệ đạo đức vận động, biến đổi theo quá trình phát triển của xã hội, trong phạm vi một hình thái kinh tế - xã hội hay hệ giá trị đạo đức của một giai cấp cũng có sự vận động, phát triển. Quan hệ đạo đức có các đặc tính là tính tự giác và tính tự nguyện. Tính tự giác thể hiện ở sự nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mỗi nguời trong những tình huống cụ thể khi tham gia vào quan hệ đạo đức. Tính tự nguyện thể hiện ở nhu cầu và ham muốn của bản thân mỗi người trong quan tâm, tương trợ, giúp đỡ nguòi khác...

Ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức và hành vi đạo đức là những yếu tố cấu tạo nên cấu trúc đạo đức, không tồn tại độc lập, mà có quan hệ biện chứng với nhau.

- Thứ nhất, ý thức đạo đức không thể hình thành ngoài quan hệ đạo đức và ngược lại, quan hệ đạo đức không thể không được định hướng, điều chỉnh bởi ý thức đạo đức.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, ý thức đạo đức hình thành trên cơ sở phản ánh các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội. Ý thức đạo đức nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội mà trước hết là nhu cầu phối hợp hoạt động trong lao động sản xuất vật chất. Sự phát triển của sản xuất dẫn đến sự phát triển của các quan hệ xã hội và kéo theo sự phát triển của quan hệ đạo đức, làm cho chúng ngày càng đa dạng, phức tạp hơn. Các chuẩn mực của đạo đức được hình thành trong quá trình con người giao tiếp với nhau, chúng được củng cố do sự công nhận giá trị theo quan điểm lợi ích phổ biến đối với giai cấp nhất định. Quan hệ đạo đức càng đa dạng, phức tạp càng là môi trường tốt cho con người hình thành ý thức đạo đức sâu sắc và toàn diện. Ngược lại, quan hệ đạo đức hạn chế thì ý thức đạo đức cũng mắc phải những những khuyết điểm nhất định và vì vậy con người không thể phát triển toàn diện nhân cách của mình.

Ý thức đạo đức hình thành, phát triển, hoàn thiện thông qua việc phản ánh quan hệ đạo đức và khi đã hình thành, ý thức đạo đức quay trở lại chi phối, điều chỉnh quan hệ đạo đức. Quan hệ đạo đức có bền vững hay không tùy thuộc trình độ của ý thức đạo đức, vào sự lựa chọn lời nói, cử chỉ, hành vi trong mối quan hệ ở từng hoàn cảnh nhất định có phù hợp hay không. Ý thức đạo đức càng cao thì quan hệ đạo đức càng được củng cố, bền chặt hơn và ngược lại.

- Thứ hai, ý thức đạo đức là điều kiện để thực hiện hành vi đạo đức, còn hành vi đạo đức là quá trình hiện thực hóa ý thức đạo đức trong cuộc sống.

Ý thức đạo đức là điều kiện để thực hiện hành vi đạo đức vì không có ý thức đạo đức thì không thể có hành vi đạo đức. Trong đó, tri thức đạo đức xác định giới hạn cho hành vi đạo đức, tình cảm đạo đức là động cơ chủ yếu của hành vi, lý tưởng đạo đức định hướng cho hành vi, ý chí đạo đức là sức mạnh bên trong thúc đẩy con người thực hiện hành vi đạo đức. Thiếu một trong những thành tố của ý thức đạo đức con người không thể thực hiện hành vi đạo đức.

Ngược lại, ý thức đạo đức phải được thể hiện bằng hành động mới đem lại lợi ích xã hội. Con người có đạo đức hay không phải căn cứ vào những hành vi cụ thể. Thông qua quá trình thực hiện những hành vi đạo đức thường xuyên, liên tục, ý thức đạo đức của mỗi người ngày càng được bồi dưỡng, củng cố trở nên hoàn thiện hơn.

-Thứ ba, hành vi đạo đức thể hiện thông qua quan hệ đạo đức, bởi hành vi đạo đức là những cử chỉ, những việc làm của con nguời trong các quan hệ phù hợp với ý thức đạo đức, với các chuẩn mực và các giá trị của đạo đức. Hành vi đạo đức không thể tách rời các quan hệ xã hội, quan hệ đạo đức. Ngược lại, quan hệ đạo đức là cơ sở cho hành vi đạo đức, tùy từng mối quan hệ, con nguời xác định và thực hiện những hành vi phù hợp.

3.Chức năng của đạo đức

- Chức năng giáo dục: Thông qua giáo dục đạo đức góp phần hình thành những quan điểm cơ bản nhất, những nguyên tắc, quy tắc và chuẩn mực đạo đức trong từng con người cụ thể; giúp con nguời xác lập khả năng lựa chọn, đánh giá các hiện tuợng xã hội. Trên cơ sở ấy, con người tự xem xét, đánh giá đuợc tư cách, ý thức và hành vi của bản thân. Nói cách khác, chức năng giáo dục của đạo đức chính là làm giàu thêm “tính người” cho mỗi con người, được thực hiện thông qua quá trình giáo dục của xã hội và tự giác của mỗi cá nhân.

- Chức năng điều chỉnh hành vi: Đây là chức năng quan trọng nhất, nhưng đó không phải là đặc quyền của đạo đức, bởi trong xã hội, con người tạo ra rất nhiều phương thức điều chỉnh hành vi của mình như: pháp luật, hương ước... Mục đích điều chỉnh hành vi của đạo đức nhằm bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích cộng đồng và cá nhân.

Chức năng điều chỉnh hành vi của đạo đức được thực hiện chủ yếu bằng hai phương thức: Một là, sử dụng sức mạnh của dư luận để động viên, khuyến khích những chủ thể có đạo đức và hành vi tốt đẹp, đồng thời, phê phán, lên án nghiêm khắc những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến người khác, đến cộng đồng. Hai là, bản thân chủ thể đạo đức phải tự nguyện, tự giác điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

- Chức năng nhận thức: Chức năng nhận thức của đạo đức bao gồm nhận thức và tự nhận thức, bởi nhận thức của đạo đức là quá trình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhận thức hướng ngoại lấy chuẩn mực, giá trị, đời sống đạo đức xã hội làm đối tượng, là quá trình cá nhân đánh giá, tiếp thu hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội. Tự nhận thức là quá trình tự đánh giá, tự thẩm định, tự đối chiếu những nhận thức, hành vi đạo đức của mình với chuẩn mực giá trị chung của cộng đồng. Bằng hai quá trình nhận thức ấy con người đi đến sự nhận biết, phân biệt những giá trị: đúng - sai, tốt - xấu, thiện - ác... hướng tới giá trị bao quát chân, thiện, mỹ. Từ nhận thức này, chủ thể hình thành và phát triển thành các quan điểm và nguyên tắc sống của mình.

Ba chức năng của đạo đức có quan hệ chặt chẽ với nhau, sự vận hành của chức năng này là tiền đề, điều kiện của sự vận hành chức năng khác. Từ đó, con người mới có khả năng lựa chọn, đánh giá đúng đắn các hiện tượng đạo đức xã hội cũng như tự đánh giá những suy nghĩ, những hành vi của bản thân để điều chỉnh hành vi theo đúng chuẩn mực đạo đức xã hội.

4. Vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội

Lịch sử xã hội loài người đã khẳng định tầm quan trọng của đạo đức trong quá trình tổ chức thiết lập, duy trì trật tự, ổn định và phát triển xã hội. Tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội mà sự tác động của đạo đức đến cá nhân và xã hội có khác nhau. Vai trò của đạo đức được thể hiện như sau:

- Đạo đức là một trong những phương thức cơ bản để điều chỉnh hành vi con người, một sự điều chỉnh hoàn toàn tự nguyện, tự giác, không vụ lợi trong một phạm vi rộng lớn.

- Đạo đức góp phần nhân đạo hóa con người và xã hội loài người, giúp con người sống thiện, sống có ích.

- Đạo đức thể hiện bản sắc dân tộc trong quan hệ quốc tế, là cơ sở để mở rộng giao lưu giữa các giá trị văn hóa của dân tộc, quốc gia với các dân tộc, quốc gia khác.

- Đạo đức góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

II. Giáo dục đạo đức, lối sống

1. Khái niệm

Giáo dục đạo đức, lối sống là quá trình biến các chuẩn mực đạo đức, lối sống từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội thành những đòi hỏi bên trong của mỗi cá nhân, thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục.

Giáo dục đạo đức, lối sống trong phạm vi cuốn sách này đề cập đến bao gồm giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan, giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục các phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người cho học sinh, sinh viên.

2. Vai trò của giáo dục đạo đức, lối sống

Giáo dục đạo đức, lối sống giúp cho mỗi cá nhân nâng cao trình độ nhận thức về các giá trị đạo đức, lối sống từ đó tự điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, lối sống của xã hội.

Giáo dục đạo đức, lối sống góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị đạo đức mà các thế hệ trước đã tạo dựng; đồng thời góp phần tích cực trong việc giáo dục hình thành những giá trị đạo đức, lối sống mới, khắc phục những quan điểm lạc hậu, sự lệch chuẩn các giá trị đạo đức truyền thống, những thói hư tật xấu hay những hiện tượng phi đạo đức.

Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ làm cho con người nhận thức đúng các chuẩn mực đạo đức, các giá trị đạo đức, lối sống mà còn thông qua đó để hình thành niềm tin và tình cảm đạo đức. Trên cơ sở đó giúp con nguời nhận ra giá trị của các giá trị đạo đức, nhận thấy giá trị và ý nghĩa cuộc sống mang tính nhân bản, nhân ái, nhân văn sâu sắc, góp phần nhân đạo hóa con người và đời sống xã hội. Trong chiến luợc phát triển con người, Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò giáo dục đạo đức, lối sống cho cho học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng góp phần:

- Hoàn thiện nhân cách cho học sinh, sinh viên thực hiện tốt những bổn phận đạo đức của bản thân đối với việc học tập, rèn luyện, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

- Nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

- Bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên tình cảm cách mạng trong sáng.

-  Bồi dưỡng ý chí, hành động đúng, hình thành những thói quen đạo đức, lối sống đặc biệt là ý thức trách nhiệm công dân.

- Đấu tranh khắc phục, ngăn chặn những biểu hiện thiếu đạo đức trong tư tưởng, tình cảm, hành động của học sinh, sinh viên. Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội.

- Nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh, sinh viên; đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.

Giáo dục đạo đức, lối sống có vai trò rất lớn trong việc hình thành ý thức, tình cảm cũng như các hành vi đạo đức của con người nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trước nhiều biến động phức tạp của đạo đức xã hội; trước những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên thì công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên càng trở nên quan trọng.


[1] Mai Văn Bính (Chủ biên), Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Mai, Lưu Thu Thủy. Giáo dục công dân 10, Nxb Giáo dục Việt Nam (2014).

[2] Phạm Hồng Tung. Nghiên cứu về lối sống: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn 23 (2007).

[3] Nguyễn Thị Thanh Hà. Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2014.

[4] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Khoa Triết học, Giáo trình đạo đức học, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội (2004).

[5]  Lê Văn Hồng (Chủ biên), Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thăng. Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1998.

Theo sách "Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tỉnh Hưng Yên".

Tác giả: ad. Administrator
Nguồn:http://tuyengiaohungyen.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 59
Hôm qua : 270
Tháng 12 : 3.329
Năm 2024 : 236.370