ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH - 90 NĂM RÈN LUYỆN VÀ TRƯỞNG THÀNH
1. Các tên gọi của Đoàn qua các thời kỳ lịch sử
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã mang nhiều tên gọi khác nhau, cụ thể:
- Từ 1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
- Từ 1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
- Từ 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.
- Từ 1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
- Từ 1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.
- Từ 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
- Từ 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
2. Những cống hiến của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh qua 90 năm rèn luyện và trưởng thành
Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh, hy sinh vì Tổ quốc, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Tháng 7 năm 1936, Hội nghị Trung ương Đảng đã đề ra đường lối chuyển hướng nhiệm vụ từ đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương tiếp nối truyền thống của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, tích cực vận động thanh niên đấu tranh chống thực dân, đế quốc, phản động tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trong tình hình mới, Tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn Thanh niên Phản Đế Đông Dương.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ra đời tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó do Đảng, Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Thời gian độc lập không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh. Tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến là tuổi trẻ Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập các Đội Thanh niên xung phong cảm tử, thanh niên tự vệ kiên quyết đánh trả kẻ thù. Tại Thủ đô Hà Nội trong suốt 60 ngày đêm, nhiều chiến sĩ với tuổi đời còn rất trẻ đã ôm bom ba càng chặn xe tăng giặc ngay trên đường phố...
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên (từ ngày 07 đến ngày 14 tháng 2 năm 1950) với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Phát huy tinh thần của Đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào “Tòng quân giết giặc lập công” phát triển khắp mọi nơi. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, tháng 5 năm 1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 19 tháng 10 năm 1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 1956 Bác Hồ đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”. Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng. Trong những ngày đồng khởi, các đội “Trung kiên”, “Xung phong” do thanh niên đảm nhận đã được thành lập ở khắp mọi nơi, tiến hành vây đồn, lấy bốt, trừ gian, phá ấp chiến lược...
Các cụ phụ lão huyện Văn Giang (Hưng Yên) tặng gậy Trường Sơn, chúc các chàng trai lên đường ra tiền tuyến hưởng ứng phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng" (8/1964) sau khi Mĩ mở rộng đánh phá miền Bắc bằng không quân (Ảnh: TTXVN)
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 3 năm 1961), đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước, ở miền Bắc, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”.
Thanh niên hưởng ứng "Ba sẵn sàng" - nguồn ảnh ĐHSP Hà Nội |
Tháng 02 năm 1965, Đại hội Đoàn Thanh niên toàn miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong”, sau một thời gian ngắn, có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào này. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Bảy dũng sĩ Điện Ngọc (Quảng Nam) anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc”; Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù.
Lực lượng thanh niên xung phong miền nam bốc dỡ hàng hóa, đạn dược phục vụ chiến đấu. Ảnh tư liệu
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một Đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng vĩ đại ấy, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên trên khắp các mặt trận. Sau ngày thống nhất nước nhà, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 11 năm 1980). Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11 năm 1987), Đại hội đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 15 đến 18 tháng 10 năm 1992; tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI (tháng 02 năm 1993) đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là: “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 11 năm 1997 đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định chọn là “Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.
Đoàn viên, thanh niên tham gia vớt bèo, khơi thông dòng chảy tại xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động (Hưng Yên) - Ảnh: Phan Kiên - TTXVN
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII từ ngày 08 đến ngày 11 tháng 12 năm 2002 với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện” đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng xiết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17 đến 21 tháng 12 năm 2007. Đại hội đã khẳng định: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu thực sự trở thành người bạn thân thiết của thanh niên, định hướng cho thanh niên đến với lý tưởng cách mạng và những giá trị cao đẹp, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào, các cuộc vận động và các hoạt động của Đoàn đều phải hướng tới mục tiêu tập hợp, đoàn kết, giáo dục thanh niên, tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho thanh niên rèn luyện và tự khẳng định, vì sự tiến bộ của thanh niên và sự phát triển của đất nước. Mục tiêu chung của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 - 2012 là: Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hoá cho thanh thiếu nhi; xây dựng Đoàn vững mạnh; tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam xung kích “Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhằm cụ thể mục tiêu trên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung triển khai hai phong trào lớn là “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017 là Đại hội của khát vọng tuổi trẻ. Đại hội được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 12 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định tiếp tục triển khai 02 phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” (có điều chỉnh, bổ sung các nội dung của hai phong trào để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới) nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ Đại hội, nhiều phong trào lớn của Đoàn được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội như phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị”, các phong trào học sinh, sinh viên như: “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, “Sinh viên 5 tốt”; hay phong trào thi đua “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ”... Phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng với các hoạt động nổi bật, ý nghĩa như Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, các hoạt động tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, các hoạt động tình nguyện của y, bác sĩ trẻ, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... Nhiều chương trình, cuộc vận động hướng về biển đảo thu hút sự quan tâm, tham gia của tuổi trẻ cả nước như: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”, “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi”... với nội dung có nhiều đổi mới, sáng tạo đã thu hút được đông đảo thanh niên tham gia, được xã hội ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng tích cực tham gia vào nhiều sự kiện, hoạt động chính trị, đối ngoại quan trọng của tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới, góp phần vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa thế hệ trẻ Việt Nam với các nước trên thế giới, trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc tham gia vào quá trình hội nhập của đất nước.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 12 năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội, với khẩu hiệu hành động “Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”. Đại hội biểu thị quyết tâm thực hiện mục tiêu công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022: “Xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên. Xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh, tập hợp đoàn kết đông đảo thanh niên, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nâng cao trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Phát huy thanh niên xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, trọng tâm là giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên. Tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”; “Tuổi trẻ sáng tạo”; “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù. Toàn Đoàn triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”;“Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”, góp phần phát triển thanh niên toàn diện, khẳng định vai trò của Đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Thu hút, tập hợp, giáo dục thanh niên qua phong trào góp phần phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của thanh niên, tạo môi trường thực tiễn rộng lớn, phong phú để giáo dục, rèn luyện, phát huy thanh niên.
Nguồn:Tài liệu tuyên truyền kỉ niệm 90 năm thành lập Đoàn TN CS HCM (1930 - 2021)
Sao chép liên kết