Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị trường tồn của dân tộc Việt Nam

Bác đã khảo sát các học thuyết chủ nghĩa trong suốt 30 năm bôn ba xứ người để cuối cùng nhận ra, chủ nghĩa chân chính nhất để theo đuổi là chủ nghĩa Marx-Lenin.

Rời Bến cảng Nhà Rồng, 110 năm về trước, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành ra đi với một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng là giành “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.”

Cuộc ra đi này kéo dài 30 năm để rồi khi tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc, Người đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để có được cơ đồ như ngày hôm nay.

Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) đầu thế kỷ XX. Từ nơi này, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Những bài học lớn

Nhìn lại sự kiện lịch sử quan trọng ngày 5/6/1911 - Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác đem đến những bài học lớn, trong đó có một bài học vô cùng quan trọng về mục đích và động cơ.

Xuất phát từ mục đích vĩ đại, một động cơ cao thượng, Bác đã nung nấu quyết tâm ra đi. Bác tìm đường cứu nước chỉ vì dân, cứu nước để cứu dân, yêu nước để thương dân. Đây cũng là bài học về đạo đức Người để lại cho nhân dân.

“Nhờ có đạo đức như thế Bác mới có sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi thử thách, khó khăn, kể cả hiểm nguy, những thử thách sống còn, trải nghiệm được những thành bại trong thời điểm khắc nghiệt của lịch sử.

Bài học đạo đức hiện nay rất quan trọng, gợi ý cho chúng ta trong vấn đề đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Bác không chỉ để lại bài học về đạo đức, đó còn là bài học về học thuyết và lý luận.

Bác đã khảo sát các học thuyết chủ nghĩa trong suốt 30 năm bôn ba xứ người để cuối cùng nhận ra, chủ nghĩa chân chính nhất để theo đuổi là chủ nghĩa Marx-Lenin.

Người hiểu rõ, nếu không có lý luận tiên phong dẫn đường thì không thể làm tròn sứ mệnh tiên phong của Đảng lãnh đạo cầm quyền.

Bài học thứ ba mà theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo là rất quan trọng, đó là Bác ra đi tìm đường cứu nước để sớm tiếp cận tư tưởng đổi mới, tư tưởng hội nhập để phát triển. Đến nay, bài học này đã được thực tiễn chứng minh tính đúng đắn.

“Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững thì không có cách nào khác là phải tiếp cận đến xu thế toàn cầu hóa. Điều này đã trở thành phổ biến.

Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động hội nhập sâu vào đời sống thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Chính con đường hội nhập ấy giúp chúng ta có điều kiện tiếp cận tinh hoa nhân loại, biến sức mạnh ngoại sinh thành sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững.

Tư tưởng đổi mới hội nhập của Bác bắt đầu từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị,” Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhận xét.

Liên hệ về mặt lý luận giữa hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề: “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,” Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng Hồ Chí Minh trở thành một nhà tư tưởng cách tân, sáng tạo và đổi mới từ rất sớm.

Người tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin một cách sáng tạo, không giáo điều, không biệt phái. Muốn đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và giữ vững được con đường phát triển của Việt Nam, không có cách nào khác là phải học tập bản lĩnh sáng tạo của Hồ Chí Minh. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết của mình.

Thành quả bắt đầu từ hành trình

Đánh giá về giá trị, ý nghĩa của cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác trong bối cảnh hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định thành quả của đất nước ta ngày nay bắt đầu từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

Sau 10 năm kể từ khi bắt đầu hành trình ra đi của mình, năm 1921, đến với Chủ nghĩa Marx-Lenin, Bác đã giải quyết được sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối của dân tộc ta khi đó; đặc biệt là khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định được vai trò lãnh đạo của Đảng.

Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có một Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tập hợp để tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Nhấn mạnh khát vọng giải phóng, khát vọng phát triển trong tư tưởng, hành động của Bác, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong cho rằng những khát vọng này xuyên suốt từ lúc Bác ra đi đến khi Bác trở về dẫn dắt nhân dân Việt Nam đến với con đường giải phóng dân tộc.

Theo đó, trong toàn bộ hành trình ra đi tìm đường cứu nước, khát vọng giải phóng luôn cháy bỏng trong tim Người.

Khi trở về, Người lồng ghép khát vọng đó với khát vọng phát triển đất nước. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở thời kỳ đỉnh cao nhất, ngày 17/7/1966, Bác đã viết Lời kêu gọi: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!."

Tư tưởng đó, khát vọng đó đã được thể hiện trong suốt 4 năm Người viết di chúc, từ năm 1965 đến 1969. Bác từng viết:

Còn non, còn nước còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay."

Bác cũng khẳng định những khát vọng đó trong mong muốn cuối cùng của mình: “Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới."

Lý giải câu chuyện vì sao Bác thành công trên hành trình tìm đường cứu nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong cho rằng hành trình tìm đường cứu nước của Bác thể hiện tính độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Ngay từ thời đó, Bác đã phát hiện ra một điều rất căn cốt trong sự thất bại các phong trào cứu nước.

Những sỹ phu yêu nước khi đó đều mang tư tưởng ỷ lại vào một lực lượng từ bên ngoài. Với bản lĩnh, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, một tầm nhìn, sự mẫn cảm chính trị, Bác thấy rằng không thể dựa vào ai được mà phải tự dựa vào mình.

Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ từ Trung Quốc về nước và ở tại Pác Bó (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. (Tranh tư liệu/TTXVN phát)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong cũng nhắc đến một chi tiết đặc biệt, tháng 9 năm 1905, cậu bé Nguyễn Tất Thành, khi lần đầu tiên đặt chân đến trường tiểu học Pháp-bản xứ, được biết đến khẩu hiệu: Tự do-Bình đẳng-Bác ái, đã mang trong mình một mối hoài nghi. Sự hoài nghi này là có căn cứ bởi, nhìn đâu trong xã hội lúc bấy giờ cũng chỉ có sự áp bức, bóc lột, chế độ phong kiến nô lệ hiện hữu. Mối hoài nghi đó ngày càng lớn dần, để rồi, ở tuổi 21, người thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành quyết định ly hương, tìm kiếm câu trả lời.

Trả lời câu hỏi vì sao Bác chọn nước Pháp, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng Bác đi về phương Tây, trực tiếp đến nước Pháp - quốc gia của những tên thực dân đã đến xâm lược Việt Nam - để tìm hiểu, vì Bác hiểu rõ, phải đánh đổ thực dân mới giải phóng được dân tộc mình.

Việc chọn đường đi của Bác là một bản lĩnh sáng tạo. Bác khám phá một hướng đi hoàn toàn mới, không lệ thuộc, không nhắc lại những tư tưởng cũ, cũng không lặp lại đường mòn lối cũ.

Bên cạnh đó, không chỉ chọn đúng hướng đi mà Bác còn chọn đúng cách đi bằng lao động, bằng vô sản hóa. Thông qua lao động bằng nhiều nghề khác nhau, từ phụ bếp trên tàu viễn dương, thợ ảnh, phục vụ khách sạn, phóng viên... Bác học tập, đấu tranh để cuối cùng trở thành một lãnh tụ của dân tộc, một vĩ nhân của thế giới.

“Bác Hồ của chúng ta là một người cộng sản đích thực và chân chính nhưng cũng là một người dân tộc, một người yêu nước vô hạn. Giữa dân tộc với cộng sản, ở Bác là một hình mẫu của sự hài hòa.

Chính điều ấy cho thấy hiệu ứng rất lớn của Hồ Chí Minh là giá trị trường tồn của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp ngày nay của chúng ta,” Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong khẳng định, khi Bác Hồ đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, Bác đã có sự so sánh, nghiên cứu giữa các học thuyết, chủ nghĩa, tư tưởng khác nhau.

Bác đi đến tận ngọn nguồn của nền văn minh lúc đó và cuối cùng nhận thấy rằng, chỉ có Chủ nghĩa Marx-Lenin là chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Bởi vì chủ nghĩa đó đã và sẽ giúp thực hiện sự giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Thực tế lịch sử đã cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn đúng con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam.

Trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, kiên định với mục tiêu giành độc lập, tự do cho nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, ngày 28/1/1941, đã trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trách nhiệm của lớp trẻ

Trải qua biết bao gian khó, hy sinh, dân tộc Việt Nam, dưới ánh sáng dẫn đường của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã thoát khỏi ách áp bức nô lệ, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập tự do, xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. (Ảnh: TTXVN)

Tại nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng, hay trong các cuộc gặp gỡ đông đảo cử tri, nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay."

Nhận định đó đã chính thức được đưa vào văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tự hào về thành quả đã đạt được, nhưng giữ vững và phát huy những thành quả đó, đưa đất nước tiếp tục bứt phá, vươn lên, đó là mong muốn, là khát vọng của từng người dân đất Việt.

Lớn lên ở Thành phố mang tên Bác, tự hào có ngày sinh trùng với ngày sinh của Bác (19/5), Nguyễn Minh Hiếu, sinh viên năm cuối ngành Chính trị học, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ của Học viện, đã cùng Ban Chủ nhiệm tổ chức cho các thành viên Câu lạc bộ tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; các buổi sinh hoạt, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đăng ký thực hiện các nội dung học tập Bác trong cuộc sống hàng ngày...

Sinh viên Nguyễn Minh Hiếu cho rằng trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam là nỗ lực học tập, cống hiến cho công cuộc xây dựng, phát triển Tổ quốc, sao cho xứng với tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở góc độ là giảng viên trẻ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, đồng thời cũng là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của Học viện, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: Ngay từ nhỏ, bản thân anh đã thích nghiên cứu, tìm hiểu các câu chuyện liên quan đến Bác Hồ.

Sau này, khi tham gia làm công tác giảng dạy, anh có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về nội dung này. Anh luôn mong muốn lan tỏa những điều mình đã tìm hiểu, nghiên cứu được đến đoàn viên thanh niên hay các học viên của mình.

Anh Hoàng cho biết: “Để lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua Đoàn Thanh niên Học viện đã tham mưu cho Ban Giám đốc Học Viện thực hiện nhiều cuộc thi cũng như các chương trình giao lưu để lại tiếng vang trong Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tiêu biểu như Cuộc thi Hành trình theo chân Bác thu hút hơn 600 cán bộ, công chức, viên chức tham gia; hay Hội thi 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… thông qua hình thức sân khấu hóa. Để các thí sinh có kiến thức, có chất liệu khi triển khai bài thi của mình, Đoàn trường đã tổ chức những hành trình về nguồn tại nhà số 5 ở Châu Văn Liêm (quận 5), Bến Nhà Rồng…

Sống và làm việc, gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh, anh Hoàng cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của một thành phố năng động, luôn đi đầu cả nước trong nhiều phong trào.

Tự hào khi bản thân cũng có những đóng góp nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của Thành phố, anh Hoàng luôn tâm niệm, học Bác chính là tự rèn luyện bản thân mỗi ngày; tự trau dồi, hoàn thiện mình, đó là làm tốt vai trò, trách nhiệm của một người thầy, một cán bộ Đoàn, một nghiên cứu sinh…

Từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người là hành trình để dân tộc Việt Nam bước ra ánh sáng, trở thành một quốc gia độc lập, vững mạnh, từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu, một hành trình vì dân vì nước.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta với khởi nguồn là hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng to lớn; thể hiện một giá trị trường tồn của một nhân cách vĩ đại - Hồ Chí Minh.

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Nguồn:Theo TTXVN Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 46
Hôm qua : 270
Tháng 12 : 3.316
Năm 2024 : 236.357