TRƯỜNG THPT HƯNG YÊN TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG CHỐNG MA TÚY VÀ HIV/AIDS

Ma túy và đại dịch thế kỉ HIV/AIDS đã và đang là một trong những hiểm họa chung của toàn nhân loại, là những vấn nạn xã hội gây nhức nhối ở khắp các quốc gia trên thế giới. Ma túy cùng với HIV/AIDS không chỉ làm hủy hoại tinh thần, suy nhược sức khỏe để rồi từ đó dẫn con người đến chỗ tử vong mà chúng còn là những tác nhân làm băng hoại các giá trị đạo đức, phá hủy hạnh phúc gia đình, suy giảm nguồn lực phát triển xã hội và nguy hiểm hơn nó còn làm suy thoái nòi giống nhân loại.

Trong thông điệp gửi tới nhân dân thế giới vào ngày 26 - 6 - 1992, Tổng thư kí Liên hợp quốc khi đó là ngài Boutros Gali đã từng nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, tình trạng nghiện hút ma túy đã trở thành hiểm họa lớn của toàn nhân loại. Không một quốc gia, dân tộc nào thoát ra ngoài vùng xoáy khủng khiếp của nó để tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút và buôn lậu ma túy gây ra. Ma túy đang làm gia tăng tội phạm, bạo lực, tham nhũng, vắt cạn kiệt nhân lực, tài chính, hủy diệt những tiềm năng quý báu mà lẽ ra phải được huy động cho phát triển kinh tế xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Ma túy đang làm suy thoái nhân cách, phẩm giá, tàn phá cuộc sống yên vui của gia đình, gây xói mòn đạo lý, kinh tế xã hội… Nghiêm trọng hơn ma túy còn là tác nhân của căn bệnh thế kỷ HIV - AIDS phát triển”.

Về HIV/AIDS, báo cáo của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy:

- Trong 40 năm qua, đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới.

- Tính đến cuối năm 2017, khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV, trong đó có 1,8 triệu là trẻ em dưới 15 tuổi.

- Trong năm 2017, đã có 940.000 người thiệt mạng trên thế giới do các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,8 triệu ca nhiễm mới. Chính điều này đã khiến HIV/AIDS tiếp tục là một vấn đề ý tế công cộng của toàn cầu.

Ở Việt Nam, báo cáo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 9 - 2018 cho thấy những con số đáng báo động:

- Số người nhiễm HIV hiện đang còn sống là 208.750 trường hợp.

- Lũy tích người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp.

- Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (38%) và 30 - 39 (36%).

- Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%).

 



CÁC EM HỌC SINH TRƯỜNG THPT HƯNG YÊN THAM DỰ BUỔI TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY, HIV/AIDS

 

 

Cùng với đại dịch thế kỉ HIV/AIDS, vấn nạn ma túy cũng đã trở thành hiểm họa chung của toàn cầu. Số người sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng, hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra cho xã hội rất lớn, trực tiếp và gián tiếp gây ra những bất ổn định về chính trị - xã hội. Theo báo cáo điều tra, các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó nhiều loại mạnh, cực độc, gây tác hại nghiêm trọng cho người sử dụng và là nguyên nhân của nhiều loại vi phạm pháp luật. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 600 loại ma túy tổng hợp, hiện diện ở Việt Nam có trên 550 loại. Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến ngày 15 - 11 - 2018:

- Cả nước có 225.099 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý.

- Tỷ lệ người sử dụng ATS (các loại ma túy tổng hợp) chiếm khoảng 60-70% trong tổng số người nghiện. Đáng báo động là tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma tuý ngày càng phổ biến; việc sử dụng ATS và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

- Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên nghiệm ma túy chiếm khoảng 50% và gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện. Đây là vấn đề đáng báo động từ thực trạng.

- Ước tính số tiền người nghiện dùng để mua ma tuý khoảng 2.100 tỷ đồng/năm, thêm vào đó là hơn 1.000 tỷ đồng vận hành các trung tâm cai nghiện cùng những hệ luỵ tiêu cực về trật tự, an toàn xã hội.

Trước thực trạng đáng lo ngại đó, công tác truyền thông về phòng chống ma túy và HIV/AIDS đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, tiến tới ngằn trặn, đẩy lùi vấn nạn nguy hại này trong cộng đồng xã hội.

 

Thực hiện Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Hưng Yên. Sáng ngày 14 tháng 10 năm 2019, trường THPT Hưng Yên đã kết hợp với Bệnh viên Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên và Trung tâm Y tế Thành phố Hưng Yên tiến hành công tác Tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS cho học sinh nhà trường.

Với mục đích nâng cao kiến thức cho học sinh về phòng, chống các tệ nạn ma túy, HIV/AIDS; giới thiệu các hoạt động dịch vụ về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, các em học sinh trường THPT Hưng Yên đã được các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hưng Yên tuyên truyền, giới thiệu một số nội dung kiến thức có liên quan đến công tác phòng chống ma túy và HIV/AIDS như:

- Ma túy và những điều cần biết về ma túy;

- Các loại ma túy phổ biến hiện nay;

- Ảnh hưởng của các loại ma túy lên tâm sinh lý tuổi vị thành niên;

- Kiến thức cơ bản về HIV/AIDS;

- Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV: chương trình bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế MMT,..v.v…

 

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG - Cán bộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên
tuyên truyền cho các em học sinh trường THPT Hưng Yên về công tác phòng chống ma túy và HIV/AIDS

 

Chương trình truyền thông chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn của buổi Chào cờ và sinh hoạt tập thể đầu tuần nhưng đã thu hút được sự quan tâm, chú ý lắng nghe từ phía các em học sinh cũng như các thầy cô giáo, góp phần nâng cao thêm kiến thức, nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường về vấn nạn ma túy cũng như về đại dịch thế kỉ HIV/AIDS.

 

Tin bài: TRƯỜNG THPT HƯNG YÊN

Tác giả: Bùi Huy Hoàng
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 217
Hôm qua : 78
Tháng 12 : 3.217
Năm 2024 : 236.258