Sắc dân và văn học Nhật Bản

Đặc trưng về sắc dân

Nhật Bản là quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Người dân không có nguồn gốc Nhật chỉ chiếm hơn 1% tổng dân số vào năm 1993. Sắc dân nước ngoài đông nhất là Triều Tiên nhưng nhiều người Triều Tiên sinh trưởng tại Nhật Bản đã nói tiếng Nhật không khác gì người Nhật Bản cả. Sắc dân này trước kia bị kỳ thị tại nơi làm việc và tại một số phương diện trong đời sống hàng ngày. Sắc dân ngoại quốc thứ hai là người Hoa rồi về sau còn có một số dân lao động gồm người Philippines và người Thái. Nhật Bản là một trong những đất nước có lịch sử lâu đời. Người Nhật luôn coi trọng giáo dục, vì nó tạo ra nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Về hệ thống giáo dục của Nhật Bản thì  tiểu học, trung và đại học được áp dụng ở Nhật như một trong các cải cách thời Minh Trị. Từ năm 1947, Nhật Bản áp dụng hệ thống giáo dục bắt buộc gồm tiểu học và trung học trong chín năm cho học sinh từ sáu đến mười lăm tuổi. Hầu hết sau đó đều tiếp tục chương trình trung học và theo MEXT, khoảng 75,9% học sinh tốt nghiệp phổ thông tiếp tục học lên bậc đại học, cao đẳng hay các chương trình trao đổi giáo dục khác. Giáo dục ở Nhật có tính cạnh tranh rất cao đặc biệt ở các kì thi tuyển sinh đại học,điển hình là các kì thi tuyển của hai trường đại học cao cấp Tokyo và Kyoto. Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế hợp tác OECD hiện xếp Nhật Bản ở vị trí thứ sáu thế giới.

Do dân số đông, mật độ dân số của Nhật Bản lên tới 327 người/km², ngang hàng với các nước có mật độ cao như Bỉ, Hà Lan và Triều Tiên. Khoảng 49% dân Nhật tập trung quanh ba đô thị lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya cùng với các thành phố phụ cận. Tokyo vẫn là nơi đông dân nhất, với khoảng 1/3 tổng dân số. Lý do của sự tập trung này là vì Tokyo là trung tâm của khu vực dịch vụ. Vào năm 1991, Nhật Bản có 13% dân số trên 65 tuổi, con số này thấp hơn so với của Thụy Điển là 18% và Anh là 15%. Tuổi thọ trung bình tại Nhật Bản là 81 đối với phụ nữ và 75 với nam giới. Do tuổi thọ cao trong khi mức sinh ngày càng thấp, hiện nay Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số.

Bữa ăn sáng truyền thống Nhật Bản

Do sống biệt lập với các quốc gia khác tại châu Á trong nhiều thế kỷ cho tới thời kỳ mở cửa vào năm 1868, Nhật Bản đã có các nét riêng về phong tục, tập quán, chính trị, kinh tế và văn hóa... trong đó gia đình đã giữ một vai trò trọng yếu. Trước Thế Chiến thứ Hai, phần lớn người Nhật sống trong loại gia đình gồm ba thế hệ. Sự liên lạc gia đình đã theo một hệ thống đẳng cấp khắt khe theo đó người cha được kính trọng và có uy quyền. Người phụ nữ khi về nhà chồng phải tuân phục chồng và cha mẹ chồng nhưng sau khi Luật Dân Sự năm 1947 được ban hành, người phụ nữ đã có nhiều quyền hạn ngang hàng với nam giới về mọi mặt của đời sống và đặc tính phụ quyền của gia đình đã bị bãi bỏ. Phụ nữ Nhật đã tham gia vào xã hội và chiếm 40,6% tổng số lực lượng lao động của năm 1990.

Các phát triển nhanh chóng về kinh tế, kỹ thuật và đô thị cũng làm gia tăng loại gia đình hạt nhân chỉ gồm cha mẹ và các con, khiến cho loại đại gia đình giảm từ 44% vào năm 1955 xuống còn 13,7% vào năm 1991. Số người con trong gia đình cũng giảm từ 4,7 vào năm 1947 xuống còn 1,5 vào năm 1991 vì việc làm nơi thành phố và do cuộc sống trong các căn nhà chung cư chỉ thích hợp với loại gia đình trung bình là 2,9 người.

Văn học Nhật Bản

Văn học Nhật Bản là một trong những nền văn học lâu đời và giàu có bậc nhất thế giới. Các tác phẩm văn học đầu tiên có thể đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 thậm chí sớm hơn. Lịch sử văn học Nhật Bản chia làm ba giai đoạn chính: Cổ đại, Trung cổ (hay Trung đại) và Hiện đại, trên nhiều thể loại khác nhau.

Thi sĩ Baso ngồi dưới tán ba tiêu

Thơ Nhật Bản, mà điển hình là thơ haiku, với đặc trưng là các câu ngắn và việc sử dụng nhuần nhuyễn các từ chỉ mùa (Quý ngữ).

Thơ haiku

Truyện kể Genji (Genji Monogatari) của nữ sĩ cung đình Murasaki Shikibu là cuốn tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại. Trong khi đó, truyện cổ tích Chuyện người tiều phu đốn tre (Taketori Monogatari, còn biết đến với tên gọi Nàng tiên trong ống tre) được cho là tác phẩm khoa học giả tưởng xuất hiện sớm nhất với giả thuyết có người sinh sống trên mặt trăng. 

Các nhà văn nổi tiếng có thể kể đến như Mori Ōgai, Akutagawa Ryuunosuke, Abe Kōbō và Haruki Murakami.

Manga (漫画; mạn hoạ) là một từ tiếng Nhật chỉ thể loại truyện tranh của Nhật Bản. Manga lúc đầu chỉ là những câu chuyện được minh họa bằng tranh vốn đã xuất hiện từ lâu tại Nhật. Sau Thế chiến thứ 2, manga ngày càng phát triển và nhanh chóng trở thành một nét văn hóa của Nhật Bản. Tezuka Osamu - một mangaka (họa sĩ truyện tranh) được cho là người đặt nền móng cho nền công nghiệp manga - anime khổng lồ hiện tại. Các tác phẩm nổi tiếng được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới và nhiều lần được chuyển thể thành anime (phim hoạt hình phong cách Nhật) có thể kể đến như Astro Boy (Tezuka Osamu), Doraemon (Fujiko F. Fujio), Meitantei Konan (Aoyama Gosho), Dragon Ball (Toriyama Akira).

Anime (アニメ) là một từ của Nhật Bản, nguồn gốc của nó vẫn còn đang gây tranh cãi, có thể được mượn từ animation trong tiếng Anh hoặc animé trong tiếng Pháp, nghĩa là phim hoạt hình. Đối với người nước ngoài, anime được hiểu là phim hoạt hình theo phong cách Nhật. Các anime thường được chuyển thể từ những bộ manga nổi tiếng (như Doraemon), hoặc ngược lại, anime làm cảm hứng cho manga (như 5cm/s). Theo nhiều thống kê, anime chiếm tới 70% sản lượng phim hoạt hình trên toàn thế giới. Những bộ anime dài tập thường được chiếu trên truyền hình, các phiên bản điện ảnh hay tập đặc biệt khác thì được chiếu rộng rãi tại các rạp. Cùng với manga, anime cũng đã trở nên quen thuộc trên khắp thế giới và được nhiều người mến mộ. Những yếu tố kể trên đã góp phần tạo nên sự đa dạng, đặc sắc trong văn hóa Nhật.

Theo Wikipedia 

 

Tác giả: Ad HauNguyenDac
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 185
Hôm qua : 1.104
Tháng 04 : 22.428
Năm 2024 : 91.064