NHỮNG DANH NHÂN TUỔI SỬU TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Đại anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô đại cáo" vầ lịch sử dân tộc ta: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/song hào kiệt đời nào cũng có”. Và điều thú vị là có nhiều bậc hiền tài làm rạng danh Đất nước ta lại sinh vào năm Sửu. Ngày Xuân, năm Tân Sửu xin được kể về các bậc tiền nhân tuổi Sửu đã được sử sách lưu danh ấy.

1. Bố cái Đại vương PHÙNG HƯNG (761 - 802)

Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu 761, quê ở làng Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Sinh thời, Phùng Hưng là người khoẻ mạnh và dũng lược. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài, được nhân dân suy tôn là Bố cái Đại vương. Ông mất năm 802 (41 tuổi).

2. Vua LÊ ĐẠI HÀNH - LÊ HOÀN (941 - 1005)

Tượng đài Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trên quảng trường Chiến thắng TP. Hải Phòng.

Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hải Phòng

Vua Lê Đại Hành (tên húy là Lê Hoàn) sinh năm Tân Sửu (941), là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê. Về quê hương nhà vua có nhiều kiến giải nhưng theo GS. Phan Huy Lê, ngài sinh ra và lớn lên trên đất Thanh Hóa ngày nay.

Thời trai trẻ, Lê Hoàn theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nhiều công trạng; được phong chức “Thập đạo tướng quân”, “Điện tiền chỉ huy sứ” (tổng chỉ huy quân đội) lúc mới 30 tuổi.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) bị sát hại, người nối ngôi còn nhỏ nên Lê Hoàn được cử đảm đương việc nước. Rồi trước họa nhà Tống xâm lăng, ông được tôn lên ngôi vua vào năm 980, mở đầu nhà Tiền Lê. Sau khi lên ngôi, ông và quân dân Đại Cồ Việt lập tức tổ chức kháng chiến chống sự xâm lược của nhà Tống.

Trong sự nghiệp kinh bang tế thế, nhà vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự.

Ngài cũng là người coi trọng phát triển nông nghiệp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 987, vua tổ chức hội cày tịch điền và đích thân cày ruộng để làm gương, khuyến khích nhân dân chăm lo trồng cấy, chấn hưng nông nghiệp. Đây là lễ cày tịch điền đầu tiên ở nước ta.

Lễ cày tịch điền về sau được vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) xếp vào hạng đại lễ của triều đình.

 
3. Thượng tướng Thái sư TRẦN QUANG KHẢI (1241 - 1294)

 

 Nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên Mông. Nguồn ảnh: Zing.vn

Sinh năm Tân Sửu (1241), Trần Quang Khải là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông; ông là nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc.

Dưới triều vua Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải được phong tước Chiêu minh Đại vương. Năm 1274, ông được giao giữ chức Tướng quốc Thái úy. Năm 1282, dưới triều vua Trần Nhân Tông, ông được phong làm Thượng tướng Thái sư, người đứng đầu triều nắm giữ binh quyền văn võ Đại Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt của Đại Việt, chỉ sau Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông lập nhiều công  lớn trên chiến trường: Đánh Toa Đô, Ô Mã Nhi, đánh tan giặc ở Chương Dương (1285) và góp nhiều công sức trong cuộc đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng (1288).

Không chỉ là dũng tướng thao lược, Thái sư Trần  Quang Khải còn là một người tâm hồn khoáng đạt.

Sau cuộc “bình Nguyên” lần 2 (tháng 6/1285), trước cảnh tướng giặc Toa Đô bị giết, Trấn Nam vương Thoát Hoan phải chui ống đồng trốn về phương Bắc, trong chuyến hộ giá vua về kinh đô Thăng Long, cảm kích trước chiến thắng hào hùng của dân tộc, Trần Quang Khải đã sáng tác bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" bất hủ:

         Chương Dương cướp giáo giặc

          Hàm Tử bắt quân thù

          Thái bình nên gắng sức

          Non nước ấy nghìn thu(Trần Trọng Kim dịch).

 

4. Hoàng giáp NGUYỄN TRUNG NGẠN (1289 - 1370)

 

Khuôn viên đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn tại Hưng Yên. Ảnh: Báo Hưng Yên

Sinh năm Kỷ Sửu (1289), Nguyễn Trung Ngạn là người làng Thổ Hoàng, tổng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu (nay là thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Nổi tiếng thông minh, học giỏi, năm 16 tuổi, Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp cùng khoa thi với Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Ông là đại thần trải qua nhiều đời vua Trần: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông (từ năm 1293-1369); là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà thơ, nhà lập pháp, có tài kinh bang tế thế.

Năm 1334, ông được vua Trần gọi về kinh và giao chức Đại doãn Kinh sư, tức đứng đầu kinh thành Thăng Long; về sau làm quan đến chức Tể tướng và được coi là 1 trong 10 "Người phò tá có công lao tài đức" đời Trần.

Nguyễn Trung Ngạn còn cùng với Trương Hán Siêu biên soạn hai bộ luật “Hình triều đại điển” và “Hình thư” của nhà Trần.

Ông để lại cho hậu thế tập thơ chữ Hán “Giới Hiên thi tập”, gồm 83 bài mà trong Lịch triều Hiến chương loại chíPhan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (Đỗ Phủ)".

5. Quan Tư đồ TRẦN NGUYÊN ĐÁN (1325 - 1390)

Sinh năm Ất Sửu (1325), quê ở Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), Trần Nguyên Đán là danh sĩ nổi tiếng đời Trần.

Vốn dòng tôn thất, lại thông minh đức độ nên Trần Nguyên Đán được bổ làm quan từ khi còn trẻ. Đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), ông được bổ làm Ngự sử đại phu, chức quan chuyên làm việc can gián những việc sai trái của vua và quần thần.

Ngặt nỗi việc can gián, vua không màng đến nên ông cáo quan về ở ẩn rồi sau đó, năm 1371,  lại phò giúp vua Trần Nghệ Tông gây dựng lại cơ nghiệp nhà Trần; được vua phong chức Tư đồ phụ chính.

Ông sống vào lúc triều Trần đi vào buổi suy vi nên mang trong mình rất nhiều tâm sự. Năm 1385 ông về Côn Sơn ở ẩn và mất năm 1390.

Trần Nguyên Đán được coi là viên quan cột trụ của nhà Trần vào cuối thế kỷ XIV.

 

6. Vua LÊ THÁI TỔ - LÊ LỢI (1385 - 1433) 

 

Vua Lê Thái Tổ. Nguồn: thoxuan.thanhhoa.gov.vn

Sinh năm Ất Sửu (1385) tại làng Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trưởng thành trong lúc đất nước rên xiết dưới ách cai trị của nhà Minh, Lê Lợi nuôi chí khởi binh giành lại giang sơn.

Đầu năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống nhà Minh, xưng là Bình Định Vương. Đất Lam Sơn là nơi tụ nghĩa, quây quần anh hùng hào kiệt bàn mưu đánh giặc. Sau 10 năm “nếm mật, nằm gai”, chiến đấu gian khổ (1418-1427), quân dân ta đại thắng, buộc quân Minh phải rút về nước.

Năm 1428, Bình Định Vương sai Nguyễn Trãi soạn “Bình Ngô đại cáo” để nói cho dân chúng biết cuộc kháng Minh đã thành công.  Lê Lợi lên ngôi, hiệu là Thái Tổ Cao Hoàng đế, còn gọi là Lê Thái Tổ, khôi phục nước Đại Việt, lập nhà Hậu Lê.

Lê Thái Tổ bắt tay vào việc thiết lập chính quyền, chấn hưng kinh tế, giáo dục, đặt ra luật pháp, lễ nhạc,... mở ra một kỷ nguyên thịnh trị cho nước  Đại Việt.

 
7. Vua TỰ ĐỨC (1829 - 1883)

Tự Đức sinh năm Kỷ Sửu 1829, chính tên là Nguyễn Hồng Nhậm, huý là Thì, là con thứ hai của vua Thiệu Trị và mẹ là Phạm Thị Hằng (Từ Dũ Hoàng Thái Hậu sau này), con gái thượng thư Phạm Dăng Hưng người Gia Định.

Vua Tự Đức (1829-1883). Ảnh: Internet

Vua Tự Đức (1829 - 1883). Ảnh: Internet

Lên ngôi vua năm 1847 lấy niên hiệu là Tự Đức. Ông lên ngôi giữa lúc nước nhà đang đứng trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Ông có lỗi trong việc để Pháp chiếm mất Nam Kỳ nhưng bản thân ông là người uyên bác, cần kiệm, chăm chỉ trong chức vụ và có nhiều đóng góp cho nền văn hoá nước nhà. 

Đặc biệt Tự Đức là người con rất có hiếu. Tự Đức ở ngôi Hoàng đế 36 năm và băng hà ngày 16/6 năm Quý Mùi (1883) giữa cảnh đất nước ngổn ngang trăm mối, miếu hiệu là Dực Tôn anh Hoàng đế.

 
8. Cụ NGUYỄN VĂN TỐ (1889 - 1947) 

 

Từ phải sang trái: Các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh và doanh nhân Bùi Duy Thành. Nguồn: Tuổi trẻ

Sinh năm Kỷ Sửu (1889),  quê Hà Đông, Hà Nội, Nguyễn Văn Tố là học giả nổi tiếng; cụ  từng làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội; là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ (1938).

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cụ giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Lâm thời; là đại biểu Quốc hội và là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (như Chủ tịch Quốc hội hiện nay) khoá 1 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (năm 1946).

Trong thời gian giữ trọng trách này, cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, hoàn thiện đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước ra khỏi thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cụ Nguyễn Văn Tố rút lên Việt Bắc cùng Chính phủ đánh Pháp và hy sinh vào năm 1947.

Tên tuổi cụ Nguyễn Văn Tố gắn với những cống hiến cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội và nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí…

Cụ là người đã mang hết tài năng, tâm huyết, kinh nghiệm để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và kháng chiến kiến quốc; là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, hết lòng vì nước, vì dân.

9. Giáo sư, Viện sĩ TRẦN HUY LIỆU (1901 - 1969)

Trần Huy Liệu sinh năm Tân Sửu 1901, quê Vụ Bản, Nam Định. Ông là nhà báo, nhà văn, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng sau này ly khai tổ chức này và gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu: Một nhân chứng lịch sử

Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu.

Ông là người sáng lập ra Cường học thư xã ở Sài Gòn (1928), chuyên xuất bản sách và cổ vũ tinh thần yêu nước. Từng bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Côn Đảo, Sơn La.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được bầu là Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Sau đó ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời.

Cuối tháng 8/1945, ông cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Sau này ông chuyên tâm nghiên cứu khoa học lịch sử, làm Viện trưởng Viện Sử học và qua đời năm 1969.

Ông được Viện Hàn lâm khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức (cũ) mời làm viện sĩ. Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật.

10. PHÙNG CHÍ KIÊN (1901 - 1941) - Nhà cách mạng tiền bối, vị tướng đầu tiên của quân đội ta

Đồng chí Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ) sinh ngày 18 - 5 - 1901 trong một gia đình nông dân ở tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đồng chí còn mang nhiều tên gọi và bí danh khác, như: Mạnh Văn Liễu, Phùng Tự Do, Phùng Nguôn Bình, Mã Hữu Giác, Nguyễn Hào, Như Bách, Phùng, Lý, Kan, v.v. Gia đình thuộc loại trung nông bậc thấp, nên Phùng Chí Kiên cũng có điều kiện được đi học cả chữ Nho và chữ quốc ngữ. Tốt nghiệp Sơ học yếu lược, Ông đi làm thuê để giúp đỡ gia đình và đây là quãng thời gian Ông được giác ngộ cách mạng.

Phùng Chí Kiên (1901 - 1941)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tháng 12 - 1926, được một số thành viên Hội Việt Nam thanh niên cách mạng giới thiệu, Ông bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở. Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy Phùng Chí Kiên là người nhiệt huyết với cách mạng, tư chất thông minh, có tư duy về quân sự, nên Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhóm cố vấn quân sự Liên Xô đã quyết định chọn Ông cùng một số thanh niên Việt Nam đưa vào đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn.

Năm 1927, Trường Quân sự Hoàng Phố bị đóng cửa do Tưởng giới Thạch phản bội, Đồng chí đã cùng với các học viên Nhà trường tham gia Cuộc Khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Cuộc Khởi nghĩa thất bại, Nghĩa quân và các đoàn thể quần chúng phải rút khỏi Quảng Châu chuyển về vùng nông thôn lập khu Xô-viết ở Hải Phong - Lục Phong (thuộc tỉnh Quảng Đông). Lúc này, Phùng Chí Kiên với cương vị được giao là Liên trưởng (tương đương đại đội trưởng), luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên cường chỉ huy đơn vị chiến đấu anh dũng, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của quân Tưởng, bảo vệ khu Xô-viết. Qua cuộc chiến này, tư chất của một cán bộ chỉ huy quân sự được phát lộ và đã luyện rèn cho Đồng chí bản lĩnh, kinh nghiệm trong đấu tranh chống kẻ thù.

Tháng 4 - 1932, Phùng Chí Kiên sang Liên Xô, vào học tại Trường Đại học Phương Đông, khóa học từ 15 - 6 - 1932 đến 28 - 3 - 1934. Sau khi tốt nghiệp, theo phân công của Quốc tế Cộng sản, Đồng chí về Hương Cảng (Hồng Kông) tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Với kiến thức, trình độ về quân sự và kỹ thuật vô tuyến điện giỏi, Đồng chí được phân công phụ trách Tiểu ban Quân sự và Kỹ thuật.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng họp ở Ma Cao (3 - 1935), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.

Tháng 8 - 1936, Đồng chí được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 16 - 7 - 1936. Do yêu cầu mới của cách mạng, khoảng một năm sau, Đồng chí quay lại Hương Cảng chỉ đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động.

Tháng 10 - 1938, thực dân Anh đã ra lệnh bắt giữ và hai tháng sau đó, trục xuất Đồng chí khỏi Hương Cảng. Phùng Chí Kiên đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động. Tại đây, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác nhanh chóng củng cố lại Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, tổ chức xuất bản tờ báo Đồng Thanh để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động và định hướng đấu tranh cách mạng cho quần chúng, ủng hộ nhân dân Trung Quốc đánh Nhật. Sau đó, theo gợi ý của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tờ Đồng Thanh được đổi tên thành Đ.T, hàm chứa nghĩa rộng hơn: có thể hiểu là Đồng Tâm, Đánh Tây, Đấu Tranh và thậm chí là Đảng ta, v.v. Đây là thời gian Đồng chí bắt đầu được làm việc gần Nguyễn Ái Quốc; nhiều lần đưa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến các nơi thuộc tỉnh Vân Nam, như: Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn,… để thăm các cơ sở quần chúng cách mạng và khảo sát đường về Tổ quốc khi điều kiện cho phép.

Như vậy, giai đoạn tham gia hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài, với cương vị là Thường vụ Trung ương Đảng khóa I, Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng và Ban Thường vụ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam. Với tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngưng nghỉ, bản thân Đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự tồn tại, phát triển của Đảng trong những năm tháng đầy cam go, phức tạp này.

Tháng 6 - 1940, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới Trung – Việt, để chuẩn bị về nước. Tại đây, Đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn một số bài giảng và trực tiếp giảng dạy cho 40 cán bộ để đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm các đoàn thể Việt Minh, lập khu căn cứ cách mạng. Những bài giảng này, về sau được tập hợp lại thành tài liệu mang tên: “Con đường giải phóng” - một tài liệu quan trọng phục vụ chương trình đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng ta nói chung, của Quân đội ta nói riêng. Với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng hoạt động tại Trung Quốc, tham gia Hồng quân công nông Trung Quốc, Phùng Chí Kiên đã nghiên cứu, phác thảo tài liệu “Về chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc”. Ngoài ra, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn giao cho Ông cùng một số đồng chí khác soạn thảo Kế hoạch đánh Nhật, chống Pháp: “Đảng giao cho một số đồng chí thảo kế hoạch đánh Nhật, chống Pháp. Các đồng chí ấy khai hội trên một bãi cỏ ở Quảng Tây. Trong 6, 7 người, tôi chỉ nhớ tên các đồng chí Phùng Tự Do (đã hy sinh ở Na Rì, Bắc Cạn), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp”.

Ngày 28  -01 - 1941, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ cách mạng được huấn luyện tại Trung Quốc theo Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pắc bó, tỉnh Cao Bằng xây dựng thí điểm Việt Minh tại ba châu: Hà Quảng, Hòa An và Nguyên Bình. Sau ba tháng, phong trào Việt Minh đã phát triển rộng khắp với hơn 2.000 hội viên. Tại đây, Phùng Chí Kiên chăm lo việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ Cao Bằng và trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào Việt Minh, Đồng chí hăng hái vận động thành lập các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu; đồng thời, tích cực tham gia tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và miền xuôi. Kinh nghiệm và kết quả xây dựng thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng; vạch ra đường lối, phương pháp giành chính quyền, v.v. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, diễn ra tại Khuổi Nậm, Pắc Bó - Hà Quảng, từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941, đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); đổi tên các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trước đây thành các hội cứu quốc. Đồng chí Phùng Chí Kiên tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách quân sự, trực tiếp chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai và Trung đội Cứu quốc quân. Đây là khu căn cứ hình thành từ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và hiện đang có đội Đội du kích Bắc Sơn hoạt động.

Chấp hành Nghị quyết trên, tháng 7 - 1941, thay mặt Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 cho cán bộ, chiến sĩ Ðội du kích Bắc Sơn. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Ðội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Ðội Cứu quốc quân Bắc Sơn (sau này gọi là Trung đội Cứu quốc quân 1, là một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Được Trung ương Đảng tăng cường thêm lực lượng, lúc này toàn Đội có 37 người, 15 súng trường và súng kíp, còn lại là dao găm; được biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Ðảng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng. Cũng chính thời điểm này, thực dân Pháp đang huy động lực lượng lên tới 4.000 quân để mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của phong trào Cộng sản Đông Dương và Đội Cứu quốc quân.

Vừa đảm nhiệm cương vị mới, đồng chí Phùng Chí Kiên đã cùng với Đội Cứu quốc quân 1 phải chuẩn bị đối phó với sự khủng bố của thực dân Pháp. Từ kinh nghiệm thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng, Đồng chí đã nhanh chóng thành lập các tổ, đội và tranh thủ tổ chức huấn luyện về Chương trình Việt Minh cho các đội viên đi tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng; xây dựng, củng cố lại các cơ sở cách mạng ở căn cứ Bắc Sơn; phát triển các tổ chức đảng và đoàn thể cách mạng, như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, v.v. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, Đồng chí còn truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là chiến thuật du kích cho các cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, để khi trở về địa phương họ sẽ phổ biến cho tự vệ và quần chúng cách mạng. Tiếp đó, Đồng chí cùng toàn Đội tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, củng cố khu căn cứ trong thời gian vừa qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động, củng cố lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, sẵn sàng chống địch khủng bố. Như vậy, những kiến thức và kinh nghiệm về quân sự tích lũy được trong quá trình hoạt động cách mạng cả trong nước, cũng như ngoài nước đã được Ông đem ra áp dụng xây dựng Đội Cứu quốc quân 1 và Khu căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.

Kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa còn đang dang dở thì thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, tập trung bủa vây hòng tiêu diệt lực lượng cán bộ nòng cốt của ta ở Khu căn cứ. Trước tình hình đó, Ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nguyên tắc tác chiến du kích để bảo vệ an toàn cho cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8; đồng thời, đưa các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng về dưới xuôi an toàn. Với quan điểm phải bảo vệ “vốn liếng” quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này, Phùng Chí Kiên và Lương văn Tri chủ trương rút quân ra khỏi vòng vây của địch, chỉ để lại một tiểu đội bí mật hoạt động. Tháng 8 năm 1941, Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân rút về phía Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy từ Khuổi Nọi sang huyện Bình Gia lên Văn Mịch, Thất Khê, sau đó sang biên giới Việt – Trung an toàn. Cánh quân rút về phía Cao Bằng, khi qua vùng Na Rì (Bắc Cạn), bị địch phục kích, Đồng chí kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 22 - 8 - 1941, khi mới 40 tuổi đời, trong lúc tài năng đang nở rộ.

Sự hy sinh của Ông là một mất mát lớn cho cách mạng, như Tổng Bí thư Trường Chinh (lấy bút danh Sóng Biển) đã viết trên báo Cờ giải phóng, số 2, ra ngày 26-8-1943: “Anh Phùng hay Lý vĩnh biệt chúng ta được hai năm rồi!... Thôi! Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ… Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ. Chúng ta càng nhớ đến anh, càng phải nỗ lực chiến đấu để chóng hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà anh đã hoàn toàn ký thác nơi chúng ta”. Ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89-SL truy phong cấp tướng cho Đồng chí. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.

Đồng chí Phùng Chí Kiên thực sự là chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, suốt đời phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Đảng và Quốc gia, dân tộc; một tấm gương về sự say mê nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ quân sự, chính trị; một người cán bộ mẫu mực luôn có ý thức giữ gìn sự đoàn kết và kỷ luật trong Đảng, thường xuyên trau dồi đức tài, bản chất cách mạng, không khuất phục trước kẻ thù, sống anh dũng, chết vẻ vang. Đồng chí là một tấm gương đạo đức cách mạng chúng ta cần học tập và làm theo./.

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (Tổng hợp)
Nguồn:baochinhphu.vn, vov.vn, tapchiqptd.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 27
Hôm qua : 230
Tháng 01 : 4.077
Năm 2025 : 4.077