Tết ông Công ông Táo - Sự tích và nét văn hóa
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Quốc, việc thờ cúng Táo quân rất phổ biến. Đã thành lệ, cứ ngày 23 tháng Chạp hằng năm, nhà nhà làm lễ cúng để tiễn Táo quân về trời tâu việc một năm của gia đình mình với Ngọc hoàng. Xung quanh tín ngưỡng này, có khá nhiều sự tích và nét văn hóa thú vị.
Tên gọi
Táo quân (灶君), dân gian gọi nôm na là Vua bếp hay ông Công ông Táo, được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Tên đầy đủ của vị thần này theo tiếng Hán là “Đông trù Tư mệnh Cửu linh Nguyên vương Định phước Thần quân”, tục xưng Táo quân hoặc Táo vương. Theo truyền thuyết, Ngọc hoàng sắc phong cho ngài là “Ngọc thanh Phụ tướng Cửu thiên Đông trù Tư mệnh Táo vương Chân quân”. Đông trù và Táo trong tiếng Hán đều mang nghĩa chỉ “nhà bếp, bếp”.
Truyền thuyết
Trong tín ngưỡng dân gian nước ta, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Đạo giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "Hai ông một bà".
Người Việt Nam vẫn còn lưu truyền câu ca “Thế gian một vợ một chồng/Không như vua bếp hai ông một bà” để nhắc lại sự tích Táo quân.
Theo sự tích này, ngày xưa có người tên Trọng Cao, lấy vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ. Một hôm, giận chồng đánh đập, Thị Nhi bỏ nhà ra đi rồi gặp và làm vợ Phạm Lang. Từ ngày vợ bỏ đi, Trọng Cao ngày càng sa sút, cuối cùng phải đi ăn xin.
Một hôm, Trọng Cao đến xin đúng nhà vợ chồng Thị Nhi. Nhận ra chồng cũ, Thị Nhi đón Trọng Cao vào nhà, hàn huyên tâm sự. Bất ngờ, Phạm Lang về, Thị Nhi đành bảo Trọng Cao lánh vào đống rơm ngoài vườn. Trong lúc chờ vợ cơm nước, Phạm Lang ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Vì muốn chuộc lỗi xưa với vợ cũ và tránh cho Thị Nhi khỏi khó xử, Trọng Cao cam lòng chết thiêu trong đống rơm. Khi Thị Nhi phát hiện sự việc chạy ra thì thấy Trọng Cao sắp chết mà vẫn nở nụ cười. Hiểu tấm lòng của chồng cũ, lại ân hận vì vô tình giết chết chàng nên Thị Nhi cũng lao vào lửa, ôm lấy chồng cũ nguyện chết theo.
Chứng kiến cảnh đó, Phạm Lang hiểu ra sự tình, thương vợ và ân hận vì đã gây ra hai cái chết của hai người, chàng cũng nhảy vào đống rơm đang cháy. Ngọc hoàng cảm động trước tình nghĩa của ba người, nên cho họ hóa thành ba ông đầu rau trong bếp lửa và sắc phong làm "Định phúc Táo quân", mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp (Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân), Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa (Thổ địa Long mạch Tôn thần), và Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa (Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức Chính thần).
Có thể thấy sự tích này là cách lý giải của dân gian về nhiều vấn đề xã hội, kỹ thuật như tàn tích của chế độ mẫu hệ (hai ông một bà), tín ngưỡng tin vào một đấng tối cao (Ngọc hoàng hay Ông Trời), kỹ thuật dùng tro than làm phân bón, và nguồn gốc, cơ cấu của bếp lò (có ba đỉnh). Tổ tiên ta cũng đã "huyền thoại hóa" một tiên đề hình học không gian cơ bản: “Qua ba điểm không thẳng hàng, luôn xác định một mặt phẳng” và ứng dụng nó trong cuộc sống bằng việc chế ra ông đầu rau, kiềng ba chân, hay cà-ràng, một loại kiềng đất có thể đặt trên thuyền để nấu nướng mà lại an toàn, phù hợp với người sống trên sông nước vùng Nam Bộ.
Còn ở Trung Quốc, tục thờ Táo quân cũng rất phổ biến. Táo quân thuộc nhóm những vị thần quan trọng nhất bảo hộ cho dân chúng, cùng với Thần Xã Tắc (đất đai, mùa màng), Thần Nông (nông nghiệp), Thành Hoàng (bảo hộ dân làng), Thổ Địa (thần đất địa phương), Thiên Hậu (nữ thần phù hộ dân đi biển), Tam Đa (Phúc-Lộc-Thọ), Thần Môn Hộ (thần giữ cửa nhà)...
Nhiều tài liệu Trung Quốc có nhắc đến Táo quân với nhiều tên khác nhau, ứng với nhiều nhân vật khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Werner (Myths & Legends of China, Shanghai, 1922), ở Trung Quốc có ít nhất là 40 truyền thuyết về nguồn gốc của Táo quân.
Truyền thuyết phổ biến nhất cho biết, có người tên Trương Táo Vương lấy người vợ đức hạnh, giỏi giang tên Quách Đinh Hương. Một thời gian sau, Trương chán vợ, dan díu với kỹ nữ Lý Hải Đường. Lý xúi giục Trương bỏ vợ theo ả. Đinh Hương tay trắng ra đi. Trương và Lý chung sống với nhau nhưng gia cảnh dần dần suy vi. Lý quay trở lại nghề cũ còn Trương nghèo túng, mù lòa, đành đi ăn xin. Tình cờ, Trương lạc bước đến nhà vợ cũ. Quách Đinh Hương nhận ra chồng, xót xa tình cảnh của chàng, bèn dọn món mì sợi mà ngày xưa chàng rất thích cho ăn. Trương nhớ lại món ăn ngày xưa vợ từng nấu nên bật khóc. Đinh Hương gọi: “Trương Lang! Mở mắt ra!” Trương chợt sáng mắt trở lại, nhìn thấy vợ cũ, lòng hổ thẹn bèn chạy trốn nhưng bị ngã vào bếp lò chết cháy. Đinh Hương cố sức kéo chân chồng ra, ai ngờ chân Trương Lang đứt rời. Đinh Hương thương xót, lập bàn thờ tại bếp lò. Tục thờ Táo Quân có từ đó và dụng cụ cào than trong bếp được người Trung Quốc gọi là "Trương Lang Túc" (chân Trương Lang). Trong dân gian có câu: “Táo Thần vương gia bổn tính Trương/ Nhất uyển thanh thủy tam táo hương” (Vua bếp vốn là người họ Trương; cúng ngài một chén nước ba cây hương).
Còn theo Lã thị xuân thu, Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi chết người dân thờ làm Thần Lửa. Sách Chu lễ cũng viết: “Chuyên Húc (đời Tam Hoàng Ngũ Đế) có đứa con tên Ly, tự Chúc Dung, được thờ làm Táo Thần”.
Theo Dũ dương tạp trở, Táo quân họ Trương tên Ngỗi, tự Tử Quách, dáng người anh tuấn, dung mạo như mỹ nữ, nhưng tính lười biếng, thích ăn ngon, lại rất hiếu sắc. Vốn là đầu bếp của thiên đình, vì mải ngắm các tiên nữ thị tỳ của Tây Vương Mẫu nên để cháy mất món ăn, liền bị phạt giáng xuống trần gian làm Táo quân, những ngày không trăng thường lên trời tâu việc người nào có lỗi...
Hàn Phi Tử trong thiên Ngũ đáo cho rằng Toại Nhân chính là Thần Táo cổ xưa nhất của người Hoa. Theo cổ sử Trung Quốc, Toại Nhân là người lãnh đạo xưa nhất được nhắc đến. Toại Nhân dạy dân cách tạo lửa, giữ lửa, dùng lửa để nấu chín thức ăn, đưa con người ra khỏi cảnh ăn sống, nuốt tươi.
Sách Quý dĩ tiêm cảo nói rằng, Táo Thần vốn là một tiểu thư quý tộc, có 36 thị nữ theo hầu. Bình thường nàng chỉ mặc trang phục nhạt màu, nhưng khi tức giận thì mặc quần áo đỏ chói. Nàng từng làm đầu bếp cho Ngọc Đế, phụng lệnh Ngài xuống trần gian phục vụ cho con người. Vì thế, nàng hay bất mãn dễ cáu, dân gian phải hết sức thờ phụng để tránh nàng nổi cơn thịnh nộ.
Đạo giáo có thờ một “Chủng hỏa Lão mẫu Nguyên quân” (bà Táo), dưới trướng có “Ngũ đế Táo quân”. Lúc hưng thịnh, Đạo giáo cho rằng Táo Thần ở trên Cửu thiên, giữ sổ sách xuất sanh của con người, nên tôn là “Cửu thiên Tư mệnh Chân quân”.
Đa số gia đình Hoa thường treo hình Táo quân ngay trên vách bếp, hoặc một bài vị viết “Đông trù Tư mệnh Định phước Táo quân chi thần vị” hay “Định phước Táo quân”. Hai bên có hai câu đối “Thượng thiên ngôn hảo sự/Hạ giới bảo bình an” (Lên trời tâu việc tốt, Xuống trần hộ bình an). Hình Táo Thần có thể là hai vợ chồng, gọi là “Táo Vương gia” (ông vua bếp) và “Táo Vương nãi nãi” (bà táo). Có nơi chỉ vẽ một vị, gọi là “Độc tọa Táo vương” (một vua bếp ngồi). Hình tượng Táo quân thường rất trung hậu đoan chính, mặt đỏ, phương phi, ngầm ý nói rằng ngài thích ăn nhiều và coi về “lửa”.
Nghi lễ cúng
Sở dĩ Táo quân được dân gian kính trọng vì ngoài việc coi sóc bếp núc để nuôi sống con người, ngài còn theo dõi và ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu của người trong nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc hoàng. Theo sách “Kính Táo toàn thư”, “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó” (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.
Trước kia, người Trung Quốc tin rằng báo cáo của Táo quân thường được đưa về trời lúc nửa đêm ngày mùng một hoặc ngày rằm mỗi tháng (có khi là ngày Canh và ngày Thân hoặc ngày tối trời của tháng âm lịch). Hiện nay, đa số tin rằng ngày báo cáo đó rơi vào 23, 24, hoặc 25 tháng Chạp, dựa theo quy tắc “Quan tam, dân tứ, đại gia ngũ”. Theo đó, những nhà quan chức quyền quý cúng tiễn Táo quân vào ngày 23, người dân bình thường cúng ngày 24 còn giới thượng lưu (đại gia) tiễn ngày 25. Nhưng thường dân gian cúng ngày 23 để “lấy hơi quan” cho nhà mình được phát đạt.
Lễ đưa tiễn ông Táo được gọi là lễ “Tống Táo”. Vào ngày đó, người Trung Quốc bày phẩm vật cúng Táo Thần tại bàn thờ gần bếp, gồm những thức vừa ngọt vừa dẻo như dưa hấu, kẹo mạch nha, kẹo kéo, bánh da lợn, mật ong, bánh nếp…, dụng ý để cho thức ăn ngọt khiến Táo Thần về trời chỉ tâu những điều tốt lành “ngọt ngào” cho gia chủ. Thế nên có câu “Ngật điềm điềm, Thuyết hảo thoại” (Ăn ngọt ngọt, nói việc tốt) và câu “Hảo thoại truyền thượng thiên, Hoại thoại đâu nhất biên” (Lời nói tốt trình lên trời, Lời nói xấu gạt sang bên). Để “trám miệng” Táo Thần, người ta cũng dâng ngài một loại rượu riêng gọi là “Túy Tư Mệnh” (Ông Táo say). Ngoài ra còn có nước, cỏ khô và đậu nành làm thức ăn cho ngựa của Táo quân. Khi cúng tiễn Táo quân, gia chủ dọn bày phẩm vật, đốt hương, châm rượu, khấn vái cầu xin rồi châm rượu thêm hai lần nữa. Tiếp đó, gỡ hình Táo quân cũ, kèm với hình con ngựa và giấy tiền vàng bạc đốt chung. Khi đốt xong rồi, phải nhặt lấy ít tro đặt vào bình mang đến trước bàn thờ Táo quân khấn: “Thượng thiên ngôn hảo sự, hồi cung giáng bình an” (Lên trời tâu việc tốt, trở về ban yên lành). Nhiều gia đình đốt pháo cho thêm long trọng, náo nhiệt. Như vậy, việc cúng tế Táo Thần có ý nghĩa “cầu phước tránh họa”.
Sau lễ tiễn Táo quân, đến chiều ba mươi Tết (có nơi là đêm Giao thừa) hoặc ngày mùng bốn tháng Giêng, phải làm lễ đón ngài từ trời quay trở về với gia chủ, gọi là lễ tiếp Táo. Lễ này có thể long trọng không kém lễ tiễn nhưng cũng có thể rất đơn giản, chỉ cần treo hình Táo quân và hình con ngựa mới, tượng trưng là ngài đã trở về trấn thủ trong nhà để tiếp tục phù hộ và giám sát việc thiện ác trong năm mới.
Ở Việt Nam, dân gian quan niệm ba vị Táo quân định đoạt phúc đức cho gia đình. Hằng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình cúng tiễn ông Táo về trời, nhân tiện cúng gia tiên, nên ngày này gọi là "Tết ông Công". Trong số lễ vật, người miền Bắc (từ Nghệ An trở ra) thường cúng một con cá chép sống rồi thả ra sông hồ (phóng sinh). Có gia đình thả vào giếng hay bể, nuôi cá lớn với mong muốn cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được hanh thông, bởi vì cá chép có thể hóa rồng để vượt qua chín tầng trời, đưa ông Táo gặp Ngọc hoàng. Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng cá chép giấy có kèm sẵn trong bộ quan miện của ông Táo. Người vùng Nam Trung Bộ trở vào không cúng cá chép mà đốt giấy in mộc bản hình “cò bay, ngựa chạy”. Người dân ở đây thường dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt... miễn là đồ ngọt. Món bánh thường là bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở. Riêng miền Nam lại cúng món bánh mè (vừng) gọi là “thèo lèo”.
Lý do cúng cá chép là vì loại cá này được người Việt và người Hoa xếp đứng đầu trong các loại cá nước ngọt. Truyền thuyết cho rằng, cá chép có thể hóa thành rồng nếu vượt qua Vũ môn. Với người Trung Quốc, Vũ môn (hay Long môn) là hai mỏm núi đá đứng sừng sững hai bên bờ một khúc sông Hoàng Hà, như hình cái cửa. Cửa này trước chật hẹp, khi Hạ Vũ trị thủy mới đục phá cho rộng thêm ra, nên gọi là Vũ môn (cửa ông Vũ). Sách “Tam Tần ký” ghi: “Long Môn là nơi sóng dữ, cá khó vượt qua, nếu vượt qua được thì sẽ hóa rồng”. Còn theo sách “Thủy kinh chú”, tiết tháng ba, cá chép vượt qua được Long Môn hóa rồng.
Theo “Ðại Nam nhất thống chí”, nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trướng (Giăng Màn) thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, là một dòng suối ba bậc. Tương truyền, mỗi năm đến tháng tư, mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng vượt Vũ môn để hóa rồng. Vì thế, ca dao có câu “Tháng ba cá đi ăn thề/Tháng tư cá về, cá vượt Vũ Môn".
Với ý nghĩa này, người Việt dùng cá chép làm phương tiện tiễn Táo quân về trời, đồng thời cũng cầu mong sự thành đạt, thăng tiến.
Nguồn:https://www.quangninh.gov.vn/
Sao chép liên kết