Những năm Mão nổi bật trong lịch sử Việt Nam

Đón chào năm mới Quý Mão 2023, chúng ta cùng ôn lại những năm Mão gắn với các sự kiện nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Những năm Mão nổi bật trong lịch sử Việt Nam - 1

Hai Bà Trưng đánh giặc phương Bắc năm Quý Mão 43 (Tranh dân gian)

Năm Quý Mão 43, Hai Bà Trưng đã chiến đấu anh dũng, chống lại đội quân hùng mạnh do Mã Viện cầm đầu. Thế giặc quá mạnh, Hai Bà Trưng phải rút về Cấm Khê (thuộc Phú Thọ ngày nay) rồi sau đó tự trẫm mình ở sông Hát Môn (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội) để bảo toàn khí tiết.

Đây là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa sau này tiếp tục nổ ra và đi đến thắng lợi cuối cùng với vai trò của Ngô Quyền, mở ra một kỷ nguyên độc lập mới của dân tộc.

Năm Đinh Mão 547, Triệu Việt Vương đem quân về đóng ở đầm Dạ Trạch, chọn nơi đây làm căn cứ địa lâu dài để chống lại quân của Trần Bá Tiên (nhà Lương cử sang dẹp các cuộc khởi nghĩa) cầm đầu. Nghĩa quân đã dành nhiều thắng lợi với chiến thuật đánh du kích, thoắt ẩn thoắt hiện làm địch không biết đâu mà lường.

Nhân khi Trần Bá Tiên đem quân về nước để dẹp loạn Hầu Cảnh, Triệu Việt Vương tung quân ra đánh, giết được phó tướng Dương Sàn, lập ra nước Vạn Xuân. Sau này, người địa phương suy tôn Triệu Quang Phục, gọi ông với hiệu Dạ Trạch Vương.

Năm Đinh Mão 907, Khúc Thừa Dụ mất, con trai Khúc Thừa Dụ là Khúc Hạo lên thay, giữ chức Tiết độ sứ. Khúc Hạo đã chia đặt lại các lộ, phủ, châu, giáp và xã ở các xứ, chứng tỏ mình là một nhà cải cách và tổ chức quản lý giỏi.

Năm Đinh Mão 967, Đinh Bộ Lĩnh làm cuộc khởi nghĩa đánh đâu thắng đó, được mệnh danh là Vạn Thắng Vương. Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, thường gọi là Đinh Tiên Hoàng, lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), xây dựng triều chính, mở ra triều Đinh.

Năm Ất Mão 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Tam trường để chọn người tài ra làm quan. Đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta trong thời phong kiến tự chủ, lấy đỗ được hơn mười người, trong đó người đỗ đầu chính là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh (1038 - 1096). Lê Văn Thịnh cũng đồng thời là vị tiến sĩ đầu tiên ở nước ta.

Năm Tân Mão 1771, ba anh em nhà Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa với khẩu hiệu: "Lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan, phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương. Quân Tây Sơn thường lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo, vì thế được nhân dân ủng hộ và các nơi về theo nghĩa quân rất đông.

Năm Tân Mão 1831, vua Minh Mạng bắt đầu thi hành chính sách Trung ương tập quyền, cải cách nền hành chính do vua Gia Long đặt ra trước đây, bỏ chức tổng trấn, đổi trấn làm tỉnh, đặt chức tổng đốc, tuần vũ, bố chánh sứ, án sát sứ và lãnh binh để cai trị các tỉnh, đồng thời đặt tất cả các tỉnh trực thuộc chính quyền Trung ương.

Vua Minh Mạng cũng đồng thời là người đặt ra luật Tứ bất cho triều Nguyễn: không đặt chức Tể tướng, không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập hoàng hậu và không phong tước vương cho các hoàng thân đang còn sống.

Năm Đinh Mão 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản, in tại Quảng Châu rồi sau đó chuyển về nước theo đường Cống Chạp - Lạng Sơn. Tác phẩm quan trọng này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh về phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam từ năm 1920, vạch ra những hình thức và phương pháp tổ chức cách mạng quan trọng, hướng đến việc chuẩn bị thành lập một chính đảng vô sản tại Việt Nam.

Năm Kỷ Mão 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương ra "Tuyên ngôn về tình hình chung và đường lối cách mạng", tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hội nghị đã giải quyết vấn đề chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng trong tình hình mới.

Những năm Mão nổi bật trong lịch sử Việt Nam - 2

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939.

Năm Kỷ Mão 1939 cũng là năm chào đời của một trong những nhạc sĩ Việt Nam lừng danh của thế kỷ 20 - Trịnh Công Sơn. Ông là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có tên trong Từ điển Bách khoa Pháp Les Million, là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được Google Doodles vinh danh vào năm 2019 trong dịp kỷ niệm tròn 80 năm sinh người nhạc sĩ tài hoa.

Năm Tân Mão 1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng cộng sản Đông Dương được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt của Đảng để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến ngày thắng lợi. Cũng trong năm này, Mặt trận Liên Việt được thành lập, là kết quả hợp nhất từ Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Những năm Mão nổi bật trong lịch sử Việt Nam - 3

Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương ở căn cứ địa Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu).

Năm Ất Mão 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân đã đi đến ngày toàn thắng trong ngày 30 tháng 4 lịch sử. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất hai miền và mở ra một kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội.

Những năm Mão nổi bật trong lịch sử Việt Nam - 4

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu).

Năm Đinh Mão 1987, Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức tại Hà Nội, giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông.

Cũng trong năm này, từ ngày mùng 6 đến hết ngày mùng 7 tháng 10, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc trò chuyện, gặp gỡ lịch sử với hơn 100 văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa. Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc mở ra một thời kỳ sáng tạo mới cho văn nghệ sĩ nước nhà. Bắt đầu từ đây, nền văn nghệ được tự do hơn, thoát khỏi nhiều trói buộc kìm hãm trước đó. Đây là bệ phóng cho một loạt các tên tuổi và tác phẩm xuất sắc được ra đời như các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu hay tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Năm Kỷ Mão 1999 diễn ra Hội nghị lần VI, VII, VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, đồng thời diễn ra Kỳ họp thứ 5 và thứ 6 Quốc hội Khóa X.

Năm Tân Mão 2011, Đại hội lần XI của Đảng được tổ chức, đồng thời có những ngày lễ kỷ niệm lớn như: 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, 80 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Nguồn:https://dantri.com.vn Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 233
Hôm qua : 78
Tháng 12 : 3.233
Năm 2024 : 236.274