Phòng, chống tham nhũng - nhìn từ kinh nghiệm lịch sử dân tộc
Tham nhũng là một "căn bệnh" xuất hiện từ khá sớm trong xã hội loài người, khi xã hội phân chia giai cấp và hình thành các tập đoàn quyền lực - "căn bệnh" mà lực lượng cầm quyền rất dễ mắc phải. Nhìn lại lịch sử, suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta đã sớm nhận biết được nguy cơ này và có những "phương thuốc đặc trị" với căn bệnh nguy hiểm: tham nhũng.
1. Nhất quán quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Mặc dù còn bị hạn chế bởi tư tưởng phong kiến trong quản lý và điều hành xã hội, song các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đều đã chủ động phòng, chống tệ nạn tham nhũng, trong đó các biện pháp phòng ngừa luôn được coi trọng.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, nếu được thực hiện tốt thì các biện pháp phòng ngừa sẽ có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn ngay từ đầu những cơ hội, điều kiện để tham nhũng nảy sinh. Phòng ngừa chính là việc ngăn chặn, tiêu diệt tham nhũng từ trong "trứng nước", do đó những biện pháp này bao giờ cũng có hiệu quả to lớn, dài lâu. Phòng ngừa tốt sẽ đẩy lùi những mầm mống của tham nhũng, qua đó góp phần giữ vững ổn định xã hội.
Trước hết, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn chú trọng cải cách bộ máy hành chính, coi đây là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng.
Pháp luật phong kiến Việt Nam quy định khá đầy đủ về xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền. Tiêu biểu là Bộ luật Hồng Đức đã có nhiều điều luật thể hiện sự cải cách mạnh mẽ của nhà Lê. Thời vua Lê Thánh Tông đã định ra chế độ giám sát lẫn nhau giữa các quan lại. Cụ thể, triều đình quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chức quan, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu quan lại tự giám sát lẫn nhau. Mỗi bộ phận phụ trách một việc, các bộ chịu sự giám sát của các khoa, công việc của các đạo do các hiến ty giám sát, các quan lại chịu sự giám sát lẫn nhau, quan trên giám sát quan dưới. Nhờ những cải cách mạnh mẽ và có hiệu quả nên bộ máy chính quyền thời Lê Thánh Tông được xem là bộ máy phong kiến tập quyền vững mạnh.
Công tác tuyển chọn quan lại thời Lê được tiến hành thông qua nhiều con đường như khoa cử, tiến cử, bảo cử… Đặc biệt, hàng năm triều đình thường xuyên tổ chức các kỳ "khảo công" nhằm khảo xét việc hay, dở và đánh giá năng lực của quan lại các cấp. Thời vua Lê Thánh Tông lần đầu tiên áp dụng chế độ thử việc đối với quan lại. Sau một thời gian bổ nhiệm nhất định, triều đình sẽ căn cứ vào kết quả công việc của quan lại để có hướng sử dụng tiếp theo. Thanh liêm, trung thực luôn là những tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn quan lại thời kỳ này.
Đến thời nhà Nguyễn, tuy việc tuyển chọn, sử dụng quan lại chưa được xây dựng một cách bài bản nhưng cách lựa chọn quan lại luôn thể hiện sự chú trọng, quan tâm, cất nhắc người tài đức. Đây là điểm nổi bật trong việc chọn người điều hành, quản lý, duy trì trật tự xã hội của triều Nguyễn.
Một biện pháp được coi là kinh nghiệm của các triều đình phong kiến trong sử dụng quan lại là thực hiện chế độ "hồi ty". Thực chất đây là quy định cụ thể về việc bổ nhiệm và sử dụng quan lại. Theo đó, quan đứng đầu một địa hạt không được nhậm chức tại quê mình, không được lấy vợ là người sở tại, không được có nhà cửa, đất vườn… trên địa hạt đang cai quản và quan lại phải được dịch chuyển địa hạt cai quản sau một thời gian nhất định. Với việc thường xuyên thực hiện có hiệu quả chế độ này, nhà Lê đã hạn chế và ngăn chặn những nguy cơ nảy sinh các hành vi tiêu cực trong đội ngũ quan lại. Dưới triều Nguyễn, kinh nghiệm trên đã được nâng lên thành một phương châm sử dụng quan lại. Luật "hồi ty" được vua Minh Mạng ban bố năm 1831 nhằm nghiêm cấm các hiện tượng tiêu cực trong thanh tra, xử án, chấm thi… Đến thời vua Thiệu Trị, triều đình bổ sung thêm các điều khoản trong xử án để tránh tình trạng vì nhận hối lộ, tham nhũng mà bao che, nương nhẹ cho kẻ có tội. Những quy định này đã có tác dụng trong bảo đảm sự công minh của pháp luật và ngăn chặn những hành vi tiêu cực của quan lại, chống việc trù dập người tố cáo, cậy quyền, cậy thế nhũng nhiễu lương dân.
Các triều đại phong kiến đã quan tâm xây dựng một chế độ lương bổng công bằng, hợp lý cho đội ngũ quan lại.
Nhìn chung, các triều đại phong kiến đều căn cứ vào cấp chức và năng lực của quan lại để quy định rõ chế độ bổng lộc. Năm 1455, vua Lê Nhân Tông định ra lệ cấp tiền bổng hàng năm cho các quan văn, võ theo thứ bậc cụ thể. Năm 1477, vua Lê Thánh Tông đã lập ra quan chế, lễ nghi, chế độ lộc điền, tiền tuế bổng cho quan lại với những quy định cụ thể về chế độ lương bổng. Triều Nguyễn tiếp tục thực hiện chặt chẽ chế độ lương bổng. Cùng với lương bổng theo quy định, quan lại dưới triều Nguyễn còn được triều đình cấp thêm một khoản tiền khác gọi là "Tiền dưỡng liêm". Đây là khoản cấp thêm để gìn giữ sự liêm khiết của quan lại. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà từng triều đại có mức độ tiền dưỡng liêm khác nhau. Thời kỳ đầu theo quy định của vua Gia Long, tiền dưỡng liêm chỉ dành cho quan lại cấp phủ, huyện bởi "phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng nhiều việc, ngoài bổng chính ra cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách"(1). Đến thời vua Minh Mạng đã mở rộng đối tượng hưởng tiền dưỡng liêm, vì: "tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch". Các tài liệu lịch sử cho thấy, giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm mà quan lại được nhận dưới triều các vua Gia Long, Minh Mạng là khá lớn, tương đương với số tiền lương bổng mà họ thực nhận hàng tháng. Điều này có ý nghĩa lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm mà giữ gìn liêm khiết của bản thân để có thể làm việc một cách công tâm. Do đó, tiền dưỡng liêm thực sự là một biện pháp góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa tham nhũng dưới triều Nguyễn.
Các triều đại phong kiến đã thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát thực quyền.
Song song với việc cải cách, củng cố bộ máy nhà nước, các triều đình phong kiến còn có cơ chế để giám sát hành vi của đội ngũ quan lại các cấp. Năm 1250, vua Trần Thái Tông đã đặt ra "Ngự sử đài" là cơ quan có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại, giữ gìn kỷ cương trong triều đình. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, vai trò của Ngự sử đài tiếp tục được phát huy. Triều đình đã lập ra "Lục khoa" là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm điều tra, phát hiện những việc làm sai trái của quan lại ở các bộ. Đối với các địa phương, triều đình cho lập cơ quan "Giám sát Ngự sử" để thường xuyên đi xem xét, kiểm tra công việc ở cấp đạo trở xuống.
Sau khi lập ra nhà Nguyễn, năm 1804 vua Gia Long đã đặt các chức Đô ngự sử và Phó đô ngự sử. Năm 1827, vua Minh Mạng đặt thêm các chức Cấp sự trung và Giám sát ngự sử. Đến năm 1832, vua Minh Mạng chính thức lập ra Đô sát viện với chức năng chính là phát hiện hành vi sai trái của quan lại trong triều, kể cả hoàng thân quốc thích. Đồng thời, Đô sát viện cũng có trách nhiệm giám sát việc thi cử tuyển chọn hiền tài cho triều đình. Hoạt động của cơ quan đặc biệt này đã góp phần vào việc duy trì trật tự kỷ cương xã hội trong giai đoạn đầu của vương triều nhà Nguyễn.
Các triều đại phong kiến đặc biệt coi trọng việc phát huy tinh thần của nhân dân trong tố cáo những hành vi tham nhũng.
Các triều đại phong kiến trước đây đều có cơ chế khuyến khích, động viên người tố cáo hành vi tham nhũng gắn với chính sách bảo vệ không để người tố cáo bị trả thù, trù dập. Nhà Lý quy định những người tố cáo việc biển thủ tiền thuế của các viên quan thu thuế sẽ được miễn lao dịch ba năm, người ở kinh thành cáo giác thì sẽ được trọng thưởng. Đến nhà Lê, "Quốc triều Hình luật" có những quy định rõ ràng về chế độ thưởng cho người dân tố cáo đúng sự thật các hành vi tham nhũng của quan lại các cấp. Pháp luật triều Nguyễn cũng thể hiện rất rõ những quan điểm này. Vua Gia Long quy định: nếu người coi kho và người bảo vệ biết được hành vi thủ đoạn của người lấy trộm mà tố cáo thì được miễn tội.
Chăm lo, củng cố bộ máy hành chính; quan tâm chế độ lương bổng của quan lại; phát huy tích cực vai trò của nhân dân trong tham gia phát hiện và tố cáo các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực… chính là những biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong ngăn ngừa tệ tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
2. "Chữa bệnh kiên quyết và dứt điểm"
Không chỉ chủ động phòng ngừa tham nhũng, mà các triều đại phong kiến Việt Nam còn có những biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời các quan lại có hành vi tham nhũng.
Trong tất cả các trường hợp, hành vi tham nhũng đều được xử lý một cách nghiêm khắc, bất kể kẻ tham nhũng là quan lại hay hoàng thân quốc thích. Ngay từ thời nhà Lý đã có những quy định cụ thể về việc trừng trị những hành vi tham ô, ăn trộm của công. Nhà Lê, trong Bộ luật Hồng Đức đã xác định gần 30 điều khoản quy định chế tài áp dụng cho các hành vi tham nhũng với những hình luật hết sức nghiêm khắc tùy theo mức độ mà xử lý, nhẹ thì cách chức, bãi chức; nặng hơn thì xử lưu (lưu đày đi xa), xử đồ (bắt làm các công việc khổ sai)… hình phạt nặng nhất có thể là xử chém. Bên cạnh các hình phạt hình sự, tùy từng trường hợp, người có hành vi tham nhũng còn bị áp dụng thêm một số hình phạt phụ như: phạt tiền, tịch thu tài sản, biếm tước… Kế thừa những tư tưởng đó, "Luật Gia Long" về sau có 17 quyển quy định riêng về luật hình đối với tội nhận đút lót (hối lộ) và gần 20 điều khoản quy định liên quan tới nội dung này. Điều 392 Luật Gia Long quy định: "Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư kho cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà nếu tang vật thu được lên đến 40 lượng thì bị chém".
Đồng thời, các triều đại phong kiến đã quy định rõ cách thức xử lý tài sản có được do tham nhũng. Quy định về xử lý tài sản tham nhũng trong Bộ luật Hồng Đức dựa trên trên nguyên tắc chung nhất, đó là người có hành vi tham nhũng phải có trách nhiệm bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng để sung công hoặc trả lại cho người dân. Đây cũng là nguyên tắc xử lý tài sản tham nhũng được quy định trong Luật Gia Long của triều Nguyễn. Ví dụ, Điều 138: Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ, tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi, nộp vào kho; Điều 560: Lãng phí của công thì phải bồi thường gấp đôi;… Những hình phạt đối với tội tham nhũng khá đầy đủ, từ nhẹ đến nặng, phương pháp xử lý luôn hướng tới triệt tiêu tài sản có được từ tham nhũng. Không những vậy, với nguyên tắc bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng được còn có ý nghĩa răn đe quan lại không dám tham nhũng. Nhờ những biện pháp kiên quyết và phù hợp như trên mà nhiều triều đại phong kiến đã duy trì tốt sự ổn định chính trị, xã hội.
Như vậy, có thể thấy dù ở những mức độ khác nhau nhưng các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều biện pháp khá toàn diện và hiệu quả trong ngăn ngừa và xử lý tệ tham nhũng trong đội ngũ quan lại. Hệ thống những biện pháp đó đã góp phần quan trọng giúp các triều đại phong kiến phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đặc biệt ở vào những giai đoạn thịnh trị.
Hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, tham nhũng, lãng phí "gây bức xúc trong xã hội và thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước". "Ôn cố tri tân", thiết nghĩ những kinh nghiệm quý báu của ông cha ta trong ngăn ngừa tham nhũng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tạ Quang Đạo - Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng