Phong tục, tập quán, nguồn gốc các lễ Tết cổ truyền Việt Nam

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa sắc màu. Các phong tục, tập quán, các lễ Tết cổ truyền được lưu truyền từ đời này qua đời khác đã trở thành nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của dân tộc.

mam-co-cung-ram-thang-gieng-1579855155

 

1. Tết Rằm tháng Giêng

Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng. Tết Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên - là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Tết này phần lớn tổ chức tại các chùa vì ngày rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ A Di Đà. Thiện nam tín nữ đi lễ rất đông.

photo1523879671665-15238796716661338942423-1579855166

2. Tết Hàn thực

Tết này chỉ diễn ra trong ngày mồng ba tháng ba Hàn thực có nghĩa là ăn đồ nguội. Gốc Tết này, vốn ở Trung Quốc thời Xuân Thu cổ đại. Tích cũ kể rằng vua Văn Công nhà Tấn khi gặp cảnh hoạn nạn, được người hiền sĩ là Giới Tử Thôi hết lòng phò hộ. Khi vua đói quá, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi mình nấu nướng dâng lên vua. Trải qua mười chín năm trời, nay trú nước Tề, mai ngụ nước Sở, vua Văn Công lại được trở về làm vua nước Tấn. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã thủy chung theo mình vượt cảnh gian lao, nhưng lại quên mất Giới Thử Thôi. Ông này cũng không oán trách gì, coi đó là nghĩa vụ của thần dân, nên cũng đã dẫn mẹ vào cày cuốc ở núi Điền Sơn. Khi vua nhớ ra, sai người vào núi mời không được. Vua cho đốt rừng để ông phải ra. Nhưng ông cũng không chịu xa mẹ, xa rừng. Kết quả bi thảm là hai mẹ con cùng chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi. Hôm ông mất là ngày mồng ba tháng Ba. Người ta thương ông nên mỗi năm đến ngày mẹ con ông bị chết thiêu thì cấm đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn.

Từ thời Thăng Long Đại Việt, nhân dân ta đã ăn Tết này. Ta hay làm bánh trôi, bánh chay để thay thế cho đồ nguội. Nhưng mục đích cũng chỉ cúng gia tiên chứ không ai biết đến ông Giới Tử Thôi.

3. Tết Trung nguyên

Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên; người xưa tin theo sách Phật, cho hôm ấy là ngày vong nhân được xá tội. Vì thế, trong ngày ấy tại các chùa thường làm chay chân tế và cầu Kinh Vu lan. Còn tại các nhà thì bày cúng gia tiên.

photo-1-15682806469941276801619-crop-15682806607771966813593-1579855200

4. Tết Trung thu

Rằm tháng Tám là Tết Trung thu. Tết này thường gọi là Tết của trẻ con, nhưng người lớn dựa vào Tết này để tổ chức buổi họp mặt trà, tửu, ngâm thơ, ngắm trăng không phải ít.

Thông thường thì ban ngày làm lễ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ “thưởng Nguyệt”. Đầu cỗ là bánh nướng lớn hình trăng. Tiếp theo là nhiều thứ bánh trái, hoa quả khác. 
Đồ chơi trẻ con trong Tết toàn là các thứ bồi bằng giấy như tiến sĩ, voi, ngựa, hươu, nai... Tối đến, dưới ánh trăng rằm, trẻ con dắt díu nhau từng đoàn rước đèn, múa sư tử, trống và thanh la đánh vang inh ỏi...

b6424585bec4579a0ed5-1579855276

5. Tết Ông Táo

Hai mươi ba tháng Chạp là Táo quân, người xưa cho ngày ấy vua bếp lên chầu trời để tâu việc làm ăn cư xử của gia đình trong năm.

Theo truyền thuyết dân gian, xưa kia có 2 vợ chồng nghèo khổ quá phải bỏ nhau. Về sau người vợ lấy người chồng giàu. Một hôm cúng đốt vàng mã ngoài sân có một người vào ăn xin. Người đàn bà nhận ra đó chính là chồng cũ của mình nên động lòng thương cảm, bèn đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng sau biết chuyện và nghi ngờ vợ. Vợ xấu hổ đâm đầu vào đống lửa chết. Người chồng cũ cám cảnh ân tình cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Người chồng sau ân hận, đau lòng cũng nhảy vào nốt. Thế là cả 3 đều chết cháy. Thượng đế thấy 3 người đều có nghĩa nên phong cho họ làm vua bếp. 

Theo điển tích ấy, cứ đến phiên chợ 23 tháng Chạp, nhà nào cũng mua hai mũ ông, một mũ bà và ba con cá chép làm ngựa (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu Trời. Cá mua về để sống thả trong chậu và cứ như thế đem cúng. Cúng xong thì đưa “ngựa” đổ xuống ao hồ hay sông ngòi gần nhà. 

6. Tết Thanh minh

Thanh minh có nghĩa là trời độ ấy mát mẻ, quang đãng. Ta cũng nhân dịp ấy mà đi thăm mồ mả của những người trong gia đình, trong họ hàng đã khuất, thấy có cây cỏ rậm thì phát quang, đất khuyết thì đắp bồi cho đầy, rồi về nhà làm cỗ cúng gia tiên.

chi-em-chia-se-mam-co-cung-tet-doan-ngo-nhieu-mau-sac-ngap-tran-mang-xa-hoi-1-1529290550-173-width660height371-1579855304

7. Tết Đoan ngọ
Mồng năm tháng Năm gọi là Tết Đoan ngọ hay Đoan Dương. 
Theo âm lịch thì đến đầu tháng Năm ta mới thực sự hết Xuân sang Hạ. Đây là giai đoạn chuyển mùa nên hay có bệnh thời khí. 
Đến Tết này, ta lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ em (trừ ngón tay trỏ và ngón chân trẻ). Sáng hôm ấy, ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa và các loại hoa quả chua, chát. Người lớn uống rượu xương bồ, trẻ em bôi thuốc hồng hoàng (vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn) gọi là để trừ trùng.

mam-co-ngay-tet-co-truyen-cua-nguoi-viet-co-gi-dac-biet-1-1548922038-414-width476height360-1579855340

8. Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán còn gọi là Tết cả. Tại châu Á, vùng Bắc Ấn Độ ăn Tết vào tháng Tư. Nam Ấn Độ vào tháng Ba; ở Lào, năm mới bắt đầu trung tuần tháng Tư dương lịch. Ở Căm-pu-chia, năm mới vào tháng Tư, có năm xê dịch sang tháng Ba hay tháng Năm. Các nước này thường ăn Tết theo Phật lịch và theo tháng sinh hay ngày xuất gia của Phật. Còn ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên ăn Tết Nguyên Đán vào ngày mồng một tháng Giêng âm lịch.

Trong đó, ở Việt Nam, theo phong tục thì ba ngày Tết Việt Nam có ba sự gặp gỡ hết sức quan trọng ngay trong một nhà. Trước hết là sự gặp gỡ của các “vị thần linh”.
Tiếp đến là Thổ công, vị thần giữ đất, coi đất nơi mình ở. Sau là táo quân hay vua bếp đã chăm sóc, giúp đỡ việc nấu ăn cho mọi người trong gia đình. Táo quân lên chầu trời ngày 23 tháng chạp nhưng tới ba mươi cũng về sống vui vầy với các gia thần. Thứ hai là sự gặp gỡ của tổ tiên, ông bà đã khuất.
Thứ ba là cuộc gặp gỡ của những người trong nhà. Vì theo tập quán dù ai đi đâu, làm nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến cũng mong muốn được trở về nhà sum họp, đoàn tụ gia đình trong ba ngày Tết.

Hoàng Văn (Biên soạn)

Tác giả: Bùi Huy Hoàng (ST)
Nguồn:http://baophutho.vn/van-hoa Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 172
Tháng 01 : 4.230
Năm 2025 : 4.230