Nhớ tác giả bài "Viếng lăng Bác" - Viễn Phương (21/12/2005 - 21/12/2020)

Nhà thơ Viễn Phương tên thật là Phan Phương Viễn, sinh ngày 1-5-1928 tại Tân Châu, An Giang. Ông tham gia kháng chiến từ khi Cách mạng tháng Tám 1945, ở Chi đội 23, hoạt động trên địa bàn rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Thơ văn Viễn Phương được sáng tác từ cảm xúc thật trên mỗi chặng đường chiến đấu gian khổ, đăng trên “Tiếng Súng Kháng Địch”, tờ báo duy nhất của Khu 9 Nam bộ lúc bấy giờ.

Năm 1952, Nam bộ tổ chức giải thưởng tổng kết văn học – nghệ thuật lấy tên Giải thưởng Cửu Long, trường ca “Chiến thắng” của ông được giải nhì về thơ. Sau đó, Chi hội văn nghệ Nam bộ tổ chức đại hội, ông được bầu vào Ban chấp hành.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Viễn Phương được phân công ở lại miền Nam vào hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Ông dạy học, làm thuê kiếm sống nhưng công việc chủ yếu vẫn là sáng tác văn thơ, với bút hiệu Viễn Phương. Các tuần báo Nhân Loại, Hừng Sáng, Công Lý… là những tờ báo tiến bộ nhận đăng bài của ông.

Do những bài viết chống đối, năm 1960 chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam ông tại nhà lao Chí Hòa, trong tù ông vẫn tiếp tục làm thơ.

Ra tù, năm 1962, Viễn Phương vô chiến khu công tác tại Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định, đóng trên đất Củ Chi. Cũng năm này tôi được gặp và làm việc gần anh, tuy khác bộ phận. Ở cơ quan anh em gọi anh là anh Sáu Vinh, còn tên Viễn Phương chỉ dùng ở những bài thơ và giấy tờ chính. Anh lớn hơn tôi một con giáp, là thế hệ đi trước, đàn anh nhưng gần gũi, tình cảm cởi mở với bọn chúng tôi là những học sinh, sinh viên từ Sài Gòn mới vào kháng chiến. Là trí thức nhưng anh Viễn Phương rất hòa đồng với anh em công nông, luôn tham gia lao động, dù không thể làm bằng anh em nhưng có anh là nguồn động viên mọi người hăng hái công tác. Mỗi khi làm việc chung là dịp chúng tôi tâm sự chuyện hoạt động ở Sài Gòn, qua đó mới biết những bài thơ văn của anh mình từng đọc khi tôi làm công việc bán báo để sống đi học; còn anh viết báo kiếm tiền hoạt động Cách mạng.

Nhớ lại năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam trực tiếp chiến đấu với quân Giải phóng, cả cơ quan Ban Tuyên huấn khẩn trương học Nghị quyết của Đảng chuẩn bị tinh thần chống chiến tranh ác liệt của đế quốc Mỹ. Chúng ta rút kinh nghiệm cuộc chiến tranh Triều Tiên đánh Mỹ, biết rằng chúng sẽ đánh ta bằng bom đạn vô cùng ác liệt, nên Đảng nói là cuộc chiến tranh hầm hố, phải đào hầm sâu mới chiến đấu, sống còn và thắng xâm lược Mỹ. Hàng ngày anh em thay nhau đào hầm nhưng vẫn phải đảm bảo công tác chuyên môn. Một hôm, anh Viễn Phương được Trưởng ban Tuyên huấn là đồng chí Tư Hoan, tên thật là Lê Duy Nhuận (chồng chị Duy Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) mời gặp làm việc, khi về anh nói với tôi: Mình vừa bị lãnh đạo thúc phải nhanh có thơ phục vụ chiến đấu. Nhưng làm thơ phải có thời gian thai nghén chứ đâu như viết một cái tin muốn là có ngay được! Chúng tôi rất cảm thông với anh, nhưng vẫn nói rằng với anh thì chuyện viết một bài thơ như người thợ xây một ngôi nhà, rồi anh sẽ có tác phẩm như mong muốn của lãnh đạo. Và quả thật như vậy. Không lâu sau “thai nghén”, anh “đẻ” ra mấy bài trong đó có bài thơ “Đám cưới giữa mùa xuân” khá hay.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ đánh phá ra vùng giải phóng Củ Chi vô cùng ác liệt; năm 1969, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu Sài Gòn – Gia Định đưa một số đồng chí lớn tuổi sang đất bạn Campuchia, anh Viễn Phương về R, tôi bị Mỹ bắt ở tù tại Phú Quốc tới sau Hiệp định Paris 1973 mới được trao trả về miền Bắc, từ đó không có dịp ở chung với anh nữa.

Những năm tháng hòa bình tuy cùng công tác tại TP. Hồ Chí Minh nhưng lĩnh vực công tác khác nhau ít có dịp gặp anh Viễn Phương, nhưng với tình cảm từng gắn bó thời gian khó ở chiến khu chúng tôi vẫn vui mừng khi đọc những bài thơ, văn của anh, nhất là bài thơ Viếng lăng Bác và Văn Bia của anh viết được khắc vào bia Đền Liệt sĩ Bến Dược, Củ Chi. Cả hai bài này đã góp phần đưa Viễn Phương xứng đáng là một nhà thơ – nhà văn trong nhóm đầu của thời sau kháng chiến. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật năm 1995.

Bài thơ Viếng lăng Bác (tháng 4-1976), Viễn Phương nói thay cho đại đa số người miền Nam, thể hiện tấm lòng kính yêu tha thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Nhà thơ Viễn Phương chụp ảnh lưu niệm trước Lăng Bác.

Bài Văn Bia tại Đền Bến Dược:

“Đời đời ghi nhớ

Vùng đất sáng ở miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xâm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối.

Thuở đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tím ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ Bến Nhà Rồng.

Tiếng máy chém đầu văng trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông, đạn bom rơi xác ngã chất chồng, người chết không yên, tan mồ nát mả. Giặc quyết đẩy dân ta về thời đồ đá. Tiếng Bác Hồ: “Dù đốt cháy dãy Trường Sơn…”. Muôn triệu trái tim sôi sục căm hờn. Đôi tay yếu mẹ đẩy lùi máy chém, tấm thân gầy mẹ cản xích xe tăng. Nước mắt chảy vào tim mẹ tiễn con ra trận. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lớp lớp lên đường.

Tuổi trẻ! Tuổi anh hùng như đại bàng vỗ cánh “Đâu có giặc là ta cứ đi!”. Thành phố Sài Gòn, vì sao lấp lánh: Thề chết đứng chẳng sống quỳ. Những đoàn quân đẹp tợ thiên thần, đạp đỉnh Trường Sơn, vượt sông Cửu Long tiến về thành phố.

Đêm lảnh lót tiếng ca quan họ, nghe ngọt ngào điệu hát cải lương, hò mái đẩy ngân nga dìu dặt, giọng bài chòi tha thiết nhớ thương. Mừng họp mặt bốn phương dũng sĩ, quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng.

Lính chủ lực về quê mình làm du kích. Cả nước vì Sài Gòn vì cả nước quyết hy sinh.

Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm.

Vũ khí thô sơ, ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần. Biệt động thành đánh giữa Sài Gòn, tàu chiến sân bay, kho xăng bốc nổ – lòng dân lửa dây, ngày xuống đường, đêm không ngủ, đạp rào gai, che họng súng, liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh. Lũ giặc nước kinh tâm, bom tấn, pháo bầy, thần sấm, con ma, B52 rải thảm.

Thần, người căm giận. Ầm, ầm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Như bão gầm, như thác lũ, dũng tướng, tinh binh, bạt núi, san đèo, tiến về thành phố.

Rợp trời cờ đỏ
Trúc chẻ ngói tan
Quét sạch hung tàn
Quê hương giải phóng.

Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn… chim bay về núi tối rồi.

Máu hồng tỏa hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đấy nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người sống nhớ thương người đã khuất,
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời.
Những anh kiệt như ngàn sao tỏa sáng,
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người”.

Bài văn chỉ đạt giải nhì nhưng vượt qua tất cả các tác giả khác (không có giải nhứt). Bởi anh Viễn Phương là người từng sống, chiến đấu trên quê hương Đất thép Củ Chi, hiểu rõ, mới thể hiện được đầy đủ những chi tiết đắc, hào hùng, hay như vậy. 

Theo Nguyễn Hải Phú
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 433

Tác giả: Administrator - Sưu tầm
Nguồn:Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 433 Sao chép liên kết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 22
Hôm qua : 459
Tháng 11 : 7.923
Năm 2024 : 230.418