NỀN GIÁO DỤC TÔI RÈN PHẨM CHẤT VƯỢT BẬC CHO NGƯỜI NHẬT
Thành quả mà nước Nhật có trong hiện tại được đóng góp rất lớn từ nền tảng tri thức toàn dân tộc. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014 thực hiện với 148 nước, ở hạng mục giáo dục, Nhật Bản đứng thứ 3 (sau Anh, Mỹ). Bảng xếp hạng của OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển), xác định mức độ giáo dục người trưởng thành của mỗi quốc gia xét trên đối tượng từ 25 tới 64 tuổi đã hoàn thành các cấp đại học, cao đẳng với thời gian 2 năm, 4 năm hoặc các chương trình giáo dục dạy nghề, thì Nhật Bản đứng thứ 2 sau Canada.
Về tư tưởng giáo dục khai phóng của người Nhật, chúng tôi cũng đã có dịp phân tích kỹ qua loạt bài về cuốn sách Khuyến học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu thêm một điểm đặc biệt trong giáo dục của Nhật Bản, đó là tinh thần thượng tôn tri thức và nền giáo dục tôi rèn những phẩm chất vượt bậc cho người dân đất nước mắt trời mọc.
Người Nhật có tinh thần học hỏi suốt đời. Đối với họ, học tập không chỉ là quá trình tiếp thu tri thức mà còn tôi rèn, củng cố các phẩm tính tốt đẹp
Không phải bỗng nhiên, người Nhật Bản lại có nhiều phẩm chất tốt, ý chí, khát vọng mạnh mẽ khiến thế giới ngưỡng mộ như vậy. Từ nhỏ, học sinh Nhật Bản đã được giáo dục về đức tin, khát vọng lớn đưa Nhật Bản trở thành cường quốc thần kỳ. Vì thế, họ ý thức rất rõ về trách nhiệm cống hiến của mình đối với quốc gia dân tộc. Nói như GS Võ Tòng Xuân: "Người học sinh tiểu học bên đó cũng đã được dạy rằng đất nước mình phần lớn là núi rừng, thảm họa thiên tai xảy ra nhiều... Học sinh chỉ còn con đường phải học giỏi".
Nền giáo dục Nhật Bản ưu tiên không dạy chữ viết cho trẻ từ mẫu giáo đến lớp 3. Do chữ viết Nhật khá khó, học sinh phải học hết lớp 12 mới đọc được hết 1 tờ báo. Thời gian đầu, học sinh học chữ Kansai trước, đó là 1 loại chữ được Latinh hóa, rất dễ học để học sinh có thể tiếp cận sách giáo khoa, truyện tranh.
Đến tận lớp 4, học sinh Nhật mới bắt đầu có bài kiểm tra. Người Nhật tin rằng 3 năm đầu cấp 1 không phải là thời điểm để đánh giá trình độ kiến thức. Thay vào đó, đây là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ nhỏ rèn luyện nhân cách, xây dựng những đức tính tốt và phát triển con người theo hướng toàn diện. Hãy cùng tìm hiểu xem, cách giáo dục này đã giúp tôi rèn cho người Nhật những phẩm chất đặc biệt gì?
01 - Tinh thần độc lập
Tất cả trẻ em ở Nhật Bản đều tự đi học mà không có ai đưa đón. Những em nhỏ 6 tuổi ở đất nước này đã có thể tự đi bộ suốt 90 phút để bắt xe buýt, tàu điện ngầm tới trường. Các em nhỏ cũng tự tay chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi lên lớp mà không có sự trợ giúp của cha mẹ. Ngoài ra, các em còn tự sắp xếp đồng phục thể dục, giày mũ... Mỗi tối, chính họ sẽ chọn những món đồ cần thiết và cho vào cặp sách, chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Trong quá trình học tập, học sinh không cần ai nhắc nhở. Các em tự theo dõi, sắp xếp việc học của mình bằng bảng danh sách bài tập về nhà, sơ đồ tư duy những việc cần ghi nhớ. Lên lớp 6, học sinh đã có thể tự chọn đề tài để nghiên cứu.
Trên lớp, giáo viên không can thiệp mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi cần thiết, kích thích sự tò mò, sáng tạo và ham học của học sinh. Dưới sự chỉ đạo của giáo viên, học sinh phải dần dần thích ứng với phương pháp tự học: tự giác ngộ mục đích học tập, tự giác trong học tập, có ý thức trách nhiệm về kết quả học tập của mình và kết quả chung của lớp, biết tự học và tranh thủ học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi cách, phát triển các loại hình tư duy biện chứng, lô-gíc, hình tượng, tư duy kĩ thuật, tư duy kinh tế…
Khi gặp xung đột, học sinh phải tự tìm cách xử lý. Giáo viên chỉ can thiệp khi có xâm phạm về thể chất hoặc ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Học sinh phải tự học cách hòa nhập và trở thành một thành viên của lớp học.
Nền giáo dục Nhật Bản cũng rất nghiêm khắc vì họ tin vào câu nói: Kết quả là chân lý. Có nghĩa, từ rất nhỏ học sinh đã phải hiểu rằng: Nếu kết quả không đúng, tức là cách làm đã sai. Trong trường hợp này, không còn cách nào khác là phải nhìn nhận thất bại, chấp nhận nó và bắt đầu làm lại. Người Nhật sớm học được tinh thần đương đầu với nghịch cảnh theo cách: thất bại ở đâu, hãy tự mình đứng lên ở đó.
Ở trường học Nhật Bản không có lao công. Học sinh sẽ phải tự làm hết mọi việc: dọn dẹp lớp học, khuôn viên nhà trường, giữ gìn vệ sinh chung. Điều này giúp các em không có tinh thần ỷ lại và biết quan tâm, bảo vệ môi trường nhiều hơn.
02 - Rèn luyện tính tiết kiệm
Học Nhật Bản được yêu cầu phải ăn hết những thứ được phục vụ trong bữa trưa, trừ khi bị dị ứng. Việc này nhằm giáo dục tính tiết kiệm, tránh lãng phí và tôn trọng người nấu ăn.
Hầu hết các trường học ở Nhật Bản đều yêu cầu mặc đồng phục nhằm tránh tâm lý phân biệt giàu nghèo. Đa số trang phục đồng phục đều chú ý sự đơn giản, tiết kiệm. Học sinh ở nhiều trường không được khuyến khích việc trang điểm, nhuộm tóc sặc sỡ khi tới lớp.
03 - Tinh thần đoàn kết và ý thức sống trách nhiệm
Từ mà bất cứ học sinh nào ở Nhật cũng được dạy và biết đến là "rentai", có nghĩa là tình đoàn kết. Người Nhật luôn được dạy rằng, dù được sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh như thế nào, mỗi người đều là con cháu của Nữ thần Mặt trời. Vì thế, gốc tích, vị thế mỗi người là như nhau.
Ở trường học, các bài học theo nhóm được tổ chức nhiều, giúp học sinh sớm thích ứng với việc phải làm việc chung với người khác.
Những việc như quên đồ dùng học tập, đi trễ... của cá nhân học sinh cũng thường được giáo viên đặt câu hỏi rằng: "Em có biết việc này gây ảnh hưởng như thế nào đến người khác không". Học sinh Nhật Bản luôn được dạy, vì là một phần của tập thể, nên tất cả những gì họ nói và làm đều có thể gây ảnh hưởng đến người khác.
Trẻ em Nhật luôn được dạy phải ăn hết suất ở trường để tiết kiệm và tôn trọng người nấu
04 - Tính nhẫn nại
Học bơi là một môn thể thao bắt buộc ở trường học Nhật Bản, giúp trẻ có thêm kỹ năng sinh tồn cần thiết và giáo dục tính nhẫn nại. Các trường tiểu học ở Tokyo yêu cầu học sinh hoàn thành chặng bơi 1-2 km trước khi tốt nghiệp.
Ở Nhật Bản, cấp Tiểu học dài 6 năm. Nhưng mới chỉ 12 tuổi mà có thể bơi 1-2km là điều không hề dễ dàng, cần sự quyết tâm và luyện tập rất bền bỉ.
05 - Học đi đôi với hành
Giáo dục Nhật Bản chú trọng thực hành hơn lý thuyết. Chẳng hạn, dạy học sinh về làm nông thì nhà trường cho học sinh được ra đồng và hướng dẫn trồng lúa, trồng rau, tiếp thu kiến thức thực tế. Khi học sinh tìm hiểu về Chiến tranh Thế giới lần 2, nhiều em được cha mẹ, thầy cô đưa đến căn cứ quân sự để quan sát, trải nghiệm.
Đến bậc đại học và sau đại học, sinh viên luôn được tiếp thu cái mới, các công nghệ khoa học mới nhất, có ích và được thực hành ngay tại trường cũng như thực tập tác các công ty, tổ chức….
06 - Tinh thần thượng tôn tri thức
Từ thời duy tân Minh Trị, Nhật Bản đã phổ cập giáo dục trên toàn quốc, tiến hành chính sách giáo dục cưỡng chế, tài trợ học phí để tất cả người dân, nam hay nữ đều được đi học.
Nhờ có chính sách đó, người dân Nhật Bản dần được khai sáng cả về trí tuệ và kiến thức. Tinh thần thượng tôn tri thức này càng rõ ràng hơn khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, khắp nước Nhật tràn ngập không khí “tất cả mọi người đều học tập”. Chế độ giáo dục được cải cách và phát triển một cách rõ rệt vì người Nhật tin tưởng: Sự nỗ lực trong học tập sẽ mang lại tất cả.
Giáo dục đã từng một lần đưa Nhật Bản từ đất nước yếu thế vươn thành cường quốc thời Minh Trị, và sau Thế chiến thứ 2, một lần nữa, nó lại trở thành thứ vũ khí tối tân.
Để trang bị "vũ khí" tri thức cho tất cả người dân, Nhật Bản đã xây dựng các trường đại học quốc lập mới trên tất cả các tỉnh thành. Sau chiến tranh, Nhật Bản nghèo khó về mặt vật chất nhưng các trường học không ngớt được đầu tư xây dựng. Đến năm 1970, toàn bộ học sinh trong độ tuổi đi học đều tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhờ học tập mà người dân Nhật Bản đã xây dựng lại đất nước, tổ chức các phong trào tự nguyện để thực hiện một xã hội dân chủ.
Ham mê tri thức, đề cao vai trò của học vấn nhưng đồng thời, người Nhật cũng có tư tưởng rất rõ ràng về mục đích học tập. Từ hàng trăm năm trước, nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật, Fukuzawa Ykichi đã viết trong cuốn Khuyến học: "Học vấn là việc tiếp thu tri thức có ích trực tiếp cho cuộc sống...".
Bất kể sự học nào, dù là học cân đo đong đếm, nấu ăn, rèn luyện đạo đức... giúp ích được cho cuộc sống, người Nhật đều coi là tri thức. Tinh thần thượng tôn tri thức của người Nhật chính là ở chỗ luôn có tinh thần cầu thị, học hỏi suốt đời, bất kể mọi lúc mọi nơi.
(Theo soha.vn)
Nguồn:https://soha.vn/bai-hoc-lich-su-dat-gia-vi-sao-day-lai-la-dieu-muon-doi-khong-cu-cua-nhat-ban-va-israel-20200206163524386.htm
Sao chép liên kết