KÝ ỨC TỪ MỘT MÁI TRƯỜNG
KÝ ỨC TỪ MỘT MÁI TRƯỜNG
NGUYỄN KHẮC HÀO
Nhà giáo ưu tú - Thạc sĩ - Giám đốc Sở GD - ĐT
(Nguyên Hiệu trưởng nhà trường)
(Có sự cộng tác của đồng chí Lê Hồng Thiện và sự giúp đỡ về tư liệu của các đồng chí Ngô Anh Hoàng, Nguyễn Ngọc Trác, Lê Thị Thanh Xuân, Hà Khoảnh, Trần Đình Hoan, Phạm Đình Phú, Dương Thị Độ, Đỗ Thông, Phạm Tuynh, Đàm Quang Chính, Trần Nguyên Hạnh, Phạm Huy Hinh, Nguyễn Đình Tám, Ôn Tuấn Bảo, Vũ Hải Đàm, Lê Phương Liên...)
Cuối tháng 5 năm 1993, tại Trường phổ thông trung học thị xã Hưng yên có buổi họp đại biểu các thế hệ giáo viên, học sinh của trường cấp 3 tỉnh Hưng Yên cũ - Trường PTTH thị xã Hưng Yên ngày nay, cuộc họp trù bị cho lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường.
Bác Tuấn Doanh - nguyên Trưởng Ty Giáo dục Hưng Yên cũ, thầy Nguyễn Ngọc Trác - nguyên hiệu trưởng nhà trường, các anh, chị: Hà Khoảnh, Trần Đình Hoan, Phạm Đình Phú, Ôn Tuấn Bảo, Bùi Bá Nhuận, Trần Hiệp, Dương Thị Độ, Đàm Quang Chính, Nguyễn Ngọc Hạnh, Ngô Bá Hiển, Lê Hồng Thiện, ... thay mặt các thế hệ giáo viên, học sinh của trường về dự hội nghị này.
Thầy giáo Hiệu trưởng đương nhiệm Nguyễn Khắc Hào báo cáo về lịch sử nhà trường và vị trí của trường cấp 3 Hưng Yên trong các trường cấp 3 của miền Bắc những năm 1959 - 1968 và của tỉnh Hải Hưng những năm 1968 đến nay.
Không ai bảo ai, mọi người mừng mừng tủi túi, nhớ về ngôi trường cũ, những năm tháng tuổi học trò, các thầy cô giáo, những người bạn, ... lòng bâng khuâng nhớ đến những kỷ niệm xa xưa, ...
Nơi đây, mảnh đất Hưng Yên với Phố Hiến cổ kính, một quần thể di tích lịch sử, đền đài lăng miếu, ... Nhớ miếu văn Xích Đăng - những chứng tích của một thời văn hiến xưa. Nơi đây, đã quy tụ những tài danh học vấn của quê hương. Bia tiến sĩ còn ghi tên tuổi của các bậc tiền nhân: Chu Mạnh Chinh, Tống Trân, Lê Như Hổ, ... Trường cấp 3 Hưng Yên cách đây không xa khí thiêng tài danh học vấn của các tiền nhân ít nhiều đã tác động, hun đúc nghị lực cho con cháu từng thế hệ nối tiếp đến hôm nay và mãi mãi sau này.
Còn nhớ, mùa thu năm 1959, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm lần thứ 14 thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trên nền móng của trường cấp 2 Phạm Ngũ Lão, tỉnh Hưng Yên vang lên tiếng trống trường khai giảng năm học đầu tiên của trường cấp 3 tỉnh Hưng Yên.
Thuở sơ khai ấy, trường mới chỉ là hai mái nhà tranh vách đất, có lớp còn chung vì kèo, chung cột, chung mái gồi với trường cấp 2 Phạm Ngũ Lão. Năm đầu, trường có 4 lớp 8, tuyển từ 9 huyện thị của tỉnh Hưng Yên cũ. Các học sinh người Hưng Yên đang học lớp 9 ở Thái Bình, Hải Dương biết ở quê có trường đã trở về học tiếp. Lớp 9 đầu tiên này gồm 50 học sinh - lớp anh cả của các thế hệ học sinh nhà trường.
Tháng 6 - 1959, thầy Nguyễn Xuân Động đang công tác trong Ban thường vụ Huyện ủy Khoái Châu được Ban Tổ chức Tỉnh ủy cử về làm hiệu trưởng. Thầy Ngô Anh Hoàng và cô Châu đang dạy tại khu học xá ở Liên Xô được Bộ Giáo dục điều về giảng dạy tại trường.
Hội đồng giáo viên đầu tiên gồm 11 thầy cô: Thầy Nguyễn Xuân Động - Hiệu trưởng, thầy Ngô Anh Hoàng (văn), cô Châu (văn), cô Tý (toán), cô Hảo (hóa), thầy Luyện Minh (lý), thầy Nguyễn Nhã (sử), thầy Phan Mẫn (Trung văn), thầy Lê Như Thiết (sinh), thầy Khánh (thể dục), thầy Hạnh (địa).
Chi bộ Đảng năm đầu tiên có 4 đảng viên, sinh hoạt ghép với chi bộ Đảng Ty Giáo dục. Ban giám hiệu năm đầu tiên mới có 1 thầy Hiệu trưởng, chưa có hiệu phó. Thầy Hoàng là chỉ ủy viên phụ trách thanh niên. Năm học sau, thầy Hoàng được bổ nhiệm là hiệu phó.
Học sinh khóa đầu học giỏi, ý thức tự lập cao, nhiều người đi học đã có vợ, có con rồi. Từ những năm đầu, phong trào đoàn và tự quản rất tốt. Tiêu biểu là các anh chị: Trần Lộng, Dương Thị Độ, Đoàn Kế Chi, ... Nhưng, trước hết phải kể đến anh Hà Khoảnh - Bí thư đoàn trường đầu tiên, anh Trần Đình Hoan - Bí thư đoàn trường 1960 - 1961 là những học sinh giỏi, thông minh, tháo vát là trụ cột của phong trào đoàn bấy giờ. Năm 1960 hai anh được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam đợt 19 - 5 đầu tiên của trường. Anh Lâm Kim Thành là lớp trưởng, lớp anh cả của trường. Chính anh Thành là người vẽ tấm huy hiệu của trường được dùng đến tận ngày nay.
Những năm ấy, trường cách Ty Giáo dục Hưng Yên vài trăm mét. Bác Nguyễn Văn Thỉnh - Trưởng ty thường sang thăm trường vào sau giờ làm việc. Mối quan hệ giữa Ty với trường gần gũi như trong một gia đình, ... Cô Châu kể rằng: Một lần đến thăm trường, bác Thỉnh thấy một cô giáo trẻ, mới ngoài 20 tuổi, trông đặc biệt "thư sinh", bác hỏi cô: "Con về đây có khổ lắm không?". Bác vừa nói vừa xoa đầu cô. Cô chưa kịp trả lời, bác đã an ủi: "Thôi con ạ, khổ thì khổ hãy cố gắng con nhá". Những năm đầu của thập kỷ 60, đội ngũ trí thức ở nước ta còn quá hiếm hoi, những đối tượng tốt nghiệp đại học được Nhà nước ta rất trọng dụng. Giáo viên cấp 3 được Tỉnh ủy quản lý. Bác Lê Quý Quỳnh, Bí thư Tỉnh ủy được tin các thầy cô từ Hà Nội về đã tổ chức gặp nà gỡ thân mật tại Văn phòng Tỉnh ủy.
Tuy bỡ ngỡ khi bước chân về tỉnh lẻ, còn thiếu thốn về nơi ăn chốn ở, phương tiện giảng dạy nghèo nàn, nhưng ai nấy đều phấn khởi yên tâm công tác. Từ những tình cảm ân cần của các cấp lãnh đạo và sự quý mến của nhân dân, nên miền đất lạ đã trở thành quen.
Học trọn một năm học ở cuối bờ hồ, do yêu cầu phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn khu Ấp Dâu làm khu nhà trường. Nơi đây sẽ là khu liên hoàn của các trường cao đẳng, sư phạm, trung cấp nông nghiệp, trường y sĩ và trường cấp 3.
Trong đó trường cấp 3 chuyển về sớm nhất. Năm học thứ 2, học sinh vừa đi học, sáng sáng mỗi người mang một đôi quang gánh, gánh gạch, gánh đất xây trường (phòng truyền thống của trường còn lưu giữ được những tấm ảnh quý đó). Cụ Nguyễn Bá Vơn - cán bộ Ty Giáo dục Hưng Yên được Ty cử về chỉ huy xây dựng trường cấp 3 Hưng Yên. Trường mới được xây rất nhanh, có 2 dãy, 4 nhà và 12 phòng học, tường gạch, lợp ngói nghĩa giang. Do thiếu sắt nên các cửa đều cuốn kiểu tò vò, kiểu nhà này do thầy Thiết - giáo viên sinh vật vẽ. Đến năm 1961 - 1962, trường có 4 lớp 9 và 1 lớp 10, 3 khối học sinh đầy đủ, trường đi vào hoạt động ổn định.
Từ năm 1962, trường bắt đầu mở rộng quan hệ giao lưu với các trường bạn để nâng cao chất lượng. Đi thăm Bắc Lý (Hà Nam), cấp 3 Đoàn Kết (Hà Nội), cấp 3 Hùng Vương (Phú Thọ), cấp 3 thị xã Hà Đông, ... Năm học này, lần đầu tiên trường ta ra quân "xuất kích" những anh tài tham gia thi học sinh giỏi miền Bắc: Vũ Văn Viễn giải Nhì Toán (không có giải Nhất), Bùi Văn Minh (Nhì Toán toàn miền Bắc). Nhiều giáo viên dạy giỏi có tiếng toàn miền Bắc như: cô Hảo (hóa), thầy Minh (lý), cô Tý (toán), ... Bộ Giáo dục bắt đầu có kế hoạch xây dựng trường ta thành trường điểm. Giáo viên đã tập hợp học sinh giỏi, học sinh nghèo để luyện thêm. Thầy say mê dạy, trò say mê học. Nền móng vững vàng của một trường điểm đã bắt đầu hình thành.
Năm học 1961 - 1962, khóa học sinh thứ 2 ra trường. Trường không tự chấm thi tốt nghiệp như năm cũ, mà do Bộ Giáo dục tổ chức coi và chấm đối tỉnh. Tuy vậy, học sinh cấp 3 Hưng Yên vẫn tốt nghiệp 92%. Năm học 1962 - 1963, một số huyện đã bắt đầu có trường cấp 3, nhưng trường Hưng Yên vẫn là trung tâm của các phong trào giáo dục toàn tỉnh.
Tin tưởng ở thế đi lên của trường cấp 3 Hưng Yên, năm 1963 - 1964, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội về tổ chức lễ kết nghĩa 2 trường. Trong buổi lễ, Trường Đại học Sư phạm tặng trường cấp 3 Hưng Yên bức trướng mang dòng chữ:
"Phổ thông sư phạm
Tay nắm chặt tay
Thi đua 2 tốt
Chắp cánh cùng bay".
Từ đây, các môn học được các giáo sư, cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm I về giúp đỡ. Chất lượng nâng lên nhiều, kiến thức giáo viên được mở rộng.
Năm này trường được bổ nhiệm thầy Hiệp làm có hiệu phó. Năm 1963, thầy Động đi học chính trị, thầy Hiệp là Quyền hiệu trưởng. Rồi thầy Hoàng về hiệu trưởng cấp 3 Bần Yên Nhân, thầy Hiệp về hiệu trưởng cấp 3 Ân Thi.
- Thưa thầy, kỉ niệm sâu sắc nhất trong thầy nhiều năm tháng ở cấp 3 Hưng Yên là gì? Có lần tôi hỏi thầy Ngô Anh Hoàng, giọng thầy sâu lắng:
- Đầy không khí gia đình, tình đồng nghiệp chân thành, thương yêu đùm bọc nhau. Chia sẻ vui buồn, lòng tự trọng nghề nghiệp cao.
Chia tay thầy tại nhà riêng ở xóm Bình Dân, xã Văn Phú, Mỹ Văn, tôi hỏi thầy Tiếp:
- Thế còn lớp học sinh những năm 60, thầy có suy nghĩ gì về họ không ạ?
Suy nghĩ một lát, thầy nói:
- Họ rất giàu nghị lực. Học sinh lúc ấy phần nhiều đã lớn tuổi, hầu hết ở nông thôn, nên tự quản lý tốt. Học sôi nổi và có trách nhiệm cao với công việc. Và thầy nhấn mạnh: Tôi được biết trường cấp 3 thị xã Hưng Yên ngày nay có nhiều thành tích trong công tác giáo dục, nhưng đừng ai quên những không khí thuở ban đầu ấy. Hãy nhớ và phát huy mà gìn giữ, tự hào.
Thầy đề nghị: Cái gì thế hệ trước chưa làm được thì thế hệ sau phải làm tiếp.
Rồi thầy Động được bổ nhiệm cương vị mới. Năm 1965, thầy Trần Phi được đề bạt Quyền hiệu trưởng. Trong cảm nhận của các thế hệ giáo viên và học sinh cũ: Thầy Trần Phi là con người của công việc. Với phong cách làm việc tận tụy, sâu sát, yêu cầu cao, rất nghiêm khắc với công việc, với bản lĩnh quản lý vững vàng, khoa học, thầy vừa là người quản lý giỏi, vừa là giáo viên dạy giỏi.
Tháng 4 - 1994, để làm những trang này, trong khi thầy Trần Phi đang ở Ănggôla, chúng tôi: anh Nguyễn Khắc Hào, anh Lê Huy Phách, anh Đỗ Thông, anh Phạm Tuynh, anh Lê Hồng Thiện có cuộc tọa đàm nhỏ về thầy Trần Phi. Nói như anh Phạm Tuynh: Người có công làm cho trường này nổi trội thăng hoa, sánh vai với các trường: Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), ... có công xây dựng kỷ cương nền nếp của nhà trường giáo dục đạo đức học sinh, mở ra quan hệ kết nghĩa với nước ngoài, đương nhiên là thành tích của tập thể, nhưng công đầu phải là thầy Trần Phi.
Thầy Trần Phi rất bám trường, bám lớp, không bao giờ đến chậm giờ. Thầy quan tâm tới những công việc nhỏ nhất, đến những việc lớn nhất có tâm hoạch định của trường. Những năm ấy, trường ta ngoài các thầy giáo đã nổi tiếng từ cũ xuất hiện thêm nhiều thầy giỏi từ nơi khác về hoặc trưởng thành tại chỗ, như cô Ngô Thị Song Hảo, thầy Hà Đình Đạt, cô Bùi Thị Tý, thầy Hà Đình Đạt, cô Bùi Thị Tý, thầy Trần Vuông, thầy Tô Hoàng Di, thầy Nguyễn Văn Xuất, thầy Diêu, thầy Trần Trọng Hà, thầy Triệu Bá Tùng, thầy Lê Huy Phách, thầy Đặng Đình Toán, thầy Nguyễn Xuân Nùng, thầy Phạm Pha Chẩn, thầy Lê Gia Thuận, …
Cộng tác với thầy Trần Phi có 2 thầy hiệu phó: thầy Nguyễn Ngọc Trác và thầy Đỗ Hữu Tấn. Những năm đó là những năm trường có nhiều gian nan nhất. Giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, học sinh phải sơ tán nhiều nơi, khi thì nhà thờ Bầu, khi đình Ba Nóc, khi Đền Mây, Đằng Châu, khi bờ sông Điện Biên, ... Còn nhớ một ngày hè 1968, thầy trò sơ tán, giặc Mỹ ném bom bãi than - dốc Suối, nơi hầm trú ẩn vọng vào tiếng kêu cứu của đồng bào bị thương, ... Không ai bảo ai, thầy trò ùa cả ra bãi, giữa tiếng máy bay Mỹ trên đầu. Thầy trò chúng tôi kẻ cõng người, cáng đồng bào vào hầm trú ẩn cứu chữa. Buổi ấy nhờ lòng dũng cảm, nhờ tình yêu đồng bào của mình, nhờ những ngày luyện tập cứu thương và nhờ dòng máu của nhiều giáo viên và học sinh chúng tôi truyền cho nhiều đồng bào bị thương. Chúng tôi đã cứu được mấy chục người thoát khỏi cái chết thương tâm. Ngay sau đó, Đại tá Hà Văn Lâu đã về thăm cùng nhiều phóng viên báo chí ở Hà Nội. Một giáo sư sử học Mỹ cùng về, ông ta nói rằng: Về đây, tôi càng tin Việt Nam thắng Mỹ.
Năm 1972, trường ta - đại bản doanh Ấp Dâu bị ném bom. Một ngôi nhà là lớp học bị trúng bom. May mắn sao thầy trò đã đi sơ tán. Ngày hôm sau, thầy Nguyễn Ngọc Trác đã thay mặt nhà trường tiếp đại sứ Hungari về thăm. Ngày nay, còn bức ảnh chụp đại sứ Hungari và thầy Nguyễn Ngọc Trác trên nền nhà lớp học sau trận B52 của Mỹ.
Khổ như vậy nhưng vẫn vui, thầy dạy giỏi, trò học chăm. Đại bản doanh vẫn ở Ấp Dâu, nhưng các khu trường sơ tán rải khắp vùng ven thị. Giáo viên và học sinh đi dạy, đi học đều cuốc bộ. Những kỳ thi thì trọ học nhà dân. Anh Hội còn đóng cả 1 chiếc xe đạp bằng gỗ, thế mà cũng toòng teng được đến trường.
Hình ảnh những lớp học ban đêm, lớp học hầm kèo đường giao thông hào chằng chịt. Học sinh mũ lá ngụy trang, túi cứu thương sáng sáng vội vã đến trường. Có thầy giáo của trường hiện nay đã viết về thời kỳ đó:
Nhớ ngôi trường thời sơ tán thầy trò cũng tập trận chung
Hầm kèo, đèn dầu - lớp học
Hồn đêm rong ruổi trăng vàng.
Tối tối, học sinh học theo nhóm học tập. Các thầy chủ nhiệm ngày dạy, tối đi kiểm tra học sinh học tập. Thầy Triệu Bá Tùng với đôi guốc gỗ, bộ quần áo nâu giản dị, hầu như tối nào cũng đi kiểm tra học sinh học. Chẳng thế mà có tốp học trò đã trìu mến đặt cho thầy cái tên "Đại tá guốc mộc". Những năm đó, trường đã được đón nhà thơ Tố Hữu về thăm trường, Giáo sư Nguyễn Lân, nhà thơ Xuân Diệu đã về nói chuyện tại trường. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta gửi con về học tập và tu dưỡng tại trường ta như con đồng chí Nguyễn Thị Bình, con đồng chí Song Hào, con đồng chí Võ Thuần Nho, ...
Giữa những năm khốc liệt đó, có một tình bạn từ đất nước Hungari xa xôi đã đến với trường. Đó là một ngày giữa năm học 1965 - 1966. Lễ kết nghĩa trường HaMaKaTo và trường cấp 3 Hưng Yên được tiến hành trong sự có mặt của Đại sứ Hungari tại Việt Nam, đại diện Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài của Việt Nam, đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cũ. Đang những ngày chiến tranh, các cơ quan công sở nội thị đều sơ tán, lễ kết nghĩa phải tổ chức tại trụ sở huyện Kim Động.
Từ đó hàng loạt những hoạt động hữu nghị ngày càng được tăng cường. Nhà trường đã nhiều lần được đón ngài đại sứ, bà hiệu trưởng Ghiôrigiôdépne về thăm trường. Trường thường xuyên nhận được quà của bạn gửi sang tặng, có khi là giấy vở, lại có cả những con búp bê, tranh ảnh của các em trường HamaKaTo gửi tặng. Thầy hiệu trưởng Trần Phi được mời sang thăm trường và mang theo quà tặng, những bức thư của giáo viên và học sinh nhà trường gửi bạn.
Đến năm 1983, trường được chuyển sang kết nghĩa với trường KiLialgólgi của Thủ đô Bu - đa - nét. Tiếc rằng, sau năm 1985, tình hình Đông Âu có nhiều biến động, mối quan hệ bị gián đoạn, đến tận những ngày đầu năm 1994 này mối quan hệ đó mới được nối lại.
Và cũng giữa những năm chiến tranh ác liệt đó, nhiều học sinh trường ta đã tình nguyện "xếp bút nghiên" xung phong ra chiến trường. Quên sao những kỷ niệm đêm lửa trại, những cuộc hành quân dã chiến, quên sao những buổi bạn bè trong lớp trong khóa bịn rịn tiễn bạn ra chiến trường. Có lẽ, chính từ những tháng ngày rèn luyện trong trường, từ những bài thầy giảng, những lần chứng kiến tội ác của kẻ thù đã thôi thúc các thầy giáo và học sinh nhà trường ra trận. Và trong những cuộc chiến tranh giữ nước đó, thầy giáo Nguyễn Chúng cùng hơn 50 học sinh nhà trường đã hy sinh anh dũng ở chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia. Nhiều đồng chí đã lập được chiến 2 công và ghi vào lịch sử dân tộc. Trong tháng 8 - 1994 này, chúng tôi có dịp khánh thành phòng , truyền thống nhà trường. Sau khi trân trọng treo các ảnh liệt sĩ là giáo viên và học sinh của trường ta, trong hương trầm nghi ngút, mọi người không ai bảo ai đều lặng đi nhìn các anh, nhớ các anh, cùng những kỷ niệm về các anh thời học sinh, thời sinh viên và thời cùng cầm súng ở chiến trường...
Năm 1972, thầy Trần Phi được mời thăm quan nước Cộng hòa Dân chủ Đức và thầy trở về với tác phẩm: "Dạy học theo phòng bộ môn", được thầy trò nhà trường nhiệt liệt hưởng ứng, Sở Giáo dục lưu tâm, Bộ Giáo dục mở một hội nghị toàn miền Bắc đến trường cấp 3 Hưng Yên để học tập.
Trở lại nhà trường cấp 3 Hưng Yên những năm 1965, nhớ về những năm đó không thể không nhắc đến một mô hình giáo dục mới - phân hiệu "lớp ấy đặc biệt" tiền thân của trường phổ thông năng khiếu Hải Hưng bây giờ.
Thầy Trần Vuông, giáo viên dạy toán giỏi là người đầu tiên chủ nhiệm lớp đặc biệt. Những năm 1965-1968, với mô hình lớp đặc biệt, học sinh cấp 3 Hưng Yên đã gây tiếng vang trong toàn ngành giáo dục miền Bắc về thành tích học giỏi.
Qua các kỳ thi học sinh giỏi, các đồng chí Lê Văn Hốt, Nguyễn Quang Thiều, Trần Duy Thành, Nguyễn Viết Thạc, Nguyễn Văn Mừng, ... luôn giành được các giải nhất, nhì toàn miền Bắc. Những tài danh học giỏi của học sinh cấp 3 Hưng Yên lúc bấy giờ có thể sánh vai với bất kỳ trường nào của miền Bắc thời đó.
Không chỉ dạy giỏi, học giỏi, thầy trò cấp 3 nh Hưng Yên những năm này còn có phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao, rất mạnh. Chuyện kể lại: trường lúc đó có cả một đội bóng đá chân giầy, một đội bóng rổ, ... đi thi đấu khắp các tỉnh miền Bắc. Trên sân vận động thị xã Hưng Yên lúc ấy khi nào có đá bóng của trường cấp 3 Hưng Yên là dân thị xã nô nức đến xem. Còn sân bóng rổ của trường là sân duy nhất dùng chung cho cả thị xã lúc bấy giờ.
Phong trào văn nghệ cũng vậy, trường có cả một dàn hợp xướng do thầy Tô Hải, giáo viên nhạc tổ chức. Dàn hợp xướng và đội văn nghệ của trường từ những năm đầu thành lập đã đi nhiều nơi biểu diễn ở những hội nghị quan trọng của tỉnh và toàn ngành. Anh Ngô Bá Hiển - "người lĩnh xướng" thời đó, đầu năm 1994 này đã không cầm nổi nước mắt xúc động vì khi kể lại cho tôi nghe những kỷ niệm về một thời không quên ấy.
Rồi thầy Trần Phi được tỉnh điều về đảm nhiệm cương vị mới - Phó Hiệu trường trưởng Cao đẳng sư phạm Hải Hưng; thầy Nguyễn Ngọc Trác, Hiệu phó nhà trường trở thành hiệu trưởng thứ 3 của trường. Chúng tôi - người viết những dòng này không có may mắn được làm việc nhiều năm với thầy Trác, nhưng trong những câu chuyện kể lại của giáo viên, học sinh nhà trường và cảm nhận của riêng mình, thầy Trác là một trong những người quản lý nhà trường có thâm niên lâu nhất. Thầy lớn lên và "tu nghiệp" ở khu học xá xa tổ quốc, tốt nghiệp Đại học sư phạm trở về cấp 3 Hưng Yên, có nhiều năm là hiệu phó trường cấp 3 Ân Thi, rồi làm hiệu trưởng cấp 3 Hưng Yên. Những năm thầy Trác là hiệu trưởng là những năm trường gặt hái được nhiều thành tích ở đỉnh cao. Trường luôn giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc số 1, số 2 của tỉnh.
Đội ngũ giáo viên giỏi được giữ vững. Nhiều đồng chí giáo viên giỏi chuyển vùng công tác, nhưng nhiều đồng chí khác đã trưởng thành. Thời kỳ này xuất hiện nhiều giáo viên giỏi có tầm cỡ như thầy Tùng, thầy Thuận, thầy Toán, thầy Phách, thầy Thúc, thầy Tuynh, thầy Đỗ Thông, ...
Đặc biệt, thời kỳ này trường có một tập thể sư phạm lý tưởng, các thầy cô giáo nhà trường làm việc hết mình bằng lương tâm và trách nhiệm của những nhà sư phạm. Nhiều năm thầy Trác đi chữa bệnh trường không có lãnh đạo, nhưng hầu như mọi người đều làm việc thật đáng khâm phục. Kỷ cương nền nếp vẫn được giữ vững, tập thể giáo viên đoàn kết tự giác, làm việc hết mình. Những năm này vai trò của thầy Vũ Đông Thanh giáo viên Lý, nguyên hiệu trưởng một trường cấp 3 Phú Thọ về đã góp một phần quan trọng cùng thầy Trác giữ vững truyền thống nhà trường.
Học sinh nhà trường học giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao, tỷ lệ vào đại học thuộc các trường cao trong tỉnh, có năm chiếm tới 20%. Học gắn với hành, bằng nhiều hình thức, giáo viên, học sinh nhà trường tham gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Họ đã biết vận dụng tri thức khoa học đưa vào phục vụ sản xuất như: làm bèo hoa dâu, đào mương chống hạn, làm thức ăn cho gia súc, chăm bón lúa ngô; nhiều tốp học sinh vào các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có chồng con đi chiến đấu, lao động giúp đỡ bà con những lúc thời vụ gieo trồng gặt hái.
Đất nước hòa bình thống nhất, trong niềm vui bất tận của cả dân tộc, thầy trò trường cấp 3 Hưng Yên xuống đường, cờ, biểu ngữ ca hát những bài ca hào hùng nhất. Đất nước sang trang, thầy trò tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm: Thi đua dạy tốt, học tốt, thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thầy Phạm Lương Chuyền - Bí thư đoàn trường lúc đó đề xuất một phong trào thi đua trong các chi đoàn học sinh: xây dựng "Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa"; người người thi đua, lớp lớp thi đua, tạo nên trong toàn trường một phong trào thi đua sôi nổi. Năm học 1974 - 1975 trường được công nhận danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc số 1 của tỉnh và cũng năm đó Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã về khảo sát phong trào thi đua của đoàn trường cấp 3 Hưng Yên. Một vinh dự lớn lao đã đến: Trung ương Đoàn quyết định lấy nội dung, tên gọi phong trào thi đua của đoàn trường cấp 3 Hưng Yên phát động phong trào thi đua chung cho cả nước và quyết định tặng Đoàn trường cấp 3 Hưng Yên lá cờ đầu tiên: "Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa" vào năm 1975. Đến năm 1976 kèm theo lá cờ cao quý đó, phần thưởng của Ban chấp hành Trung ương Đoàn, còn có lá cờ mang chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, và trường cũng vinh dự đón lá cờ này - lá cờ đầu tiên của cả nước. Lễ đón cờ là ngày hội không chỉ của giáo viên, học sinh nhà trường mà còn là ngày vui của ngành giáo dục Hải Hưng. Báo chí cả nước ngợi ca, tờ báo Tiền Phong số ra tuần ấy đã dành gần 1/2 số trang ca ngợi giáo viên, học sinh trường cấp 3 Hưng Yên của chúng ta. Học sinh Nguyễn Thị Linh - Bí thư chi đoàn lớp 9E cùng đồng chí Phạm Lương Chuyền - Bí thư đoàn trường được đi khắp nơi trên miền Bắc để báo cáo điển hình: gây dựng phong trào xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Thầy Chuyền được vinh dự sang thăm quan Liên Xô, đất nước của Lê - nin vĩ đại.
Rồi một căn bệnh hiểm nghèo đến với thầy Trác, hiệu trưởng nhà trường - căn bệnh mờ mắt. Năm 1977, Sở Giáo dục đề bạt thầy Chu Đình Thăng - bí thư chi bộ là hiệu phó nhà trường. Năm 1978 đề bạt cô Lê Thị Thanh Xuân - hiệu phó kiêm bí thư đoàn trường. Căn bệnh của thầy Trác mỗi ngày mỗi nặng, vừa làm việc, thầy vừa chữa bệnh, ấy thế mà vẫn giữ được truyền thống thi đua dạy tốt, học tốt. Trường vẫn liên tục được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc. Tập thể giáo viên nhà trường đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Cơ sở vật chất nhà trường còn nghèo chỉ có một nhà hiệu bộ, 4 mái nhà cấp 4 được ngăn ra làm 12 phòng học, thư viện cũng phải nhường làm phòng học. Khu tập thể có 2 nhà lá được ngăn thành từng ô nhỏ. Đời sống khó khăn nhưng trường lúc nào cũng vui, hoạt động sôi nổi. Đến năm 1981, chẳng may một nhà lá bị cháy, 5 hộ giáo viên không nơi ở. Ngay tuần sau, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã có một cuộc họp đột xuất, quyết định bằng mọi cách thu xếp và phân cho 5 thầy cô 5 căn hộ tập thể khu Nam Thành. Trong các nhiệm vụ phục vụ giảng dạy phải kể đến công lao không nhỏ và vai trò của bác Đoàn Phi đối với trường PTTH thị xã Hưng Yên suốt 35 năm qua.
Căn bệnh của thầy Trác - Hiệu trưởng càng nặng thêm, năm 1982, Sở Giáo dục cho phép thầy Trác nghỉ hưu và đề bạt cô giáo Lê Thị Thanh Xuân giữ chức Quyền hiệu trưởng. Cùng năm ấy, Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã Hưng Yên, Sở Giáo dục Hải Hưng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho trường được chuyển về tiếp thu khu trường Nguyễn Quốc Ân hiện nay, cạnh hồ Bán Nguyệt để tránh cho học sinh và giáo viên không phải đi lại quá xa, đề phòng những rủi ro bất trắc. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Giáo dục Hải Hưng, UBND thị xã, trường ta đã được xây dựng thêm 2 căn nhà cấp 4, ngăn làm 6 phòng học cùng với 12 phòng cao tầng, cơ sở vật chất nhà trường ổn định. Năm học mới 1982 - 1983 được bắt đầu tốt đẹp nơi trường mới.
Đồng chí Lê Thị Thanh Xuân là giáo viên lịch sử. Tôi đã có 6 năm giúp việc đồng chí Xuân ở cương vị hiệu phó 1986 - 1991, cảm nhận trong tôi về đồng chí là một người kín đáo. Với công việc chung, chị đã tập hợp được sức làm việc của quần chúng. Trong những năm đảm nhận cương vị hiệu trưởng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho phong trào giáo dục chung và thành tích của nhà trường. Những năm này, trường ta có khá nhiều sự kiện "An cư mới lạc nghiệp" thế mà trường vẫn giữ vững truyền thống của mình trong khi mới có 8 năm mà tới 2 lần chuyển địa điểm.
Mối quan hệ giữa trường ta và bạn Hungari được tăng cường. Năm học 1982, 1984, 1986 là 3 năm trường được đón đại sứ Hungari tại Việt Nam. Bạn đến mang theo tình cảm của những người đồng chí cùng chiến hào; thầy trò nhà trường tự hào vì tình bạn quý, càng quyết tâm dạy tốt, học tốt hơn. Hầu như năm nào bạn cũng gửi tặng quà, năm 1986, bạn còn gửi tặng trường cả một tấn hàng.
Những năm này, trường ta luôn đạt danh hiệu tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Có năm Chủ tịch tỉnh về dự lễ khai giảng năm học. Năm 1986, thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ dẫn Đoàn Bộ Giáo dục Lào về thăm và tìm hiểu công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường.
Năm 1984, giáo viên nhà trường lên tới 68 đồng chí. Đội ngũ giáo viên cao tuổi, giáo viên giỏi càng ngày càng phát huy khả năng và sức làm việc của mình. Một lớp giáo viên trẻ tuổi mới ra trường nhưng đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành giáo viên giỏi. Bên cạnh các anh Lê Huy Phách, Đặng Đình Toán, Phạm Tuynh, Bùi Văn Thúc, Lê Gia Thuận, Triệu Bá Tùng, Đỗ Thông, ... là một lớp giáo viên giỏi vừa trẻ tuổi đời vừa trẻ tuổi nghề: Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Khắc Hào, Phạm Huy Hinh, Đoàn Thị Thêu, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Hiệp Hòa, Bùi Thường Diệm, ... Nhiều anh chị trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh khi tuổi đời mới ngoài 30.
Học sinh nhà trường vẫn phát huy tốt truyền thống học giỏi, tỉ lệ đỗ đại học cao, có năm tới 43 học sinh vào đại học, có nhiều em thi đỗ cả 3 trường đại học. Đặc biệt, con các thầy cô giáo bao giờ cũng học giỏi và chăm ngoan, hầu như cháu nào cũng vào đại học. Nổi trội trong số học sinh là con giáo viên những năm này là cháu Nguyễn Mạnh Thắng, cháu Đào Thị Khánh, cháu Đỗ Thị Vân, cháu Nguyễn Thị Lan Anh và các cháu con thầy Triệu Bá Tùng, ... em Kim Quang Tuyến là học sinh tiêu biểu của trường những năm này, sinh năm 1968 hiện đang làm luận án Phó tiến sĩ về môi trường tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Đất nước hòa bình thống nhất, nhưng giữ vững chủ quyền lãnh thổ giúp đỡ nước bạn Campuchia là nhiệm vụ quan trọng của lớp trẻ ngày đó. Nhiều học sinh của trường đã tòng quân đi chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, mang lại vinh quang cho quê hương. Nhiều tấm gương được ghi vào sử sách như liệt sĩ kỹ sư Nguyễn Xuân Đỏ và những kỳ tích anh hùng về "Ngã ba anh Đỏ" tại miền Tây Campuchia của anh. Thời kỳ này cũng là thời kỳ khởi sắc của công tác hướng nghiệp dạy nghề. Trong những năm 1986 - 1988, nhà trường đã triển khai một loạt những hoạt động có hiệu quả kinh tế và giáo dục cao. Tổ chức học sinh học nghề, đưa học sinh đi tham quan và lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, đường phố, hợp tác xã như: Lát toàn bộ hè đường Nguyễn Du, chăm sóc cây và tạo cảnh quan cho Nhà máy cơ khí 1-5, đi thực tế phân xưởng tại nhà máy nhựa Hải Hưng, làm hàng xuất khẩu cho hợp tác xã nhựa cao cấp, làm gạch ba banh, làm thừng đay, khâu bao cho Nhà máy đay, ... bước đầu tạo ra nguồn lợi kinh tế cao và tác dụng tốt trong giáo dục học sinh.
Rồi cuối năm 1991, đồng chí Lê Thị Thanh Xuân được bổ nhiệm là Trưởng phòng Giáo dục thị xã Hưng Yên, thầy hiệu phó Nguyễn Khắc Hào được đề bạt Hiệu trưởng - Hiệu trưởng thứ 5 của trường. Năm sau, tháng 4 - 1992 thầy Phạm Huy Hinh, thầy Nguyễn Đình Tám được Sở Giáo dục Hải Hưng và Thị ủy, UBND thị xã Hưng Yên đề bạt hiệu phó. Những năm đầu của thập kỷ 90 này, sau 5 năm đất nước đổi mới, nhà trường đang đứng trước nhiều thử thách. Nhiệm vụ giáo dục đào tạo không thể không có những bước chuyển trước đòi hỏi của đất nước và nhu cầu học tập của học sinh phải cụ thể hơn, hiệu quả hơn, định hướng trong học tập của học sinh rõ ràng hơn. Ở học sinh có sự phân cực khá rõ về năng lực học tập, hình thành rất rõ xu hướng học lên nữa ở khoảng 30% học sinh, số còn lại chỉ có nhu cầu trình độ văn hóa phổ thông. Định hướng của nhà trường lúc này là:
1. Về công tác chuyên môn:
Tạo ra những "hệ mở trong quy trình khép kín". Tức là, quan điểm đầu tư về con người, cho con người. Đón nhiều thầy giỏi ở trong vùng về công tác tại trường, mời nhiều chuyên gia giỏi ở Hà Nội, Nam Định, các giáo viên giỏi đã về hưu về dạy nâng cao trong nhà trường, tiếp nhận những học sinh giỏi ở các huyện lân cận về học tại trường, số lượng giáo viên giỏi bên ngoài vào dạy lên tới 10% và học sinh giỏi ở huyện về học có năm tới 30 em.
- Mục tiêu đào tạo nhân tài phải rõ và quan nh điểm đầu tư cho đào tạo nhân tài phải có hiệu quả.
- Xin tỉnh cho trường mở một phân hiệu năng khiếu của tỉnh đặt tại trường.
- Làm tốt công tác đào tạo đại trà, đào tạo những ực người lao động có ích.
2. Xây dựng kỷ cương nền nếp trong trường: Tức là phải tiêu chuẩn hóa, kỷ cương hóa tất cả các hoạt động của thầy và trò, làm cho guồng máy hoạt động của nhà trường mang tính khoa học, tính giáo dục và đồng bộ. Nghiên cứu phương pháp quản lý nhà trường của các đồng chí hiệu trưởng cũ để chọn lọc và học tập. Nghiên cứu kỹ cách quản lý nhà trường thời kỳ thầy Trần Phi làm hiệu trưởng.
3. Chú ý giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức và giáo dục truyền thống
- Quan tâm đến hoạt động lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề. Chú ý giáo dục nếp sống văn hóa, văn minh trong trường học; thật coi trọng hoạt động của các tổ chức quần chúng trong nhà trường như: công đoàn, nữ công, đoàn thanh niên ,…
- Giáo dục đạo đức học sinh phải được coi là nhiệm vụ của tất cả mọi cán bộ giáo viên trong trường.
- Chú ý giáo dục truyền thống, giáo dục lòng tự hào về các thế hệ giáo viên, học sinh và nhà trường cấp 3 Hưng Yên 35 năm qua.
4. Quản lý tốt cơ sở vật chất trường học.
5. Phát huy hiệu quả hoạt động của hội cha mẹ học sinh.
6. Công tác đội ngũ: phải xây dựng được một tập thể giáo viên đoàn kết, thống nhất với những định hướng trên, sống tương thân, tương ái và chất lượng đội ngũ phải không ngừng được nâng cao, trong đó chú trọng các đồng chí giáo viên có tuổi, giáo viên giỏi và giáo viên trẻ. Những định hướng trên ngay từ những năm đầu đã khẳng định được kết quả tốt.
Những năm này, trường có một đội ngũ giáo viên giỏi rất đáng trân trọng. Bên cạnh các thầy cô giáo đã được khẳng định từ trước, xuất hiện thêm thầy Nguyễn San, cô Phạm Hoài Phương, Lê Thị Phương Liên, Nguyễn Đình Phụng. Đặc biệt là sự xuất hiện của đồng chí Lê Huy Phách trở lại trường và đồng chí Nguyễn Kim Khánh, giáo viên Lý, làm cho đội ngũ giáo viên nhà trường có nhiều chuyển đổi về chất. Các đồng chí đã cùng các đồng chí giáo viên ngoài nhà trường: Đỗ Mạnh Hưng (giáo viên sinh Phù Tiên lên), Nguyễn Thọ (giáo viên Hóa Nam Định sang), Dương Quốc Việt (giáo viên Toán - Viện Toán Việt Nam), Nguyễn Văn Quế (giáo viên Hóa bộ đội), Ngọc Anh (giáo viên Hóa), ... đóng góp những phần quan trọng vào thành tích chuyên môn những năm qua.
Cũng hiếm khi trường có một đội ngũ giáo viên làm việc đều tay và đoàn kết thực sự như thời kỳ này. Các thế hệ giáo viên trong trường vừa làm việc bằng kỷ cương nền nếp, vừa đằm thắm tình đồng nghiệp, tình anh em như một gia đình. Các anh chị giáo viên có tuổi là những người có công trong việc xây dựng một tập thể sư phạm như hôm nay.
Với phương pháp giáo dục đào tạo có nhiều đổi mới mang tính hiệu quả cao, học sinh nhà trường những năm này rất ngoan, rất có kỷ cương nền nếp và học giỏi. Sắp hoàn thành trang viết này, tôi nhận được tin em Nguyễn Thị Mến, học sinh lớp 12A thi đỗ cả 3 trường Đại học, riêng môn toán đạt 2 điểm 10 và 1 điểm 9. Em Mến nói riêng, học sinh nhà trường nói chung mai đây, ... Mai đây ra trường, các em sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp của cha anh, góp phần xây dựng quê hương đất nước và làm sáng danh trường cấp 3 Hưng Yên của chúng ta.
Đáp ứng nguyện vọng của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường, để có dịp khẳng định sức sống của một nhà trường 35 năm không ngừng phát triển, ngày 30 - 5 - 1993, hội nghị trù bị hội trường cấp 3 Hưng Yên được triệu tập, bắt đầu cho các hoạt động khẩn trương và đầy hứng thú chuẩn bị cho ngày hội trường vào ngày 25 - 12 - 1994. Có những việc quan trọng được các anh chị đề cập đến:
UBND tỉnh đã có chủ trương nay ta tích cực đề nghị các ban ngành liên quan và thị xã Hưng Yên quan tâm đầu tư xây dựng khu trường mới cho trường.
- Chuẩn bị về công tác tổ chức cho ngày hội trường.
- Xây dựng một phòng truyền thống cấp 3 Hưng Yên.
- Ra một tập san 35 năm cấp 3 Hưng Yên.
- Chú ý công tác tuyên truyền về nhà trường.
Ngày 7 - 10 - 1993, vào lúc 7 giờ 30, được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ban ngành liên quan, lễ khai móng xây dựng trường phổ thông trung học thị xã Hưng Yên bắt đầu. Trong buổi lễ có sự chứng kiến của đại diện ban quản lý công trình tỉnh và các phòng ban thị xã Hưng Yên, một khu trường 21 phòng học và các công trình phụ trợ với tổng dự toán hơn 1 tỷ đồng bắt đầu xây dựng trên mảnh đất Thành Hưng Yên cổ kính.
Ngôi trường mới ngày một hình thành đẹp đẽ. Các thế hệ giáo viên và học sinh đang hồi hộp chờ ngày khánh thành, chờ ngày hội trường 25 - 12 - 1994 của trường mình trong rực rỡ cờ hoa. mừng vui ngày gặp lại, trường mới với những thành tựu rực rỡ 35 năm đầy xúc động và tự hào.
Gấp lại trang viết, tôi cứ suy nghĩ, suy nghĩ nhiều về một nhà trường ở một vùng quê xa thủ đô và nằm trong nôi của Phố Hiến cổ kính xưa. 35 năm với những gương mặt thầy giáo ấy, những thế hệ học sinh ấy đã làm nên truyền thống của một nhà trường đang độ thăng hoa.
35 năm trong sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ tỉnh Hưng Yên cũ, tỉnh Hải Hưng và thị xã Hưng Yên. 35 năm trong sự đùm bọc, quý yêu của các bậc phụ huynh học sinh thị xã Hưng Yên và các huyện của tỉnh Hưng Yên cũ và 35 năm thầy trò không ngừng phấn đấu, các thế hệ quản lý nhà trường đầy tâm huyết đã làm sáng danh truyền thống một mảnh đất hiếu học của Phố Hiến văn hiến lâu đời. 35 năm, một tập thể sư phạm đoàn kết, tài hoa, lịch lãm và đầy bản lĩnh đã trở thành nếp nhà của các thầy giáo cấp 3 Hưng Yên. Như còn rạo rực đâu đây khí thiêng Văn Miếu và nền văn hóa Phố Hiến lâu đời hun đúc trong trường ta, làm nó càng ngày càng sáng danh, xứng đáng với 3 tấm Huân chương Lao động mà Nhà nước trao tặng những năm 1967, 1968, 1994, xứng đáng với lá cờ mang chân dung anh Nguyễn Văn Trỗi và lá cờ tập thể học sinh XHCN đầu tiên của cả nước, xứng đáng với gần 100 lá cờ thi đua và luân lưu của UBND tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo và các ban ngành của tỉnh trao tặng, xứng đáng với hơn 50 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh còn lưu giữ trong phòng truyền thống nhà trường. Và hôm nay, đang xứng đáng với danh hiệu UBND tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo tặng năm học 1993 - 1994: Trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh, đơn vị thi đua xuất sắc nhất của ngành giáo dục đào tạo Hải Hưng.
Thị xã Hưng Yên, tháng 9 – 1994
Ban biên tập Cổng thông tin điện tử trường THPT Hưng Yên xin đăng ảnh tư liệu Hiệu trưởng qua các thời kỳ, từ khi thành lập trường đến nay:
Thầy giáo Nguyễn Xuân Động – Hiệu trưởng đầu tiên nhà trường
Thầy giáo Trần Phi – nguyên Hiệu trưởng nhà trường
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trác – nguyên Hiệu trưởng nhà trường
Cô giáo Lê Thị Thanh Xuân – nguyên Hiệu trưởng nhà trường
Thầy giáo Nguyễn Khắc Hào – nguyên Hiệu trưởng nhà trường
Thầy giáo Phạm Huy Hinh – nguyên Hiệu trưởng nhà trường
Thầy giáo Trần Văn Xuân – nguyên Hiệu trưởng nhà trường
Cô giáo Đỗ Thị Giang – Hiệu trưởng đương nhiệm
Thiện Quý – Sưu tầm từ Tập san 35 năm Mái trường và Tập san 45 năm Trường Cấp III Hưng Yên