Sách hay cần đọc "Tiếng gọi nơi hoang dã" Jack London
Tóm tắt truyện
Chương 1: Tiếng gọi nguyên thủy
Chú chó Buck – con lai giữa 2 loài St. Bernard và chó chăn cừu nòi Scotland, với vẻ ngoài to lớn chững chạc nhờ cuộc sồng sung túc nơi phương Nam ấm áp cùng gia đình thẩm phán Miller. Nhân lúc gia đình chủ nhân đi vắng, Buck đã bị bắt và đem bán. Lần đầu tiên trong cuộc đời- nó bị đánh, bị dạy dỗ bằng dùi cui, người cầm dùi cui là kẻ làm ra luật mà nó sẽ phải phục tùng.
Chương 2: Luật của dùi cui và răng nanh
Buck được đưa đến sông Dyea cùng chủ nhân đầu tiên- Francois anh chàng đưa thư. Francois có một đàn chó khác, dẫn đầu là Spitz- con chó đầu đàn luôn nhăm nhe xé xác Buck, Dave- con chó già chỉ quan tâm đến việc phục vụ cho chủ nhân của nó, Pike- con chó luôn thích giả ốm để tránh việc, Billee và Joe- 2 anh em ruột nòi Eskimo nhưng trái ngược hoàn toàn về tính cách Billee nhu nhược còn Joe luôn gầm gừ ác ý, Sol-leks- con chó già trải qua trinh chiến với những vét sẹo khắp người. Trở thành chó kéo xe nó nhanh chóng học được cái cách thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt nơi phương Bắc lạnh giá.
Chương 3: Con thú nguyên thủy thống soái
Tính chất nguyên thủy trong Buck trỗi dậy, nó muốn trở thành kẻ đứng đầu, nó học được cách nhẫn nhịn mỗi khi con Spitz tranh giành. Trận chiến thực sự nổ ra khi Spitz cố cướp chỗ ngủ của nó, trong suy nghĩ của Spitz, Buck chỉ là một con chó phương Nam yếu đuối không chịu được đói rét, không chịu được cực nhọc. Cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc chỉ khi môt trong hai phải chết, Spitz có đủ sự tự tin của một loài chó đầy kinh nghiệm chinh chiến nhưng bằng sự trỗi dậy bản năng nguyên thủy của loài thống soái, Buck- kẻ thống trị thực sự mới kẻ cuối cùng tồn tại.
Chương 4: Kẻ đã đạt tới quyền lực
Như một lẽ đương nhiên Buck trở thành con đầu đàn, nó luôn chứng minh nó mới là kẻ dẫn đầu thực sự khi còn làm tốt hơn con đầu đàn cũ- kẻ đã bị nó hạ gục Spitz.
Chương 5: Lao khổ trên vệt đường mòn
Kết thúc cuộc hành trình 30 ngày gian khổ, Buck cùng lũ bạn nó tiếp tục bị bán cho Hal và Charles và Mercedes- 1 gia đình lữ hành cùng đống đồ lỉnh khỉnh. Sau hành trình mệt mỏi, lũ chó không được nghỉ ngơi mà phải tiếp tục kéo xe, để tiết kiệm thức ăn Hal đã nghĩ ra cách cho lũ chó ăn ít hơn nhưng phải kéo đoạn đường dài hơn. Sức cùng Buck cùng lũ bạn nó đã phản kháng bằng cách nằm lì mặc bị đánh đập. Nhưng vì thế nó gặp được Thornton- một chủ trang trại trên đường chúng đi qua. Buck tiêp tục bị ăn dùi cui vì không nghe lời. Bất bình trước sự việc, Thornton cắt dây thắng trên người Buck và đưa về nuôi, kể từ khi bị bắt khỏi nhà thẩm phán Milter chưa bao giờ lại có người ôm âu yếm nó đến thế.
Chương 6: Vì tình yêu thương với một con người
Sau khi khỏi Buck nhanh chóng hòa nhập nơi đây, lần đầu tiên nó cảm nhận được thế nào là tình yêu thương thực sự chứ không chỉ là tinh thần trach nhiệm bảo vệ con trai của thẩm phán như trước kia. Sống trong ngập tràn yêu thương, Buck càng trở thành một chú cho uy mãnh, thâm chí nó thể kéo được một ngàn pounds- điều chẳng ai nghĩ tin tưởng nó trừ Thornton.
Chương 7: Tiếng gọi
Với một ngàn sáu đô Buck kiếm được cho chủ nhân họ băt đầu cuộc hành trình về phương Đông. Đi vào rừng cùng môt con sói, sau bao năm Buck đã cảm nhận được sự hoang dã trỗi dậy thứ từ lâu đã ẩn sâu trong máu nó, nhưng nó lại nhớ đến Thornton. Trở về căn nhà ấm áp nơi có Thornton cùng bạn của nó chú chó Pete, Skeet và Nig. Tiếng gọi ấy cứ ngày càng thôi thúc nó, sau cuộc rong đuổi suốt 4 ngày đêm Buck như cảm nhận thấy điều khác lạ đang diễn ra nơi đây, điều ấy đã thành hiện thực Thornton- chủ nhân của nó đã chết bởi đám người da đỏ Yeehats. Bằng những gì nguyên thủy nhất nó chỉ biết lao vào cáu xé, tình yêu thương của Thornton giờ đây đã hoa thành những cơn giận dữ đánh thức bản năng trỗi dậy trong nó. Nó như đã nghe tiếng gọi từ nguyên thủy.
Tựa như những niềm đau âm ỉ nơi thăm thẳm lòng của đứa con chiên của núi rừng, Buck vật lộn trong đại ngàn cái mỏng manh nơi thành phố lạ, chốn con người với những thứ tàn ác cùng cực, mạnh mẽ như một chiến binh của miền hoang dã, dũng mãnh và kiên cường…
“Ôi khát vọng xưa đất trời rộng bước
Giận thói thường xích chặt tựa lao tù
Đêm đông lạnh từ giấc nồng mộng ước
Lại bừng sôi huyết thống của hoang vu.”
Gắn liền với những nỗi đau, là một chú chó Buck sống một cách mãnh liệt và cháy bỏng. Nếu như ở trong những tác phẩm văn học khác, loài vật được xây dựng để làm nổi bật lên những phẩm chất của con người, thì ở Tiếng gọi nơi hoang dã, Jack London lại miêu tả nhân vật chú chó Buck của mình với bản chất nguyên thủy nhất.
Song hành cùng tác phẩm “Nanh trắng”, “Tiếng gọi nơi hoang dã” chính là hành trình ngược về “phi văn minh”. Con người đã thuần hóa những giống loài từ hoang dã để phục vụ cho lợi ích của mình, và cũng chính con người vì cái lợi ích đó biến giống loài kia trở lại với tiếng gọi nơi hoang dã.
Nhân vật chú chó Buck của Jack không được ngụ ngôn hóa hay con người hóa, nó hiện lên với đúng bản chất và những thuộc tính của riêng loài sói. Với vốn kiến thức sâu rộng về tự nhiên, sinh học và phân tâm học cùng đôi mắt quan sát tài tình, nhà văn người Mỹ đã đưa đến cho người đọc những triết lý nhân sinh sâu sắc và độc đáo trước những hiện thực khốc liệt của đời sống hoang dã.
Bên cạnh câu chuyện tuyệt vời về Buck, Jack London cũng đã đem vào trang sách của mình một thế giới loài vật với đủ mọi cung bậc cảm xúc, là tiếng gầm gừ như những kẻ sắp tranh tài, những gã nai, nàng nai, bé nai… cho tới họ hàng nhà dế, những chú gà gô, chim gõ kiến, bầy sóc… đầy đủ khuôn mặt của các loài sinh vật bò trườn.
Thế giới hoang dã của nhiều loài vật đầy sắc màu ấy đem đến cho phương Bắc sự sinh động, nhộn nhịp khác thường với cuộc sống có phần tĩnh mịch, lạnh lẽo nơi đây. Một thế giới hoang dã hiện ra gây ấn tượng mạnh mẽ, mở ra muôn hình vạn trạng kỳ thú nhưng chưa bao giờ là dễ dàng. Nó phản ánh cái bản chất khốc liệt của sự sinh tồn, ngay nơi cái cách Buck vật lộn với cuộc sống, với dùi cui và răng cưa, giữa cái luật của cuộc đời đến lúc chỉ nghe được tiếng gọi nơi hoang dã, nơi vùng nguyên thủy xa xôi.
Bài học về bản lĩnh sinh tồn giữa cuộc đời
Một tác phẩm văn học chân chính chưa bao giờ là tác phẩm rỗng tuếch về mặt tư tưởng. Hình ảnh Buck và thiên nhiên gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc, nhưng, chính cái tư tưởng trong tác phẩm lại chính là điều làm nên giá trị cho tác phẩm, khiến nó sống mãi với thời gian. Buck là một chú chó, nhưng cái bản năng của nó cũng chính là bản năng của một con người trước những khó khăn của cuộc đời.
Đời người là chuỗi ngày đấu tranh, và chính trong những “trận chiến sinh tồn” đó, bản năng của con người được đánh thức. Nó sẽ trỗi dậy khi chúng ta không làm chủ được bản thân mình, khi chúng ta phải trải qua những đau thương đến gục ngã.
Không theo “nguyên lí tảng băng trôi” như Hemingway nhưng Jack London lại có khả năng thể hiện nhiều tầng lớp nghĩa của câu chuyện, trên lớp văn bản, tác phẩm như viết về cuộc đời của Buck, về giữa những xung đột của những con vật gọi là đồng loại, mối xung đột giữa con người với thiên nhiên; đan lồng trong chủ đề ấy nhà văn muốn thể hiện một chủ đề khác, đó là hiện thực khốc liệt của xã hội Mỹ đương thời. Cái giá trị nhân văn đó, được miêu tả một cách đặc sắc và đầy tinh tế. Tư tưởng được viết dưới một ngòi bút tài năng, bởi một tấm lòng yêu thương và cả một vốn kiến thức đầy trí tuệ, nó đã đi vào trong lòng người đọc một cách sâu sắc và chân thực nhất, tựa như con thuyền đưa người đọc bước đến chân trời của chân thiện mỹ.
“Tiếng gọi nơi hoang dã” là tiếng gọi về miền nguyên thủy trong hành trình của con chó Buck, nó cũng là cái tiếng gọi đưa người đọc về một miền đất mới, đưa đến người đọc một sự tự nhận thức về thiên nhiên và con người. Buck trở về với cái bản năng của nó, đem theo sự ám ảnh trong lòng mình nói riêng và cả những độc giả khác của Jack London nói chung. Nơi vùng đất xa xôi, xa cả nền ánh sáng của văn minh nhân loại, hãy tin rằng Buck rồi sẽ hạnh phúc.